"Khắc tinh" của tội phạm
Theo chỉ dẫn của người bảo vệ tại UBND phường, tôi tìm đến căn nhà của ông Phạm Xuân Thủy, trưởng ban bảo vệ dân phố phường Khương Mai. Nhà ông trưởng ban bảo vệ có một tiệm tạp hóa nhỏ, đây vừa là nơi vợ ông kiếm thêm đồng ra đồng vào và cũng là địa điểm nhận tin phát giác của người dân trong khu vực. Một góc của tiệm tạp hóa là nơi người trưởng ban bảo vệ lưu giữ sổ sách nghiệp vụ của mình.
Gần 20 năm gắn bó với công tác đảm bảo an ninh trật tự, ông Thủy ghi chép nhiều, nhưng khi tôi hỏi đến thành tích của bản thân thì ông lại không nhớ. Vợ ông lại là người gợi chuyện để ông kể lại những "phi vụ" mà ông đã hoàn thành một cách xuất sắc, bà nhắc: "Ông kể về mấy vụ ông bắt cướp ấy", quay sang tôi, bà cười nói: "Ông ấy tham gia nhiều vụ lắm nhưng toàn quên thôi".
Ông Phạm Xuân Thủy (hàng trên, thứ hai từ phải sang) chụp cùng Đại tá Nguyễn Đức Chung, giám đốc Công an Hà Nội
Vụ thứ nhất ông kể là vụ ông cùng tổ tuần tra giữa công an phường và bảo vệ dân phòng bắt quả tang hai đối tượng có hành vi trộm xe máy. Ông Thủy còn nhớ đó là buổi trưa một ngày hè oi ả, vừa gác đũa sau bữa trưa ăn vội, ông có mặt tại UBND phường để cùng tổ tuần tra đi thực hiện nhiệm vụ. Trong lúc tuần tra trên đường Hoàng Văn Thái, tổ của ông đã phát hiện hai thanh niên có dấu hiệu khả nghi nên bí mật theo dõi. Hai đối tượng này sau một hồi nhìn ngó đã "tăm tia" được một chiếc xe Wave dựng bên đường. Không thấy có người, chúng nhanh chóng áp sát và bắt đầu "hành nghề", chúng không hề hay biết đến sự theo dõi của tổ tuần tra.
Hai tên trộm phối hợp rất nhịp nhàng, một tên nhảy lên yên để mở khóa xe, tên còn lại lúi húi dùng vam phá khóa càng. Ngay khi bọn chúng thực hiện hành vi trộm cắp, lực lượng tuần tra nhanh chóng tiếp cận và khống chế khiến chúng không kịp trở tay. Ông Thủy cùng đồng nghiệp lập tức đưa chúng về trụ sở công an phường.
Tại đây, qua đấu tranh khai thác, hai đối tượng khai tên Nguyễn Đức Quyết (SN 1979) và Bùi Quang Tuấn (SN 1982) đều trú tại Bạch Mai, Hà Nội. Tang chứng vật chứng rõ ràng, chúng không thể chối cãi và buộc phải cúi đầu nhận tội.
"Chiến công" thứ hai là trường hợp ông cùng đồng đội xả thân bắt cướp ngay khu vực gần nhà. Vụ việc xảy ra vào một buổi tối khi cả khu dân cư chìm dần vào tĩnh lặng, chỉ còn lác đác vài căn nhà còn để đèn. Bỗng nhiên một tiếng kêu thất thanh phá vỡ không gian yên ắng "Cướp! Cướp!...". Nghe thấy tiếng hô, ông Thủy cùng tổ tuần tra chạy tới và thấy một chiếc xe máy phóng vọt đi trong bóng tối với tốc độ lớn. Chiếc xe lao về phía đường cái, nơi tổ tuần tra vừa xuất hiện để tìm đường tẩu thoát.
Nhanh như cắt, ông Thủy cùng đồng đội đón lõng và hất ngã tên tội phạm ra khỏi xe. Vừa lồm cồm bò dậy, hắn bị ông Thủy khống chế, nhanh chóng bẻ quặt tay ra sau. Các anh em trong tổ tuần tra cũng chạy lại hỗ trợ ông bắt giữ tên cướp, áp giải về trụ sở công an phường Khương Mai. Với tang vật bắt giữ là một dây chuyền vàng trị giá 1,2 cây và chiếc xe máy là phương tiện gây án, tên cướp cúi đầu khai nhận hắn là Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1982 ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội).
Dây chuyền vàng được trả lại cho người bị hại, cô gái đó đã không ngớt lời cảm ơn tổ tuần tra. Nhìn thấy niềm vui của cô gái ấy, ông Thủy và những người bạn già nhận ra họ không thể rời bỏ công việc mà nhiều người vẫn gọi là "vác tù và hàng tổng".
