Gần 30 năm sau, cho đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn bắt gặp lại họ, tuổi tác, bước chân dò dẫm chậm, lẫn cả luống cuống dưới lòng đường vì phố cổ gần như không còn vỉa hè nữa. Đám trẻ hiếu động ngày xưa chọc ghẹo tất cả những người nghèo ngoài phố: Từ chị bán bánh mỳ đến ông ăn xin, hay đám người lam lũ quang gánh chơ vơ vài quả táo, nải chuối thâm xì cuối Đông… Tuy nhiên chúng dường như chừa ra người khiếm thị bán tăm và chổi, co cả đám nép lại một góc căng thẳng dõi theo từng bước chân của họ. Hình như có nỗi lo sợ và cả thương cảm nào đó thuộc về bản năng con người.
Khuất bóng, có đứa nhắm mắt thử bước đi theo tiếng hò hét tinh nghịch của đám bạn rồi đâm sầm vào cột điện bật ngửa người. Cũng có lần chúng chạy ùa ra kéo lại hai vợ chồng bác bán chổi vì tàu điện trên phố Hàng Bông đang lao sầm sập vào họ…
Sự hốt hoảng bản năng chiếc gậy khua vòng tròn lộc cộc xung quanh, rồi có bàn tay tìm bàn tay bác gái, họ nắm chặt bàn tay nhau rồi quay ra sờ nắn cái mặt, cái mũ, mớ tóc bù xù đám trẻ, lập cập bảo: "Cho bác cảm ơn nhé".
Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được chạm vào người khiếm thị và hình như sau lần đó, lũ trẻ không còn sợ nữa, thi thoảng vẫn đưa họ qua bên kia đường dù không có đoàn tàu điện nào cả.
Tôi vẫn giữ thói quen đi bộ lại những con phố cũ, một vòng bờ hồ rồi bắt xe ôm về nhà bởi thấy thanh thản, thân thuộc cũ tự về theo từng bước chân. Hôm nọ gặp lại bác gái bán chổi năm cũ trên phố Hàng Cân, đi một mình vắt trên hai vai cả chục chiếc chổi lớn nhỏ cùng nhiều thứ tạp hóa khác.
Hỏi thăm ơ chú đâu hôm nay cô đi một mình, chú mất mấy tháng rồi cháu ạ.
Vẫn là những câu hỏi không bao giờ dám nói lướt nhanh trong đầu, họ đã sống như thế nào trên phố hơn 30 năm qua và sự cô đơn khi không còn một người thân đi phía trước cùng tiếng chuông leng keng dẫn đường.
Chổi bây giờ ít người ta mua vì không sạch được bằng máy hút bụi, nhưng hình như không có lựa chọn nào khả quan, có chăng sự trắc ẩn lướt qua của những người đi chậm trên phố.
Để thấu hiểu cuộc đời người khác, đúng là việc thật quá khó.
Cu Trí