Những mầm sống bị bỏ rơi
Mỗi lần đến đây, tôi lại có những cảm xúc lẫn lộn, vui vì nhìn thấy khu nhà đã được sửa chữa khang trang hơn nhưng lại buồn vì nhà lại có thêm nhiều khuôn mặt mới và vắng bóng nhiều gương mặt thân quen. Các em như "nối tiếp" nhau đến đây, từng lớp đến rồi cũng từng lớp "ra đi". Chỉ có các soeur, các dì, các thiện nguyện viên là vẫn ở đó, đón tiếp các em vào cô nhi viện, nhìn các em lớn khôn, rồi cùng các em chống chọi với bệnh tật và... chứng kiến các em "ra đi". Họ gắn chặt cuộc đời mình với khu nhà này, trở thành mẹ của hàng chục đứa con mà chưa qua một lần sinh nở.
Một trong những người mẹ đó là soeur Phạm Thị Tươi, người phụ trách văn phòng cô nhi viện. Soeur Tươi nói: "Cô nhi viện Thánh An hiện đang chăm sóc 90 em, một nửa trong số đó là các em mắc bệnh hiểm nghèo như bại liệt, thần kinh, đao hay bị khuyết tật. Phần lớn các em đều bị bỏ rơi trong tình trạng bệnh tật, thương tâm. Bên cạnh đó, cô nhi viện cũng chăm sóc hơn chục người già yếu".
Cũng như những người mẹ thầm lặng ở đây, soeur Tươi nhớ như in hoàn cảnh của từng bé và hiểu rất rõ tính cách của từng đứa. Đưa mắt nhìn một bé trai kháu khỉnh đang vui đùa cùng các anh chị, soeur kể rành rọt: "Bé tên Q.H, được mẹ đưa đến đây khi còn đỏ hỏn. Tôi còn nhớ hôm đó là một buổi sáng mùa đông giá rét. Bé nằm lọt thỏm trong chiếc áo khoác. Còn kia là bé B.L, người ta bọc bé trong chiếc túi nylon và đặt trước cửa cô nhi viện vào đúng ngày 28 tết, phía trên chiếc túi có mẩu giấy nhỏ ghi dòng chữ "Chúc mừng năm mới...".
Nói đến đây, giọng soeur như nghẹn lại, phải mất một lúc sau, soeur mới nói tiếp: "Khi chúng tôi ra đón bé vào, bé đã thâm tím vì lạnh, nhưng rất may là bé đã qua khỏi. Nhưng cũng không ít bé, chúng tôi chưa kịp chăm sóc thì bé đã chết ở ngoài cửa. Có bé chết vì đói, có bé chết vì lạnh... các bé mới sinh mà người ta để trong bao tải rồi đặt trước cửa cô nhi viện và bỏ đi...".
Cha Oanh cùng các soeur bên các em trong dịp Giáng sinh 2011
Nói rồi soeur dẫn chúng tôi đi một vòng cô nhi viện, khu nhà có 8 phòng chia theo từng nhà riêng biệt. Các em lớn được ở chung trong một căn phòng rộng với những chiếc giường 3 tầng chắc chắn, dãy bàn học tập kê giữa phòng và tủ đựng quần áo. Giường nào giường nấy chăn màn gọn gàng, sạch sẽ. Các bé lớn phụ giúp các soeur chăm các em nhỏ. Các bé ở đây ngoan ngoãn và dễ thương vô cùng. Có khách đến, các em lễ phép chào hỏi, hỏi chuyện một "dạ" hai "thưa". Tôi để ý, khi khách cho quà, phải được sự đồng ý của soeur các em mới dám nhận, dù chỉ là cái kẹo, gói bánh, các em đều nhận bằng hai tay, miệng cười bẽn lẽn kèm theo lời cảm ơn luôn thường trực. Trộm nghĩ, các soeur đông "con" như vậy mà không hiểu sao dạy "con" khéo thế.
Theo chân các soeur, tôi được dẫn đến khu vục dành cho các bé sơ sinh. Căn phòng với những chiếc giường kê san sát, mỗi bé một giường mà chẳng bé nào khóc quấy. Các bé tự chơi, tự bú bình và tự ngủ như tự "biết thân biết phận". Ánh mắt trong veo ngước nhìn các "mẹ" như đang nói chuyện, có bé nổ một tràng cười khanh khách giòn tan, nghe giọng cười của bé rồi nghĩ đến tương lai của em, nước mắt tôi chỉ trực trào.
Chăm sóc các bé ở đây là cô Hoa, một trong những con người thiện nguyện cống hiến cả đời mình cho các bé, cô chia sẻ: "Mình cũng không nhớ rõ mình bao nhiêu tuổi và đến đây từ năm nào, chỉ biết rằng khi lần đầu tiên đến đây nhìn thấy bọn trẻ, mình biết mình đã thuộc về nơi này. Mình cũng không nhớ đã đón nhận biết bao nhiêu bé vào đây, mỗi ngày nhìn các con trưởng thành, và rồi cũng không biết bao nhiêu lần chính đôi tay này lại... đắp chiếu cho các bé. Nhiều bé bị bỏ rơi vì mắc các bệnh bẩm sinh, những bé này sống được ngày nào hay ngày ấy, nhưng phần lớn các bé không qua được 10 tuổi".
Cô Hoa quay sang cưng nựng một bé gái kháu khỉnh rồi cười buồn: "Mình chăm sóc bé, cho các bé được sống làm người được ngày nào tốt ngày đó, mình làm vì một lẽ đơn giản, các em đáng được như vậy".