Lương không tính bằng tiền
Nhớ lại thời kỳ đầu mới thành lập ban bảo vệ dân phố, ông Thủy kể, thời gian đó lực lượng bảo vệ dân phố khó khăn đủ bề. Quân số ít mà trang thiết bị lại không có. Người đội trưởng trầm ngâm: "Ngày đó, ban bảo vệ chỉ có hơn chục thành viên, hoạt động dựa vào quỹ an ninh của phường. Nói là có kinh phí hoạt động, nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu. Đơn cử, mỗi ngày anh em chúng tôi phải đi tuần toàn phường, đi hết mọi ngóc ngách từ phố này sang phố khác cũng đến hơn 40 cây số. Vì quãng đường dài, chúng tôi buộc phải di chuyển bằng xe máy. Với mỗi lần đi tuần như thế, anh em chỉ được hỗ trợ 5.000 đồng tiền xăng xe".
Ông Thủy lật giở những trang tư liệu của gần 20 năm làm công tác bảo vệ dân phố
Kí ức của người tổ trưởng tổ bảo vệ vẫn nhớ như in những ngày tháng "đặt nền móng" đầy gian nan vất vả. Hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, ban bảo vệ đã xây dựng lịch trực cho các thành viên, mọi người chia nhau đi tuần quanh khu vực ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa. Có những đêm đi tuần cùng các chiến sĩ công an, cảm động trước tấm lòng nhiệt tình của thành viên ban bảo vệ, các đồng chí mời họ ăn bát phở gọi là bồi dưỡng trực đêm.
Ông nói vui mà giọng trầm lại: "Chúng tôi đi trực đêm hỗ trợ các đồng chí công an làm nhiệm vụ, hết ca trực, có đồng chí mời chúng tôi ăn bát phở gọi là bồi dưỡng. Chúng tôi cảm động lắm. Từ chối không được, sau này ban có thêm khoản hỗ trợ "bát phở trực đêm". Mãi đến năm 2007 khi Nghị định 38 của Chính phủ về bảo vệ dân phố được thực hiện, chúng tôi mới được hưởng phụ cấp hàng tháng".
Ông Thủy tiết lộ, với "chức" tổ trưởng, ông được hưởng mức phụ cấp cao nhất ban với số tiền hơn 700.000 đồng/tháng. Số tiền phụ cấp sẽ giảm dần với những thành viên "cấp" thấp hơn. "Trước đây các thành viên còn phải bỏ tiền túi ra để làm kinh phí hoạt động, giờ có phụ cấp nhưng cũng không đủ đổ tiền xăng xe. Nhưng bù lại, chúng tôi lại được sự động viên ủng hộ từ vợ con, hàng xóm, đó là khoản "phụ cấp" lớn nhất. Nhiều khi nghĩ vợ tôi cũng hy sinh nhiều lắm. Những dịp lễ tết, người ta quây quần với gia đình thì tôi lại phải tăng cường tuần tra. Hơn chục năm nay, cứ đến đêm giao thừa chỉ có mấy mẹ con ở nhà với nhau còn tôi thường xuyên ăn tết ngoài đường", ông nói, mắt hướng nhìn vợ và nhận được từ bà nụ cười trìu mến.
Tiếp xúc với ông Thủy tôi mới biết, bảo vệ tổ dân phố không chỉ có mỗi việc đi tuần. Họ còn tổ chức ứng trực để khi có yêu cầu, lực lượng này sẵn sàng bổ sung để phụ giúp các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ. Có những ngày đang ngồi dùng cơm với vợ con, chuông điện thoại bất chợt reo lên, ông nghe điện rồi chẳng kịp ăn hết bát cơm, lại bỏ bát đũa, mặc vội bộ quần áo dân phòng rồi nhanh chóng có mặt tại nơi xảy ra vụ việc, có thể là một vụ ách tắc giao thông hoặc thậm chí là bất hòa trong gia đình...
Giờ đây, khi đã ngoại lục tuần, sức khỏe không còn dẻo dai, ông hy vọng sẽ có một lớp trẻ kế tiếp để giữ cho "trộm không có cơ hội vào đến cửa nhà mình" như lời ông nói. "Mình cũng già rồi, đi bắt cướp cũng phải có sức khỏe không thì nó bắt lại mình ngay. Tôi xin "về" nhưng đồng chí trưởng công an phường động viên làm tiếp. Có điều lớp trẻ bây giờ toàn tập trung làm ăn, ít người mặn mà với công việc "vác tù và hàng tổng" như thế này", ông nói, trước khi chào tôi để đi dự cuộc họp của ban bảo vệ dân phố được tổ chức vào 11h trưa.
Thanh Xuân