Đánh đổi mạng sống giữa dòng lũ dữ
Trong bộ quân phục lấm lem, ngày thứ 5 của đợt lũ lịch sử, Thiếu tá Trần Xuân Phong, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn đang tiếp tục cùng anh em chiến sỹ đơn vị di chuyển đến những địa bàn ngập sâu để cứu hộ, tiếp tế lương thực cho người dân. Anh đi khi ở nhà, nước vẫn đang ngập gần lút mái, bố mẹ già, vợ và 3 người con nhỏ vẫn đang phải tá túc ở các điểm tránh trú.
Sáng 16/10, nhận lệnh từ lãnh đạo đơn vị, Thiếu tá Trần Xuân Phong cùng 80 anh em cán bộ chiến sỹ đơn vị chia thành từng tốp, khẩn trương đến các xã trên toàn huyện Cẩm Xuyên sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Nước lũ lên rất nhanh, dù công tác chuẩn bị phòng chống lũ đã được tuyên truyền, triển khai trước đó 2 ngày. Nhưng sự chủ quan của người dân – vùng đất chưa từng ngập lụt sâu khiến công tác vận động, di dời vô cùng khó khăn.
2h sáng ngày 18/10, nước lũ lên nhanh, lúc này, hàng nghìn ngôi nhà của các hộ dân ngập sâu trong biển nước. Ba huyện, thị của tỉnh này gồm: huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh phút chốc bị nhấn chìm. Trong đêm, Thiếu tá Phong cùng anh em chiến sỹ vật lộn với con nước, khẩn trương sơ tán dân chạy lũ.
Cẩm Xuyên là vùng hạ du gần với hồ chứa nước Kẻ Gỗ - là vùng ngập sâu và ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua. Trong ký ức của Thiếu tá Trần Xuân Phong không thể quên được cái đêm anh cùng 2 đồng đội thoát chết giữa dòng lũ dữ.
19h tối 19/10, anh cùng Thiếu tá Phạm Văn Quang (Đội trưởng đội An ninh) và Đại úy Nguyễn Huy Toàn ( Đội phó đội CSGT) thực hiện nhiệm vụ cứu hộ người dân tại xã Cẩm Quan. Khi đến khu vực Cầu Tùng, dòng nước chảy xiết cùng với gió thổi mạnh đã khiến chiếc ca nô bị lạc hướng.
“Trong đêm tối, chúng tôi bị lạc mất phương hướng. Trên ca nô lúc này có 3 cụ già và 3 em nhỏ được chúng tôi cứu hộ trước đó. Gió thổi mạnh, nước chảy xiết, chiếc ca nô của chúng tôi chới với giữa mênh mông nước lũ. Tôi cùng 2 đồng đội cố nhìn xung quanh để định hình. Nhìn xa thấy có ánh đèn là cứ thế điều khiển ca nô chạy theo hướng đó. Nước lũ hầm rú, gió thổi mạnh chiếc ca nô nhiều lần sắp lật. Lúc này, tôi nói với 2 đồng đội, bây giờ chỉ có trời phù hộ chứ xác định đánh đổi tính mạng rồi. Thật may, hơn 2 tiếng đồng hồ mò mẫm trong đêm tối, chúng tôi dò được đường về. Đến lúc, ca nô cập được bờ chúng tôi mới thở phào khi đã bảo toàn được tính mạng cho chính mình và cho 3 cụ già, 3 em nhỏ”, Thiếu tá Phong kể lại.
0h, 1h, rồi 2h... điện thoại các anh liên tục đổ chuông với những lời kêu cứu, cứ thế những chiếc ca nô lại xé dòng nước lũ, bất chấp nguy hiểm, hết chuyến này đến chuyến khác trắng đêm cứu hộ. Thế nhưng ít ai biết rằng, trong lúc các anh lo chạy lũ cho nhân dân thì ở nhà, tài sản, nhà cửa, mẹ già, vợ con thơ dại của họ cũng đang phải 1 mình vật lộn với dòng nước lũ.
Đến ngày thứ 4 (21/10), khi nước lũ bắt đầu rút, Thiếu tá Trần Xuân Phong cùng một số anh em Công an huyện Cẩm Xuyên nhà bị ngập sâu mới được đơn vị tạo điều kiện cho tranh thủ về thăm.
“Lúc tôi về, nhà vẫn bị ngập gần lút mái, nhìn đồ đạc, tài sản trong dòng nước lũ mà vô cùng xót xa. May là bố mẹ, vợ con đã được di dời đến nơi tránh trú an toàn. Về nhà được một lúc, tôi lại tiếp tục vào đơn vị để cùng anh em chiến sỹ giúp người dân dọn dẹp sau lũ”, Thiếu tá Phong nói.
Nằm dưới hạ lưu hồ chứa nước Kẻ Gỗ, Cẩm Xuyên là huyện ngập sâu nhất trong đợt lũ vừa qua. Có những vùng như xã Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh của huyện này nước ngập lên đến 4,2m, vượt đỉnh lũ năm 2010 khoảng 0,7 – 1m.
Vốn là vùng chưa bao giờ là tâm lũ nên kinh nghiệm, phương tiện đối phó với lũ của người dân nơi đây hầu như không có. Bởi vậy, tâm lý chủ quan khiến khi nước lũ tràn về, họ hoàn toàn bị động, toàn bộ tài sản, trâu, bò, lợn gà, thóc lúa... đều không di dời được gì chỉ còn biết giữ lấy tính mạng. Cẩm Xuyên là địa phương được lực lượng chức năng tập trung cứu hộ cao độ nhất.