Những "thiên thần nhỏ" luôn cười
Có lẽ, thương tâm nhất là dãy phòng dành cho các em bại liệt, thần kinh. Các em ngồi thẫn thờ trong phòng đưa ánh mắt lơ ngơ thẫn thờ nhìn mọi người qua lại. Có em lầm lì, có em cười mà như khóc, có em khua tay lắc đầu như đang nói chuyện nhưng miệng chỉ ú ớ không thành từ. Phần lớn các em ở đây bị bệnh bẩm sinh, khó khăn trong sinh hoạt hoặc chỉ nằm liệt giường, không có khả năng giao tiếp.
Các soeur cho biết, các em ở đây tuy lớn nhưng trí não không phát triển, các em như những đứa trẻ vô tri, bảo gì làm nấy, mà nhiều lúc các em cũng chẳng hiểu người khác muốn các em làm gì. Nhìn các soeur kiên trì bón từng thìa cơm trong khi các em không ngừng giãy đạp, tôi nghiệm ra rằng nuôi trẻ bình thường vất vả một thì nuôi các em ở đây vất vả gấp trăm. Phải chăng biết trước điều đó, bố mẹ đã bỏ các em lại đây...
Bước ra khỏi phòng mà lòng tôi nặng trĩu, vô tình một cô bé nhỏ thó đụng vào người tôi. Đỡ em dậy, trước mắt tôi là một nụ cười tươi rói của một cô bé 10 tuổi nhưng trong vóc dáng của trẻ lên 3. Em líu lo trò chuyện, tôi ra vẻ gật đầu mà chẳng hiểu em nói gì. Em tươi cười vô tư, nhưng mắt em có cái nhìn không định hướng, đầu lí lắc theo những cử chỉ của ngón tay. Em nói mà tôi chỉ nghe thấy một chuỗi âm thanh liền mạch như đang cố thoát ra khỏi cổ họng nhưng lại bị chèn lại thành ra những âm sắc có tiếng mà không có nghĩa. Soeur Kim Cúc tiến đến, giọng nhẹ nhàng: "Hồng Ngọc đã xin lỗi cô chưa?".
Em tên Hồng Ngọc, bị bố mẹ bỏ rơi và được một người lạ đưa đến cô nhi viện trong tình trạng mù bẩm sinh. Em ở đây cũng đã gần chục năm, tính cách lí lắc và thích trò chuyện. Từ nhỏ, Hồng Ngọc đặc biệt bám "mẹ" Cúc, cô Cúc cũng coi Hồng Ngọc như con. Được biết, cô cũng là trẻ mồ côi, được cô nhi viện nuôi nấng và sống ở đây đến tận bây giờ.
Cô Cúc nói: "Mỗi đứa trẻ đến đây đều là những mảnh đời khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau. Họa chăng có một điểm chung, các bé đều là những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, không họ hàng, không quê quán.
Hiểu được sự thiếu thốn tình cảm của các em, giám đốc cô nhi viện Thánh An, cha Giuse Phạm Ngọc Oanh nhận làm người bố chung của các em. Mái đầu của cha đã bạc, gương mặt in hằn những vết nhăn của tuổi già, nhưng nụ cười vẫn thường trực trên môi.
Cha chia sẻ: "Nhà Dục Anh được Thánh Giám mục Tử đạo Diaz Sanjurjo An thành lập năm 1852 với mục đích thu lượm và đem về nuôi dưỡng những trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, bị bỏ rơi vì cha mẹ mất sớm hoặc gia cảnh quá túng thiếu. Khi đó gọi là "Nhà Thiên Thần". Đang khi nuôi dưỡng, những gia đình hiếm muộn con cái có thể đón nhận về làm con nuôi nhưng từ năm 1999, khi xuất hiện vấn nạn buôn bán trẻ em thì cô nhi viện không có con nuôi nữa. Các em không có ai bảo lãnh, Nhà Dục Anh nuôi cho ăn học, dạy nghề để các em có thể sống tự lập, xây dựng gia đình khi các em trưởng thành".
Nói rồi cha chia sẻ: "Tôi xuất phát từ một gia đình nghèo, bản thân cũng là người mồ côi cha từ nhỏ nên tôi hiểu cảnh mồ côi của các em. Tôi bằng lòng khi được giao công việc này và muốn chu toàn tốt đẹp. Cá nhân tôi không thể làm gì được, tôi chỉ biết cậy nhờ các nhà hảo tâm ở khắp nơi. Khoản tiền của nhà hảo tâm, tôi bao giờ cũng chia làm ba phần, một phần lo cho các em ăn học tại chỗ, một phần lo sửa sang cơ sở vật chất và một phần đưa vào lao động để gây quỹ giúp các em sau này lớn lên có thể tự túc". Nói rồi cha chỉ ra mảnh vườn nơi các soeur và các em tự chăn nuôi sản xuất, tôi thầm mong mảnh vườn của cha luôn tươi tốt...
Thỉnh thoảng thấy các "mẹ" về thăm quê, các em cũng bắt chước, đứng giữa phòng nói: "Mình chào cả nhà, mình về quê đây" nhưng khi em khác hỏi quê ở đâu, em chẳng biết nói gì, chạy lại hỏi: "Dì ơi, quê con ở đâu?". Có em thấy người nhà của các soeur đến thăm thì lại gần kéo tay rồi nói nhỏ vào tai: "Dì có mẹ à?". |
Thanh Xuân