Những “người mẹ” thắp sáng tương lai cho trẻ vùng biên

Những “người mẹ” thắp sáng tương lai cho trẻ vùng biên

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 4, 09/03/2022 07:00

Mượn tạm nhà hoang, chuồng trâu để dạy học hay cầm điện thoại để “vợt” sóng... chính là những kỷ niệm khó quên của giáo viên tại mảnh đất vùng biên Tây Bắc.

Ký ức từ những ngày dạy học ở... chuồng trâu

Sau hơn 13 năm gắn bó với mảnh đất vùng biên Mường Khương (Lào Cai), cô giáo Lùng Thị Ngọc (Hiệu trưởng Trường Mầm non Nấm Lư) cũng đã có không ít kỷ niệm khó quên cùng các đồng nghiệp.

Ký ức về những ngày đầu “cắm bản” bỗng ùa về qua lời hồi tưởng của nữ Hiệu trưởng: “Ngày mới đặt chân đến mảnh đất Mường Khương này cũng là lúc tôi được phân công lên công tác tại xã khó khăn nhất của huyện, xã Tả Gia Khâu.

Khi ấy, điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, điểm trường chưa có điện và nước cũng thiếu thốn, mỗi ngày, chúng tôi phải tự đi tìm nguồn nước từ rất xa trường và đưa từng can về để sử dụng. Các cô ở điểm trường thường tranh thủ thời gian nấu bữa trưa cho các con bằng bếp củi, nên vào mùa Đông, khi nguồn nước càng trở nên khan hiếm, mỗi phụ huynh thường xách theo một can nước để phục vụ sinh hoạt cho các con.

Đường sá cũng là một thử thách lớn, có những điểm trường không thể đi xe máy vào, chỉ có thể để xe trên đường rồi đi bộ xuống, vượt qua một con dốc dài. Tôi còn nhớ, sau những giờ tan trường, tôi cùng học sinh, cô trò nối đuôi nhau đi vượt qua con dốc, học sinh đi nhanh hơn cả cô giáo, cô đuổi còn không kịp, có lẽ, vì các con sinh ra ở đây nên vốn quen với địa hình này rồi.

Hầu hết phòng học khi đó chỉ là lớp tạm, phải mượn nhà bỏ hoang, hoặc chuồng trâu, chuồng bò của người dân, quây vào và dọn dẹp sạch sẽ để đón học sinh vào học. Nhà công vụ của giáo viên cũng không có, chúng tôi phải mượn tạm trạm của đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, rồi quây bạt vào để ở. Đó là những hình ảnh mà chúng tôi chẳng thể nào quên được, dù điều kiện đã và đang từng ngày được đổi mới”.

Giáo dục - Những “người mẹ” thắp sáng tương lai cho trẻ vùng biên

Cô giáo Lùng Thị Ngọc (Hiệu trưởng Trường Mầm non Nấm Lư) chia sẻ ký ức về những ngày đầu tiên.

Không chỉ có vậy, với những giáo viên quanh năm mưa nắng ở đây, việc liên lạc bằng điện thoại cũng gặp nhiều hạn chế. “Sóng điện thoại ở đây cũng rất hiếm!” - cô giáo Lùng Thị Ngọc thở dài “giáo viên muốn gọi điện thoại thì thường phải treo máy ở một điểm cố định nào đó để bắt sóng. Thế mà cũng có lúc sóng bị chập chờn, thầy cô muốn liên lạc chuyên môn có khi phải cầm điện thoại chạy qua chạy lại để “vợt” sóng, rồi bắt được sóng một cái là điện thoại sẽ chỉ được đặt y nguyên ở chỗ đó, để hễ có ai gọi điện còn có thể bắt máy”.

Chính vì những thiếu thốn về cơ sở vật chất, những khó khăn bộn bề trong cuộc sống và công việc tại địa phương, các thầy cô gắn bó với từng điểm trường, từng thôn bản luôn nỗ lực và sáng tạo, để cải thiện môi trường dạy học, vừa nâng cao thẩm mỹ cho trường lớp, vừa tạo không gian thân thiện để thu hút học sinh. Từng mảnh ghép tạo nên cảnh quan của các điểm trường đều do chính bàn tay của các thầy cô “hô biến”, nhờ vậy, học sinh luôn thích đi học hơn ở nhà.

Những kỷ niệm đáng nhớ

Bất đồng ngôn ngữ có lẽ chính là ấn tượng lớn nhất trong hành trình suốt 13 năm dạy học của cô giáo Sùng Thị Kim (sinh năm 1986), hiện là giáo viên tại Trường Mầm non Nấm Lư.

