Chiếc Innova màu trắng bạc đột ngột chuyển hướng rồi rẽ vào con đường mòn, lau lách mọc quá đầu người. Thượng úy Nguyễn Văn Mười, cán bộ Đội đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT) BĐBP tỉnh Quảng Ninh nhìn qua chiếc gương chiếu hậu thở phào nhẹ nhõm: Đã cắt được đuôi! Chúng tôi, cánh báo chí đi cùng lực lượng đánh án ma túy đặc nhiệm BĐBP cũng được phen thót tim trước những pha rượt đuổi ngoạn mục.
Những chiếc đồng hồ chứa heroin
Trước khi cho chúng tôi đi cùng lực lượng đánh án, Trung tá Vũ Xuân Lực, Đội trưởng Đội đặc nhiệm PCTPMT báo trước: "Dăm năm trở lại đây, lính của Đội đặc nhiệm luôn được chăm sóc đặc biệt bởi một đội ngũ giám sát mà anh em vẫn thường đùa vui là "chim lợn".
Các ngã tư, đường mòn có thể đi được bằng xe máy hay ô tô, các đối tượng đều cắt, cử người theo dõi. Thấy xe của mình từ cổng ra là "chim lợn" đã báo cho nhau. Trước khi mang hàng trắng vượt biên, các đối tượng đều tổ chức khảo sát địa bàn, chọn địa hình và thời điểm thuận lợi. Bởi đây là những mẻ hàng lớn mang tính sống còn. Nếu bị bắt, đồng nghĩa là sẽ phải đối mặt với bản án cao nhất. Do vậy, bằng mọi cách chúng tìm cách thoát thân.
Bộ đội biên phòng đang kiểm tra tang vật trong một vụ án ma túy - Ảnh minh họa.
Được đi theo Đội đặc nhiệm khi màn sương đêm phủ thẫm trên đường tuần tra, chúng tôi mới cảm nhận và thấu hiểu công việc cũng như những gian khổ mà các chiến sĩ biên phòng đang phải đương đầu. Sau cơn mưa tầm tã, con đường mòn biên giới vốn lầy lội với những ổ trâu càng trở nên trơn, trượt khó đi. Thượng úy Mười dồn số, tiếng động cơ xe ô tô gầm rú, chiếc xe ì ạch nhích lên từng đoạn.
Đỗ xe ở vòng ngoài, chúng tôi đi bộ vào phía sát bờ sông. Vừa đi, Thượng úy Mười vừa kể: "Vất vả nhất là mưa rét, đường biên giới ngoằn ngoèo, đối tượng nằm mật phục dùng đá ném vào mình". Dừng lại trước một lán của Đại đội 2 thuộc Đồn biên phòng số 11 đang làm nhiệm vụ. Lán rộng chừng 7m2, quây tạm bợ bằng cót ép, trống huơ trống hoác khiến ngồi bên trong mà lạnh như ngoài trời. Mỗi lán có hai cán bộ biên phòng canh gác và ứng trực.
Đến khu vực đường mòn biên giới ở khu 4 phường Trần Phú, thuộc Đồn Biên phòng số 7, Thiếu tá Lê Văn Hùng giới thiệu: "Đây là khu vực hiểm trở nhất nên đối tượng ma túy thường chọn khu vực này để đi. Ở đây có nhiều con đường sợi chỉ như ô bàn cờ, lau sậy, cây cối um tùm, lên dốc, xuống dốc hết sức ngoằn ngoèo.
Nếu đối tượng bỏ chạy, lẩn trốn vào các lùm cây, bụi cỏ thì cũng khó mà phát hiện". Đây là đoạn hẹp nhất của sông Ka Long nên từ bờ bên này sang bờ bên kia chỉ chừng 5 phút. Chỉ cần lọt được vào đường biên này, những tên tội phạm ma túy đều có thể dễ dàng vượt biên. Do vậy, ngay phía ngoài lực lượng BĐBP đã có một lán canh gác nhằm phát hiện và kiểm tra bất cứ đối tượng nào đi qua đây.
Cách đây không lâu, trong lúc tuần tra, Đồn biên phòng số 7 phát hiện một phụ nữ vác một bao hàng khá nặng đi đến khu vực đường biên này. Thấy bóng người, chị này định lẩn vào bụi cây rậm rạp tối thui, nhưng không thành. Kiểm tra bao hàng thì đều là các dây đồng hồ đeo tay được gia công trong nước mang sang Trung Quốc. Nếu không xem xét kỹ thì có thể đánh giá đây là vụ buôn lậu. Tuy nhiên, thái độ luống cuống của chị này khiến các trinh sát sinh nghi. Kiểm tra kỹ toàn bộ tang vật, các trinh sát phát hiện trong mỗi túi bóng đựng dây đồng hồ đều chứa hêrôin.
Những cuộc tuần tra đêm.
Giám đốc phá sản đi buôn ma tuý
Theo Trung tá Vũ Xuân Lực thì thời gian gần đây ở khu vực đường biên xuất hiện nhiều phụ nữ tham gia vận chuyển ma túy. Có thể, các đối tượng buôn ma túy nghĩ rằng, thuê phụ nữ vận chuyển thì sẽ dễ dàng lọt qua các trạm canh gác hơn. Thế nên chúng lợi dụng cả những người thiếu hiểu biết về pháp luật và cả những người học hành cao để vận chuyển với tiền công lớn.
