Gương sáng trong lao động sản xuất
Trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Bùi Thị Hảo (ngụ Tx.Phước Long) cho biết, sau 18 năm gắn bó với ngành điều của gia đình, nữ cựu chiến binh đã dựng xây nên cơ ngơi khang trang gồm nhà, xưởng sản xuất rộng gần 11.000m2, chuyên sản xuất, chế biến hạt điều nhân, điều rang muối xuất khẩu với doanh thu mỗi năm trên 50 tỷ đồng.
Bà Hảo vui vẻ chia sẻ: "Sau khi phục viên trở về đời thường, tôi đi học đại học. Sau đó, tôi vừa tham gia công tác tại địa phương, vừa cùng chồng xây dựng, phát triển nhà máy sản xuất, chế biến hạt điều. Đến năm 2010 thì tôi chính thức nghỉ hưu, toàn tâm toàn ý "phụ việc" cho chồng, con tại công ty".
Những ngày đầu mới thành lập, chưa có máy móc nhiều, toàn bộ phải dựa vào nhân công, thiếu công nhân nhiều lắm. Bà Hảo từng tự mình lái xe tải xuống các tỉnh miền Tây để tuyển lao động. Công đoạn nào thiếu người, làm không kịp thì phải xắn tay áo lên để làm, thậm chí làm đêm để kịp đơn hàng xuất khẩu. Thời gian đầu chưa có nhiều khách hàng, bà Hảo đã từng phải tự tay bán từng ký hạt điều rang muối.
"Thời gian đầu khó khăn vất vả lắm, nhưng lúc đó cũng ít doanh nghiệp nên cạnh tranh không khốc liệt như bây giờ. Bản thân tôi luôn tâm niệm cho dù làm sản phẩm nào, từ hạt điều nhân, điều rang muối, đều phải đặt chất lượng lên trên hết. Có uy tín, có chất lượng thì cho dù khó khăn đến mấy mình vẫn có chỗ đứng trong lòng bạn hàng trong và ngoài nước".
Trao đổi với chúng tôi, cựu chiến binh Võ Hùng Chiến (ngụ xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) cho biết: "Những ngày đầu rời Bến Tre lên Bình Phước lập nghiệp, với số vốn ít ỏi, chỉ đủ mua mấy sào đất rẫy. Tôi đã cùng gia đình chăm chỉ làm ăn, trồng các loại cây ngắn ngày để "lấy ngắn nuôi dài".
Sau đó, tích lũy dần tiền bạc để mua thêm đất, phát triển sản xuất. Tôi luôn trung thành với cây điều, cao su. Dù những năm gần đây, giá các loại cây này ở mức thấp, gia đình vẫn tập trung đầu tư phân bón để chăm sóc tốt nhất cho 2 loài cây này".
Cây phát triển tốt, cho năng suất cao thì lợi nhuận từ vườn cây mang lại vẫn rất lớn, cựu chiến binh Võ Hùng Chiến cho biết thêm. Hàng năm, trang trại của ông đã tạo công ăn việc làm cho 20-30 lao động thường xuyên với mức lương thấp nhất là 7 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho gần 100 lao động thời vụ.
Vượt khó trong mọi hoàn cảnh
Kinh tế như một mặt trận không tiếng súng với những chiến tuyến không có quân thù, nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Điều đó, đòi hỏi mỗi người lính Cụ Hồ thực sự nỗ lực, quyết tâm. Với những cựu chiến binh tỉnh Bình Phước, mỗi người lựa chọn cho mình một lĩnh vực, một ngành nghề khác nhau để phát triển kinh tế gia đình.
Họ đều có một điểm chung là sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng kinh tế, xã hội tại địa phương.
Cựu chiến binh Bùi Văn Tân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi huyện Bù Đốp, chủ cơ sở sản xuất hạt điều Hoàng Long, 1 trong 4 doanh nghiệp có doanh thu 50 tỷ/năm cho biết: "Suy thoái kinh tế toàn cầu, đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp. Đơn hàng giảm mạnh, không bán được hàng khiến vốn xoay vòng sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, gia đình đã nỗ lực tìm mọi cách để khắc phục, không để công nhân phải mất việc làm".
Trao đổi với chúng tôi, cựu chiến binh Trương Thanh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh Bình Phước cho biết, tháng 6/2013, Hội được phát triển từ tiền thân là Câu lạc bộ Doanh nhân cựu chiến binh. Đến nay, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Phước đã tiến từng bước vững chắc, cùng với doanh nhân cựu chiến binh cả nước khẳng định phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế.
Với phẩm chất tốt đẹp đó càng được tỏa sáng trong bối cảnh những năm gần đây khi hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Thường trực Hội Doanh nhân cựu chiến binh Bình Phước đã triệt để tận dụng các chủ trương, giải pháp nhằm ổn định môi trường phát triển kinh tế, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước và cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam.
Điều đáng mừng nhất là trong khó khăn do tác động dịch bệnh, suy thoái, không doanh nghiệp thành viên nào đổ vỡ. Tiêu biểu cho Hội Doanh nhân cựu chiến binh của tỉnh Bình Phước là 4 doanh nghiệp thành viên có doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm.
Phát huy phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", cựu chiến binh Bình Phước đã tiên phong, gương mẫu, trong các phong trào, các hoạt động xã hội như: "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Trong gian khó thì phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của cựu chiến binh càng ngời sáng. Đặc biệt, là những thế hệ đã từng đi qua chiến tranh, sống, chiến đấu, kề vai sát cánh với nhau bằng tình đồng chí, đồng đội. Giờ đây, về đời thường, họ lại gắn kết, hỗ trợ nhau "trọn nghĩa vẹn tình" cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Cựu chiến binh Bình Phước đã hỗ trợ giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế bằng các hình thức như trao tặng cây, con giống, vay vốn lãi suất thấp hoặc không lãi suất. Trao tặng sổ tiết kiệm hỗ trợ đồng đội khi gặp bạo bệnh. Trao tặng kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà nghĩa tình cựu chiến binh cho đồng đội gặp khó khăn về nhà ở…
Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước – Ông Huỳnh Văn Nước cho biết, với bản lĩnh kiên cường và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, các cấp hội cựu chiến binh trong toàn tỉnh đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tạo tiền đề vững chắc cho công tác Hội. Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của hội viên; tập trung hoạt động hướng về cơ sở, phát huy vai trò cựu chiến binh trên mọi lĩnh vực, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.