Chợ đầu mối lâm sản là chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Thanh Hóa, nằm trên địa bàn phường Đông Hương. Mỗi ngày có hàng trăm xe hàng to nhỏ chở các loại hoa quả từ khắp nơi đổ về, nhiều nhất là khoảng thời gian từ 12h – 5h sáng hôm sau.
Ngày nắng, ngày mưa, mùa đông hay mùa hè, chợ đầu mối vẫn luôn nhộn nhịp với các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá. Từ đây, các loại thực phẩm, rau củ được toả đi khắp nơi đến các khu chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố, đến các huyện và theo chân những tiểu thương lên tận các thôn làng vùng sâu, vùng xa. Những người mưu sinh nơi chợ đêm chiếm số lượng đông nhất và vất vả nhất chính là những người làm nghề kéo xe hàng.
0 giờ...
Đêm về khuya, những cơn gió mùa thông thốc thổi lạnh buốt. Dưới ánh đèn vàng héo hắt, ngồi bó gối giải lao bên cạnh chiếc xe kéo dưới một mái hiên ngoài cổng chợ, chú Nguyễn Văn Tuấn (54 tuổi, quê ở Quảng Tân, Quảng Xương) thi thoảng lại dụi dụi đôi mắt có lẽ vì buồn ngủ. Hai chân đi đôi giày rách nát để lộ mấy đầu ngón chân chằng chịt những vết cứa nứt nẻ như bắt đầu cảm nhận được cái buốt cóng của thời tiết.
Chú Tuấn đã vật lộn với nghề kéo xe hàng gần 30 năm, từ khi chợ đang còn ở khu đường Cầm Bá Thước, phường Lam Sơn. Chợ đầu mối lâm sản mới được xây dựng đi vào hoạt động năm 2014, thì chú cũng như các anh em thợ kéo khác đều dời về theo.
"Những người kéo xe ở chợ này là dân tứ xứ khắp mọi nơi, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Bỉm Sơn, tận Thường Xuân họ cũng xuống đây làm. Do nhà ở xa nên phải đi lên đây từ 21h30, sáng ra khoảng hơn 5h thì bắt đầu chạy về lại Quảng Xương.
Vất vả quá, đã mang cái thân ra chợ này thì phải trắng đêm. Rét thế nào cũng chịu được nhưng cực khổ nhất là mỗi khi trời đổ mưa, kể cả chủ hàng, người bán, lẫn người kéo hàng thuê như tôi đều ướt như chuột lột", chú Tuấn chia sẻ.
Một ngày làm việc của những người kéo xe chợ đầu mối thường bắt đầu từ 23h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, thu nhập tùy thuộc vào lượng hàng họ kéo được. Một thùng hàng trung bình được trả với giá 2.000 đồng, và tùy theo kích thước lớn có thể được trả 10.000 đồng.
Kéo xe là nghề có nhiều rủi ro, mối nguy hiểm luôn rình rập từ việc bốc vác hàng quá nặng từ xe tải xuống xe kéo, tai nạn khi vận chuyển hàng. Nhưng dù biết là vậy, họ vẫn cố gắng kéo làm sao cho được thật nhiều chuyến hàng, xe hàng chất thật cao để tăng thêm thu nhập.
Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Phong người xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, gia đình anh có có một cháu nhỏ, hoàn cảnh khó khăn, không việc làm nên lên đây thuê trọ và xin vào đội kéo xe chợ đầu mối.
Anh tâm sự: "Những ngày đầu làm công việc này đối với tôi là quá vất vả, nặng nhất là vác các thùng hàng từ xe tải xuống để lấy hàng kéo. Nghĩ về đứa con ngoan ngoãn ở nhà giúp tôi quên đi được vất vả, giá lạnh và những lần bị hàng đổ vào què chân, ngã dúi dụi khi đang kéo xe hàng đến chảy máu ròng ròng ở bàn tay và vai".
Điếu thuốc trên tay chưa kịp hết nửa thì có tiếng gọi từ xa, anh Phong người nhỏ nhắn vội bật dậy như một phản xạ tự nhiên, sấp sấp ngửa ngửa kéo xe vù tới một chiếc xe tải vừa cập chợ.
Sợ những đêm khô áo
Vất vả là vậy, mệt nhọc là vậy nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất với những người đang mưu sinh bằng nghề kéo xe nói riêng và cửu vạn nói chung tại chợ đầu mối này vẫn là những đêm không được toát mồ hồi, những đêm khô áo.
