Một buổi tối những ngày giáp Tết, trên mỗi con phố của thủ đô chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những cô chú lao công đang cần mẫn làm công việc của mình. Bất chấp cái lạnh của những ngày mùa đông, không quản mưa gió, sớm tối, những công nhân vệ sinh trực tiếp làm công việc thu gom rác thải vẫn ngày ngày quét dọn, làm sạch mọi nẻo đường, góc phố.
Họ bắt đầu công việc chỉ với một bộ đồ nghề thô sơ, một bộ quần áo lao động, một chiếc chổi tre, một chiếc xẻng cùng chiếc xe chở rác. Tết là khoảng thời gian sum họp cùng gia đình nhưng vì hoàn cảnh, vì mưu sinh, và vì trách nhiệm nên họ gác lại những niềm vui đó để tiếp tục công việc, mặc cho dòng người vẫn đang hối hả ngược xuôi.
Hà Nội người đang vắng dần, nhưng công việc không vì thế mà bớt vất vả hơn, họ vẫn phải làm tăng ca từ sáng đến tối, một con đường nhưng có khi phải đi lại rất nhiều lần vì vừa quét xong ngoảnh lại thì lại thấy rác, vẫn là đôi tay nhanh nhẹn và khéo léo ấy dong duổi khắp những con ngõ, góc phố để thu gom rác.
Được biết nhiều người đã gắn bó với công việc này rất nhiều năm, bỏ qua những định kiến của xã hội, đồng lương ít ỏi mà công việc thì nặng nhọc ẩn chứa nhiều nguy hiểm khi phải thường xuyên di chuyển trên đường, họ vẫn chọn nghề vì chỉ đơn giản họ muốn làm những điều có ích cho cuộc sống của mình. Không sai khi ví họ như những con ong chăm chỉ đang hằng ngày làm đẹp cho đời bằng việc làm thật giản đơn mà ý nghĩa. Nhìn họ - những công nhân vệ sinh môi trường đang cặm cụi quét từng đoạn đường, thu từng túi rác chất đầy lên xe đẩy, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng chợt nhớ đến bài thơ "Tiếng chổi tre" của nhà thơ Tố Hữu. Với những câu thơ tả chân thực những nhọc nhằn, những khó khăn vất vả mà họ đang phải trải qua hằng ngày:
"Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi lắng nghe
Trên đường
Lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Đêm đông
Quét rác...".
Thùy Dương