Những người có nguy cơ mắc bệnh Whitmore

Những người có nguy cơ mắc bệnh Whitmore

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 2, 14/11/2022 20:00

Whitmore là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn. Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn.

Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí.

Bệnh Whitmore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Bệnh Whitmore dễ bị mắc ở những người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch….

Theo báo cáo từ các vùng có bệnh trên thế giới, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh chiếm 5-15% tổng số ca Whitmore.

Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Số bệnh nhân tăng tỉ lệ thuận với lượng mưa. Đa số bệnh nhân là nông dân, tuổi từ 50 đến 70, có bệnh nền đái tháo đường hoặc bệnh mạn tính liên quan đến phổi và thận, có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi khi nhập viện.

Whitmore là một bệnh lý nhiễm trùng khá nguy hiểm. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến Whitmore thường được người dân gọi với cái tên "ăn thịt người".

Bệnh không có triệu chứng điển hình, dễ nhầm với các bệnh nhiễm trùng khác, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Whitmore được coi là "kẻ mạo danh" vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác.

Người mắc bệnh Whitmore thường sẽ có dấu hiệu sốt cao, đau dạ dày, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật, triệu chứng viêm phổi (ho, khó thở, đau ngực), nhiễm trùng trên da với các dấu hiệu đau hoặc sưng, loét và áp xe.

Để chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy. Do đó, nếu có các triệu chứng kể trên, người dân nên đi khám càng sớm càng tốt để kịp thời chẩn đoán chính xác bệnh.

Trong trường hợp bị bỏ sót hoặc điều trị nhầm theo hướng nhiễm trùng thông thường, bệnh có thể tiến triển kéo dài, dai dẳng và gây ra các biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước, sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

2. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

3. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

4. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

5. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

6. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

7. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, điều trị kịp thời.

Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Giáo dục thời đại)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.