“Làm sướng nhất là vào ngày tuần, có nghĩa là ngày 14 và 29 hằng tháng, đặc biệt là những ngày cận tết thế này, đây là thời điểm xe chở hoa quả về nhiều nên nhiều việc lắm, có nhiều đêm đợi dài cả cổ mới có một chuyến xe hàng về là hôm sau buồn rồi, vì cả gia đình ở nhà mong ngóng, ăn theo cái xe kéo này", anh Thắng tâm sự.
Khuôn mặt gầy hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng đêm nào anh Thắng cũng gắng làm việc đến tận sáng mới về nhà trọ nghỉ ngơi. Vợ anh khi vỡ kế hoạch sinh đứa con gái thứ 3 thì đó cũng là lúc chị sức khỏe yếu. Anh đã một mình mưu sinh bằng cái nghề này gần 20 năm nuôi những đứa con đến nay khôn lớn, 2 đứa đầu đã tốt nghiệp còn đứa nhỏ đang học cấp hai trên quê.
“Nuôi chúng nó ăn học xong rồi không có tiền lo việc nên cả hai đứa đang đi làm thêm trái nghề ngoài Hà Nội nhưng tôi vẫn gắng cho chúng nó học đầy đủ, năm nay chưa chạy được việc thì qua năm, và hi vọng kéo ít ngày Tết này kiếm được một khoản kha khá chứ con gái không lo cho nó được công việc ổn định thì khổ con mình lắm", anh Thắng thật thà chia sẻ.
Xen giữa những đôi vai lực lưỡng của cánh đàn ông là đôi tay nhỏ bé, mềm yếu của cánh nữ kéo xe. Đêm nào cũng vậy, tại chợ đầu mối này có gần chục chị em các xóm trọ lân cận, hay những lao động nghèo ở mọi ngả đổ về đây. Họ lao vào làm công việc nặng nề này, đáng ra là việc của đàn ông.
Chị Hoàng Thị T. (45 tuổi, người ở phường Quảng Thắng) mới vào nghề phu kéo xe được 5 năm. 3 năm trước chị làm bên chợ khu đường Cầm Bá Thước, P.Lam Sơn, rồi chợ giải tỏa sang chợ đầu mối này, chị lại theo về đây. Cũng may mắn là nhà chị ở ngay thành phố này nên đỡ được khoản tiền nhà trọ, điện nước chứ không thì trừ chi phí tháng còn cũng không được bao nhiêu. "Thu nhập dựa trên số hàng mình kéo được mỗi đêm, kiếm được bao nhiêu tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người, ít thì 100.000 - 150.000 đồng, hôm nào nhiều lắm cũng chỉ có 200.000 - 300.000 đồng. Những ngày Tết như thế này có người khỏe kéo được cả triệu". Chị T. vừa kéo xe vừa chia sẻ.
Khoảng 2 giờ, trời lun phun mưa, chiếc xe tải chở rau từ Đà Lạt đỗ xịch dưới cột đèn ngay phía cổng ra vào chợ. Không ai bảo ai, một tốp người đang ngồi quây quần bên cái điếu cày nhổm dậy choàng vội tấm áo, mang theo xe kéo... tất bật chạy tới. Hai người đàn ông khỏe mạnh nhảy lên thùng xe tháo tấm bạt che rồi đẩy hàng ra phía đuôi. Bên dưới, khoảng 4, 5 cửu vạn ghé vai vác từng thùng hàng đặt lên xe kéo để những phu xe chuyển đến các ki-ốt trong chợ. Có người vừa kéo xe vừa ngáp, lại có người vì buồn ngủ quá đành gục tạm trên những chiếc xe kéo trong khi chờ bốc hàng. Những lúc như thế, chè, cà phê hay điếu thuốc lào cũng chẳng giúp họ chống chọi được với cơn buồn ngủ. Cuộc mưu sinh đầy khó nhọc của họ cứ thế xoay vòng theo năm tháng.
Cận tết, xe hoa quả về nhiều cũng là lúc những người cửu vạn nhiều việc nhất, áo ai cũng đẫm mồ hôi nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Tất cả đều hối hả vì công việc, chờ đón cái tết ấm no đang ở phía trước.
Khi thành phố đã dần về sáng, đâu đó, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng rao của những người bán hàng phía trong chợ, tiếng đạp xe lạch cạch của những người nhặt ve chai, hay lời rao "xôi nào, xôi đê" của chị bán xôi... Những người làm nghề phu kéo xe, họ nhọc nhằn suốt đêm nhưng hình như vẫn chờ mặt trời lên để mang lại hơi ấm và bắt đầu một ngày mới, một cái tết ấm áp đang cận kề, một tương lai mới cho con cái họ.
Doãn Tài