Xóm "thủy thần"
Chuyến đò cập bến, chúng tôi nghe những câu chuyện kể vừa hiện thực, vừa huyền linh về những người thợ lặn thường rất hợp "vía" với những "thây ma" trôi sông được họ về báo mộng... Chúng tôi tìm đến xóm chài, khu vực Long Châu, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, nơi có khoảng hơn 20 "thủy thần" đang hành nghề thợ lặn.
Một nhóm thợ lặn đang chuẩn bị lặn mò tìm ghe bị đắm trên sông Hậu.
Chúng tôi tìm đến nhà "thủy thần" Nguyễn Văn Hùng. 41 tuổi nhưng "thủy thần" này đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề thợ lặn. Ngôi nhà lá được thay bằng nhà xây sơn màu hồng khang trang, ngăn nắp, tài sản quý giá của hơn 20 năm dầm mình "lặn ngụp" dưới sông. "Cái nghề này nguy hiểm lắm cô ơi! Đời ông nội tôi, cha tôi, và đến đời tôi "đánh đu" với hà bá. Giờ đến đời con tôi, mặc dù nó rất có khiếu lặn nhưng tôi nhất quyết không cho nó theo cái nghề hạ bạc này", anh Hùng trầm tư nói.
Anh Hùng vào nghề thợ lặn năm 16 tuổi. Cũng từ lần "nối nghiệp" đầu tiên từ ông nội, rồi đến cha mình, "thủy thần" đã đón anh bằng một sự cố mà người thợ lặn mới ra nghề như anh không thể nào tránh khỏi. Trong một lần theo cha lặn mò tàu chìm, dưới dòng nước đục ngầu, không xác định được vị trí chính xác của vật thể, anh Hùng bị nhánh cây đâm trúng mắt. Tai nạn đó cũng một phần do ngày xưa thợ lặn như anh Hùng không được trang bị đồ nghề như kính lặn, áo lặn... mà chỉ mặc độc chiếc quần cộc rồi "nốc" tù tì một chén nước mắm mặn cho... ấm bụng. Vì cứ mải mê lo ngụp lặn kiếm cơm, anh Hùng không quan tâm đến con mắt bị thương, cho đến nay một bên mắt của anh đã không còn nhìn thấy. Sinh nghề tử nghiệp" là thế...
Dù luôn miệng bảo là nghề "hạ bạc", nhưng anh Hùng rất tự hào về cái nghề thợ lặn của xóm chài, cũng như luôn tự hào về dòng họ mình đã 3 đời gắn với nghề "hạ bạc" này. Người đầu tiên "khởi xướng" nên nghề thợ lặn ở phường Tân Lộc này có thể kể đến ông Nguyễn Văn Tám, ông nội anh Hùng. Tuy sống bằng nghề nông là chính, nhưng nhờ bơi lặn giỏi nên ông Tám nhiều lần cứu được ghe thuyền, người mắc nạn trên sông vào những mùa nước lũ, nên ông trở thành "vị cứu tinh" của những người mưu sinh vùng sông nước.
Ở vùng sông nước này, những rủi ro bất trắc luôn xảy ra, ông Tám quyết định chuyển qua nghề thợ lặn để cứu người. Gắn bó với nghề lặn, ông "kéo" theo con trai là ông Nguyễn Văn Di (cha anh Hùng) và hơn 10 thanh niên trai tráng trong làng bám sông để sống.
Anh Hùng kể, cha anh (63 tuổi) cũng rất có "máu" lặn và đã theo nghề từ rất nhỏ. Bởi vậy, ông đã "truyền nghề" cho hai người con trai của mình là anh Nguyễn Văn Hùng và người con thứ ba là Nguyễn Văn Tính. Có đam mê, có kinh nghiệm, có sự nhạy bén linh hoạt, tính toán kỹ trong nghề thợ lặn nên anh Hùng được phân làm trưởng nhóm thợ lặn khoảng 10 người ở xóm.
Mặc dù hiện tại nhóm thợ lặn của anh Hùng được trang bị kính lặn, ống hơi, máy bơm hơi... nhưng theo anh Hùng thì những người thợ lặn không tránh khỏi những rủi ro khi xuống nước. Bởi dưới dòng nước đục ngầu kia luôn tiềm ẩn biết bao nguy hiểm, chỉ cần sơ suất, không tính toán kỹ giờ giấc lặn, tọa độ, dự trù máy móc thì mất mạng như chơi.
Thợ lặn Nguyễn Văn Hùng lúc nào cũng trong tư thế ghe máy sẵn sàng để tiếp cứu kịp thời người bị nạn.
Cái nghề chỉ mong... thất nghiệp
Vào những mùa nước lũ, có ngày nhóm thợ lặn ở Tân Lộc nhận trục vớt 2-3 vụ ghe tàu chìm. Thu nhập không tính được cố định theo ngày, theo tháng, nhưng mỗi một lần lặn trục vớt đồ đạc, ghe thuyền thì tiền công chia đều cho mỗi anh em cũng được hơn 100 ngàn đồng/vụ. Với số tiền như thế, tuy không giàu nhưng cũng đủ cho người thợ lặn nuôi cả gia đình no ấm 1 ngày. Nhưng cũng có những vụ "mò" không lấy tiền vì của cải của người ta đã bị "hà bá nuốt" hết rồi, còn lấy gì để trả công.
Đã là thợ lặn thì không từ tìm bất cứ thứ gì mà hà bá "nuốt", kể cả xác người chết sông. Có trường hợp một thợ lặn mới vào nghề, được phân công lặn xuống mò chiếc ghe bị đắm. Lần đầu tiên được lặn, anh ta rất hăm hở. Nhưng chỉ 1 lúc trồi lên, mặt mày xanh mét, tay chân run lẩy bẩy. Thì ra vừa lặn xuống, tay anh ta đã đụng phải xác chết lạnh tanh kẹt dưới ghe, hoảng vía anh ta "trồi" lên và nhất định bỏ nghề.
Dù biết nghề là nghiệp, là "cần câu cơm" nuôi sống cả gia đình nhưng trong thâm tâm của những người thợ lặn luôn mong dưới dòng sông lạnh lẽo kia chỉ là những vật dụng lỡ mất đi còn có thể mua sắm lại được, chứ không phải là những xác người.
"Nghề hạ bạc" nên có mấy ai giàu vì nghề, chỉ là đủ ăn, đủ mặc. Ky cóp lắm mới "sắm" được cái nhà đàng hoàng chút như thợ lặn Nguyễn Văn Hùng. Còn những thợ lặn khác, ngoài những ngày không lặn, họ đi làm thêm đủ thứ nghề để kiếm thêm thu nhập. Người lâu năm nhất trong nhóm cũng đã có hơn 30 năm ngụp lặn, người ít nhất cũng bám nghề từ 1 năm trở lên. Cuộc sống của họ cứ bấp bênh theo nước thủy triều lên xuống. Nghề thợ lặn ở xứ cù lao Tân Lộc này cứ thế mà truyền đời từ cha sang con. Họ cứ mãi ngụp lặn dưới sông để tìm tương lai trên cạn.
Hồ Huyền - Ngọc Giàu