Nhắc đến “sự cố” lúc mới đi dạy của mình, cô giáo Kim vẫn không khỏi bật cười: “Kỷ niệm tôi nhớ nhất là năm đầu tiên, bản thân tôi cũng là người dân tộc Nùng, nhưng học sinh ở đây lại 100% là người Mông, và vốn tiếng Việt của các con còn rất hạn chế, nên lúc lên lớp, mới có chuyện bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trẻ, cô nói một đằng, trẻ nói một nẻo.

Tôi còn nhớ, buổi đầu tiên lên lớp, sau khi nhận học sinh, tôi bắt đầu làm quen với các con. Khi tôi vừa giới thiệu tên mình xong, một bé đứng lên hỏi: “Cô giáo ơi, mùng chế?”. Tôi cứ nghĩ là con xin phép đi vệ sinh, nên cũng vẫy tay và nói với con: “Mùng chế, mùng chế”. Thế là, tất cả học sinh trong lớp chạy ùa ra ngoài để về nhà.

Hóa ra, “mùng chế” mà con nói là có ý hỏi cô, đã được đi về nhà chưa... Đúng là một kỷ niệm dở khóc dở cười mà có lẽ tôi không bao giờ quên được. Cũng nhờ vậy, mà tôi quyết định tìm hiểu thêm ngôn ngữ của các con, để có thể thuận lợi hơn trong giao tiếp và giáo dục”.

“Nghề giáo viên mầm non ở miền xuôi đã khó, chúng tôi ở miền ngược đây còn khó gắp trăm lần. Những năm đầu nhận công tác, nhiệm vụ “khoai” nhất chính là vận động học sinh và duy trì sĩ số. Sáng sớm, chúng tôi phải men theo những con đường đất trơn trượt, đến từng nhà, gõ cửa, đón trẻ, có khi còn phải chờ trẻ ăn cơm xong rồi mới đón được. Nếu giống như giáo viên miền xuôi, sáng ra, chỉ đứng đợi ở cửa lớp, thì có lẽ, sĩ số chỉ bằng 0.

Trẻ con ở đây lúc mới ra lớp thường rụt rè, nhút nhát hơn rất nhiều, có trẻ liên tục khóc đòi về. Sau một hồi được cô dỗ dành, trẻ cũng nín, nhưng gần đến giờ ăn cơm hoặc giờ đi ngủ là trẻ lại tự dưng bật khóc nấc lên. Những lúc ấy, cô giáo chỉ có thể dùng ngôn ngữ của các con để dỗ dành”, cô giáo Kim chia sẻ.

Giáo dục - Những “người mẹ” thắp sáng tương lai cho trẻ vùng biên (Hình 2).

 Cô giáo Sùng Thị Kim vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm dạy học của mình.

Dù phải đối mặt với không ít thử thách, nhưng những giáo viên “cắm bản” như cô Ngọc, cô Kim vẫn không quản ngại gian nan, miệt mài với sự nghiệp trồng người đã chọn.

Cô Sùng Thị Kim tâm sự: “Điều khiến chúng tôi lựa chọn gắn bó với mảnh đất này, có lẽ chính là ở những gương mặt trẻ thơ đầy háo hức khi được lên lớp, và bởi chính những tình cảm dễ thương của các con. Trẻ ở đây rất quý cô giáo. Vào những ngày lễ Tết, khi trong nhà có bánh, có xôi hay có món gì ngon, là thường cứ mỗi trẻ một đùm, mang lên mời cô giáo. Với tôi, đó là những món quà dân dã nhưng lại rất ý nghĩa”.

Còn với cô Ngọc, món quà đặc biệt nhất của cô chính là một bó hoa dại được một cậu bé học sinh hái dọc đường, bện lại và tặng cô nhân một ngày 20/11. “Hành động bất ngờ của cậu bé đó, khiến tôi vô cùng xúc động, bởi lẽ, với trẻ vùng cao, các con vẫn chưa hiểu được những ngày lễ như 20/11 hay 8/3 là ngày gì và có ý nghĩa ra sao. Nên chỉ khi nào, học sinh thực sự rất thương quý thầy cô thì mới có thể làm như vậy. Điều đó thực sự rất đáng trân trọng!”, cô giáo Lùng Thị Ngọc bày tỏ.

Giáo dục - Những “người mẹ” thắp sáng tương lai cho trẻ vùng biên (Hình 3).

Học sinh ở vùng cao tuy không hiểu ý nghĩa của những ngày lễ Tết, nhưng lại có cách biểu hiện lòng thương quý với giáo viên rất đặc biệt.

Mỗi giáo viên đến với mảnh đất “khát” được mệnh danh là “Trường Sa cạn” tại Mường Khương, dù đứng trước biết bao gian nan, thử thách, vẫn lựa chọn ở lại, trở thành “người mẹ thứ hai” gắn bó để từng ngày thắp sáng tương lai cho những đứa trẻ vùng biên.

Tuệ Nhi

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.