Các trường hợp được ưu tiên khám, chữa bệnh từ 1/1/2024
Theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) quy định về giải thích từ ngữ như sau:
- Khám bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để đánh giá tình trạng sức khỏe, nguy cơ đối với sức khỏe và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh.
- Chữa bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để giải quyết tình trạng bệnh, ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh hoặc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh trên cơ sở kết quả khám bệnh.
- Người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Khoản 2, Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu;
Trẻ em dưới 6 tuổi;
Phụ nữ có thai;
Người khuyết tật đặc biệt nặng;
Người khuyết tật nặng;
Người từ đủ 75 tuổi trở lên;
Người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, độ tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh được quy định như trên.
Ngân sách Nhà nước về khám chữa bệnh ưu tiên bố trí cho những hoạt động nào?
Điều 4 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động sau đây nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng và đáp ứng nhu cầu y tế đa dạng của người dân:
- Phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc y tế cơ sở, hệ thống cấp cứu ngoại viện: Việc đầu tư và phát triển hệ thống y tế cơ sở và hệ thống cấp cứu ngoại viện là cực kỳ quan trọng để cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả và kịp thời cho nhân dân, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.
- Tập trung đầu tư cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Điều này đảm bảo rằng người dân ở những khu vực khó khăn sẽ có cơ hội truy cập dịch vụ y tế đầy đủ và phù hợp với tình hình địa phương của họ.
- Ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động sau đây: Khám bệnh, chữa bệnh đối với người có công với cách mạng; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; người đang sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người mắc bệnh tâm thần, bệnh phong; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm
Ngoài những nội dung trên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng có những quy định liên quan đến người hành nghề y.
Theo đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 mở rộng đối tượng hành nghề bằng việc thay đổi từ cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.
Luật cũng thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.
Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.
Quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo. Ngoại trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.
Về chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, luật đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn.
Đồng thời luật cũng cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu bệnh để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.
Minh Hoa (t/h)