Để cứu hộ, cứu nạn, hơn 2.500 chiến sỹ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã được điều động phân bố về 4 huyện, thị (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh) ngập sâu nhất của tỉnh này để sơ tán, tiếp tế lương thực cho người dân mắc kẹt. Riêng Công an huyện Cẩm Xuyên huy động 80/90 cán bộ chiến sỹ túc trực cứu hộ 24/24. 13.300 hộ với 43.200 người đã được lực lượng chức năng sơ tán đảm bảo an toàn trước và trong lũ.
Còn tại TP.Hà Tĩnh, tất cả các tuyến phố đều ngập sâu trong nước. Mực nước vượt mốc lũ 2010 nên người dân chủ quan dẫn đến không di dời tài sản. Khi nước lũ dâng cao, hàng nghìn người dân mắc kẹt. Công an TP.Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ lực lượng phối hợp cơ quan chức năng khẩn trương di dời người dân trú tránh.
Là người trực tiếp có mặt, chỉ huy anh em chiến sỹ, Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Công an TP.Hà Tĩnh cho biết, nước lũ dâng nhanh, đặt ra nhiệm vụ cho anh em lực lượng phải tốc lực, khẩn trương chạy đua với thời gian di dời người dân và phân luồng giao thông. Người già, trẻ em được ưu tiên di dời trước. Ba ngày vật lộn với nước lũ, anh em chiến sỹ không có được một giấc ngủ, nhiệm vụ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân được đặt lên hàng đầu.
Những hi sinh thầm lặng
Trong con nước dữ, những chiếc ca nô, xuồng máy nổ bánh bành bạch, hối hả cứu hộ. 250 cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh cũng đã được điều động nỗ lực cứu hộ người dân.
Là người trực tiếp có mặt ở những địa bàn ngập sâu, sát cánh anh em lực lượng triển khai nhiệm vụ, Thượng tá Nguyễn Văn Trân, Phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, đêm 18/10, 250 cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xuất phát, nhiệm vụ đặt ra là phải sơ tán khẩn cấp người dân, không để thiệt hại về người.
Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là nước lũ lên nhanh đột ngột trong khi người dân trước đó vì chủ quan, công tác chuẩn bị đề phòng hạn chế dẫn đến bị động, nguy hiểm tính mạng đã đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho lực lượng cứu hộ.
Sóng điện thoại, mạng 3G đều không có, dẫn đến đứt đoạn sự kết nối giữa các nhóm cứu hộ, vô cùng khó khăn trong việc chỉ huy, chỉ đạo. Lực lượng BĐBP đã phải dùng bộ đàm liên lạc sóng ngắn để chỉ huy, chỉ đạo công tác cứu hộ. Các cán bộ chiến sỹ chia ra nhiều tổ gồm 10 ca nô, tiếp cận từng ngõ ngách khó chỉ để làm sao đưa được người dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhanh nhất.
“Giữa biển nước mênh mông, rất khó xác định phương hướng, nguy hiểm rình rập. Quá trình tìm đường vào nhà dân rất khó khăn phức tạp. Tuy nhiên, nước lũ dâng quá cao trong khi số người dân ở lại bám trụ chủ yếu người già và trẻ em. Anh em chiến sỹ xác định, nếu không khẩn trương thì khả năng cao những con số thương vong sẽ rất lớn. Có những trường hợp, khi chúng tôi tiếp cận, nước lũ chảy xiết, phải nối dây thừng vào phao, vứt xuống cho người dân đu vào rồi kéo lên cano”, Thượng tá Nguyễn Văn Trân kể lại.
Suốt 3 ngày đêm, tròng trành trên ca nô, vật lộn với nước lũ để sơ tán dân rồi lại đến nhiệm vụ tiếp tế lương thực, nhu yếu để dân không bị đói, bị rét. Cứ thế, những chiếc ca nô khắc tên Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xé dòng nước lũ, trắng đêm cùng người dân.
Tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại tâm lũ, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã huy động trên 2.800 cán bộ, chiến sỹ gồm bộ đội thường trực, lực lượng dân quân tự vệ; 53 ca nô và thuyền máy về các địa bàn ngập sâu nhất để cứu hộ.
Đại tá Lê Hồng Nhân, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh là người trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sỹ cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.
“Thuyền của người dân rất nhiều, những người dân đi biển cũng hỗ trợ được lực lượng phương tiện để phục vụ công tác cứu hộ nhanh nhất có thể. Những chiếc thuyền trong dân phát huy rất hiệu quả. Quá trình tiếp tế thực phẩm cho những hộ bị cô lập, mất điện, mất nước, ca nô của chúng tôi rất khó tiếp cận được tận nhà. Lúc này, người dân dùng thuyền nhỏ chèo ra lấy thực phẩm rồi lại tiếp tục chèo vào”, Đại tá Lê Hồng Nhân nói.
Sự quyết tâm cao độ của toàn thể lực lượng vũ trang đã đưa lại kết quả, trong cơn lũ lịch sử không có bất kỳ sự thương vong nào trong quá trình cứu hộ.
3 ngày dầm mình giữa đỉnh lũ, các cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang chưa có nổi 1 ngày để về nhà. Trong lũ thì xuyên đêm cứu hộ, di dời người dân, nay khi nước bắt đầu rút họ lại cùng anh em chiến sỹ đồng đội thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người dân dọn dẹp, gia cố nhà cửa để khôi phục cuộc sống. Dẫu rằng, phía sau các anh là mẹ cha già, là con trẻ, ruộng vườn, nhà cửa cũng đang ngổn ngang bùn đỏ. Nhưng, là người lính cuộc đời các anh đã xác định gắn mình với trách nhiệm là người chiến sỹ của nhân dân.