Sáng sớm không ai bảo ai 3 bà Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Hột và Nguyễn Thị Nghĩa ở xóm 7, xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã có mặt tại nghĩa trang xã Yên Lộc để quét dọn, thắp hương khói cho hơn 60 phần mộ liệt sĩ.
Với 3 người đàn bà này họ cùng chung cảnh ngộ chồng là liệt sĩ và nhiều năm nay không quản mưa, nắng các bà vẫn nhiệt tình chăm “giấc ngủ” cho những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.
Bất kể trời mưa hay nắng không ai bảo ai hằng ngày 3 góa phụ ra nghĩa trang lau dọn từng phần mộ liệt sĩ.
35 năm đã trôi qua, đúng vào mùng 2 tết năm 1978 là ngày mà bà Nguyễn Thị Nghĩa nhận được giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Trần Văn Hải (sinh năm 1953) hy sinh trên chiến trường Campuchia. Chồng mất, người vợ trẻ thành góa bụa, nuốt nước mắt nuôi hai con ngây dại. Hơn 30 qua bà Nghĩa vừa lo chăm sóc các con rồi đi khắp các nơi trong chiến trường xưa mong tìm được hài cốt chồng nhưng tất cả đều “bặt vô âm tín”.
Cả 3 bà đều có chồng hy sinh từ khi tuổi ngoài đôi mươi.
Cũng như bà Nghĩa, bà Nguyễn Thị Hột có chồng là liệt sĩ Phạm Văn Thâu hy sinh năm 1974 trong chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, khi ấy bà mới chớm 27 tuổi xuân. Lấy nhau chưa được 5 tháng thì ông Thâu nhập ngũ rồi hy sinh khi chưa được nhìn thấy mặt con.
Không được may mắn như bà Nghĩa, bà Hột còn có đứa con làm chỗ dựa còn bà Nguyễn Thị Hè kết duyên với ông Đinh Văn Tâng chưa đầy 4 tháng rồi ông Tâng vào Long An chiến đấu và chưa có với nhau 1 đứa con nào thì đến năm 1972 ông Tâng cũng đã hy sinh.
Mất chồng khi mới 28 tuổi, đã không ít người trong làng mai mối và bố mẹ chồng cũng khuyên cô con dâu đi bước nữa nhưng bà nhất quyết không đồng ý, với bà tình yêu của mình luôn son sắt 1 lòng. Cố gắng tìm hài cốt của chồng đưa về quê an táng. Do không có con nên năm 1974 bà nhận một cậu con trai của ông anh về nuôi cho đỡ thân già cô quạnh.
Hơn 30 năm đã trôi qua, mái tóc đã lốm đốm bạc, những vết chân chim đang bắt đầu hằn sâu trên khuôn mặt, 3 bà hằng ngày vẫn ra nghĩa trang dọn dẹp sạch sẽ cho hơn 60 phần mộ liệt sĩ và cầu mong sớm tìm được hài cốt chồng.
Năm 2008 ba bà đã tự nguyện ra trông coi nghĩa trang, chăm sóc phần mộ của các liệt sĩ như một cách để ngóng trông những người chồng của mình. Hằng ngày, bất kể mưa, nắng không ai bảo ai, các bà ra nghĩa trang dọn sạch cỏ, lau sạch sẽ từng ngôi mộ của các liệt sĩ. Trong số 65 ngôi mộ liệt sĩ, có 20 ngôi mộ liệt sĩ vô danh vẫn được bàn tay của các bà chăm sóc chu đáo.
Họ cho biết làm vì cái tâm nên không đòi hỏi 1 đồng thù lao nào.
Họ đều miệt mài với công việc của mình nhưng tất cả những việc làm đó xuất phát từ cái tâm nên họ không hề đòi hỏi 1 đồng tiền công nào mà ngược lại ba bà còn tự bỏ tiền túi mua hương nhang, hoa quả để dâng lên các anh.
Thấy những việc làm tận tình, nhiều năm của 3 bà nên con cháu và hàng xóm rất ủng hộ. Những khi trái gió, trở trời các bà bị ốm thì con cháu trong nhà lại ra dọn dẹp nghĩa trang. Cứ vào những ngày rằm và mùng một thì cả ba bà đều tập trung lại, góp tiền mua hương nhang thờ phụng các phần mộ liệt sĩ. Nhiều khi có các thân nhân liệt sĩ đến thắp nhang tặng các bà một vài trăm thì các bà lại lấy tiền đó tặng cho các bà mẹ có con là liệt sĩ. Ba bà coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Cuối cùng thì những việc làm của các bà cũng được đền đáp xứng đáng khi năm 2011 bà Nguyễn Thị Hè đã tìm được mộ chồng của mình khi có người trong tỉnh Long An tìm thấy và báo tin về, càng vui hơn khi đầu tháng 7/2012 bà Nguyễn Thị Hột cũng đã đưa được hài cốt chồng mình về đoàn tụ với gia đình.
Bà Hè và bà Hột vui vẻ cho biết: “Cuối cùng chúng tôi đã toại nguyện vì đã tìm được mộ của chồng mình, chúng tôi sẽ vẫn hằng ngày dọn dẹp ở nghĩa trang này cho đến khi không còn sức khỏe nữa để đền đáp các anh hùng liệt sĩ đã phù hộ để chúng tôi tìm được mộ chồng mình”.
Sau hơn 30 năm tìm kiếm chồng nhưng vẫn "bặt vô âm tín" bà Nghĩa đau đáu sớm tìm được phần mộ chồng về đoàn tụ.
Còn với bà Nguyễn Thị Nghĩa có chồng là liệt sĩ Trần Văn Hải vẫn hằng ngày lặng lẽ mong ngóng tin chồng, chưa bao giờ bà thấy lòng mình rối bời như vậy. Lau vội những giọt nước mắt đọng lại trên gò má bà thủ thỉ: “Không biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới được đoàn tụ, đưa được hài cốt anh về quê hương để hằng ngày tôi tiện chăm sóc, hương khói cho anh”.
Giờ đây, khi đã ngoài 60 tuổi nhưng 3 người đàn bà ấy hằng ngày vẫn âm thầm quét dọn sạch sẽ từng góc nơi nghĩa trang và có suy nghĩ: “Thắp những nén hương để luôn ấp áp tình quân dân, cắm những bông hoa để các anh mãi cười tươi như hoa” cho đến phút cuối đời mình.
Văn Nguyên