Theo Thiếu tá Hoàng Ngọc Thuấn, Đội phó Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn biên phòng số 7 thì phụ nữ thường giấu ma túy vào chỗ kín, đi lại qua biên giới như người bình thường, ít gây sự chú ý và nghi ngờ hơn. Vũ Thị Từ, quê ở Bắc Giang, từng là Giám đốc một công ty TNHH, sau phá sản đã sang Trung Quốc nhận gia công mặt hàng đồng hồ đeo tay. Chị này nhận các mắt dây đồng hồ đem về Bắc Giang gia công thành dây đồng hồ, sau đó mang sang Trung Quốc trả hàng. Thấy thế, các đối tượng buôn ma túy đã làm quen, dụ dỗ khiến chị này đồng ý vận chuyển thuê ma túy từ Bắc Giang sang Trung Quốc.
Sử dụng người yêu để vận chuyển ma túy cho dễ lọt lời khai của Nguyễn Văn Minh, ở Bắc Giang khiến các cán bộ biên phòng giật mình. Cuối năm 2012, đang đi trên đường, khi qua bến xe Ka Long, Trung tá Vũ Xuân Lực thấy một chiếc taxi đi hướng Hạ Long, Móng Cái đỗ lại trước cửa bến. Nếu là người bình thường thì sẽ cho qua chi tiết này. Linh tính nghề nghiệp, anh vòng xe lại và đỗ sau chiếc taxi. Trên xe một phụ nữ và hai thanh niên bước xuống. Nếu là khách ra Móng Cái du lịch, mua sắm thì sẽ đi xe khách chứ không thể đi taxi.
Với suy nghĩ này, anh lập tức điện ngay cho các trạm Biên phòng biên giới chú ý về ba người này. Đúng như dự đoán, khi cả ba thuê xe ôm đi sát vào đường biên đã bị lực lượng BĐBP giữ lại ngay. Kiểm tra trong người cả ba không có gì. Sau một thời gian đấu tranh, Nguyễn Văn Minh khai, có nguồn ma túy đá ở Trung Quốc, muốn sang đó mua về bán. Để trót lọt, Minh rủ người yêu là giáo viên mà hắn mới tán được 3 tháng đi cùng với mục đích để cô gái này giấu ma túy trong người sẽ không sợ bị kiểm tra.
Mọi việc đều phải dựa vào dân
Theo nhận định, hoạt động tội phạm ma túy ở vùng biên Móng Cái ngày càng phức tạp và tinh vi. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu cấu kết chặt chẽ thành đường dây ở nội, ngoại biên sau đó lợi dụng người Việt Nam hoặc Trung Quốc khó khăn về hoàn cảnh kinh tế và phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc để vận chuyển thuê ma túy. Theo Trung tá Nguyễn Văn Chức, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy, công an TP.Móng Cái thì gần đây đối tượng còn thuê cư dân biên giới được hưởng chính sách ưu đãi về trao đổi hàng hóa để vận chuyển ma túy qua đường xuất nhập cảnh.
"Đánh án ma túy ở đường biên có khác nhiều so với nội địa?", tôi hỏi Thiếu tá Hoàng Ngọc Thuấn, Đội phó Đội chống ma túy, Đồn biên phòng số 7. "Khó khăn nhất có lẽ là việc đấu tranh để mở rộng đường dây" - Thiếu tá Thuấn nói. Biên giới, là điểm đầu tiên song cũng là nơi cuối cùng. Khi bắt giữ phần lớn các đối tượng là phạm tội quả tang nhưng phần lớn đều là những người dân nghèo tham gia vận chuyển thuê ma túy. Trong những trường hợp như thế này, khó khăn nhất có lẽ là phải chứng minh được ý thức chủ quan của người phạm tội. Thời hạn để điều tra của BĐBP chỉ trong có vài ngày. Nếu ngay lúc đó không chứng minh được ý thức chủ quan của đối tượng thì coi như vụ án không thành công. "Trong những trường hợp này, thông thường, chúng tôi đánh vào tâm lý của các đối tượng, dùng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước cũng như tình cảm của người Á Đông để họ thành khẩn khai báo" - Thiếu tá Thuấn nói.
Đặc biệt tinh nhuệ Đội đặc nhiệm PCTPMT có 15 cán bộ, họ đều là những trinh sát tinh nhuệ, được lựa chọn từ các đơn vị nghiệp vụ, có kinh nghiệm điều tra, phá án. Trung tá Vũ Xuân Lực đã kinh qua nhiều chức vụ ở các Đồn biên phòng cửa khẩu, nhưng anh lại bén duyên với án ma túy. Phụ trách một đơn vị mũi nhọn về đấu tranh chống tội phạm, bằng nhiều năm kinh nghiệm, anh đã chỉ đạo các cán bộ chiến sỹ của mình liên tiếp lập chiến công. Bất kể lúc nào, trinh sát của Đội đặc nhiệm đều phải tuần tra, ứng trực 24/24h ở các khu vực trọng điểm của đường mòn biên giới. |
Trọng Hùng