Tôi thấy ngày nay có rất nhiều người vẫn giữ tư tưởng định giá thành công bằng vật chất sắm sửa được. Mục đích phấn đấu của đời người vẫn phải là nhà lầu, xe hơi.
Cứ mỗi lần họp lớp, đám bạn cấp ba hay đại học của tôi lại xoay đi xoay lại mấy câu hỏi giờ đang làm gì, lương tháng bao nhiêu, có nhà, có xe chưa? Có lẽ bởi thế mà nhiều người vì không muốn thua kém, mất mặt trước người khác mà cố khoác lên mình vẻ ngoài sang chảnh một cách phù phiếm chỉ để chứng minh mình là người có tiền, có địa vị.
Cơ quan nơi tôi làm việc có một cậu đồng nghiệp kém tôi 5 tuổi, là 9X đời giữa. Gia cảnh cậu ta bình thường nhưng suốt ngày thích dùng đồ hiệu, điện thoại lúc nào cũng phải là những mẫu iPhone mới nhất, đi làm bằng xe SH, quần áo thì là lượt, sực nức mùi nước hoa, trên mạng thì suốt ngày đăng ảnh đi chơi đây đó sang chảnh... Vấn đề là cậu ta không giàu có hay giỏi kiếm tiền gì, cũng chỉ là nhân viên văn phòng bình thường, lương tháng tầm chục triệu, nhà còn phải đi thuê.
Có lẽ vì chưa lập gia đình, muốn “xây dựng hình ảnh” thật long lanh trong mắt mọi người, nhất là các cô gái trẻ nên làm bao nhiêu cậu ta "nướng" hết vào mua sắm đồ hiệu. Theo tôi biết cậu ta còn vay mượn của nhiều người để tiêu xài, hưởng thụ.
Thực ra, bản thân cậu ta hiểu mình đang có những gì nhưng vì sĩ diện mà vẫn “cắn răng” đua theo, đánh đu với người giàu. Vì sợ mất mặt với thiên hạ, sợ người ta nghĩ mình nghèo, nên cứ cố đắp lên người lớp vỏ giá trị ảo và đây cũng là lối sống của không ít bạn trẻ hiện nay. Dường như có những người "càng thiếu thứ gì thì càng thích thể hiện rằng mình có thừa thứ đó”.
Tư tưởng này dẫn tới thói quen tiêu tiền không có kế hoạch, tiêu vô tội vạ. Kiểu làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được theo tôi là không ổn.
Tiêu kiểu đó sẽ không có khoản tích lũy, dự phòng cho những trường hợp khốn khó. Nếu cứ giữ thói quen tiêu tiền như vậy, về lâu dài, đến lúc không còn sức lao động nữa, họ sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, người thân. Hoặc về già vẫn phải lao động kiếm sống qua ngày. Có lẽ phải rơi vào trường hợp ốm đau hoạn nạn, người thân gặp chuyện hay bị thất nghiệp, những người thích “sống ảo” kiểu này mới sáng mắt ra.
Tôi cũng thấy một đặc điểm là những người có lối sống “phông bạt” khi ra đường thì thường khoe của để chứng minh mình không nghèo hoặc là tỏ ra mình "nhiều tình cảm" hơn, nhiều quan hệ xã hội hơn người khác... Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho các cuộc nhậu nhẹt, chơi bời. Nhưng khi về nhà lại sống rất nghèo khổ, có khi phải ăn mỳ tôm qua ngày, bí quá lại phải ngửa tay xin tiền cha mẹ.
Trong khi đó một bộ phận người có điều kiện thật sự thì ngược lại. Họ cố ra vẻ mình nghèo hoặc cố giấu mình để khỏi bị vay tiền, hay khỏi phải làm người chi trả bất đắc dĩ cho các cuộc tụ tập. Chính điều này làm cho những người này giàu càng thêm giàu.
Tư tưởng sĩ diện, không muốn thua kém ai có thể là một động lực tốt thúc đẩy con người phấn đấu vươn lên, nhưng sĩ diện hão lại trở thành thứ thuốc mê khiến nhiều người suy nghĩ lệch lạc, làm mọi thứ chỉ vì thể diện về mặt vật chất. Chỉ khi dám từ bỏ sĩ diện hão, ngừng sống dựa vào đánh giá của người khác, nhìn nhận lại bản thân thực sự có gì, cần làm gì để kiếm tiền và dùng tiền thông minh, đó mới là lúc con người ta thực sự trưởng thành.
X.Q
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả