Làm sản phẩm không bao giờ bị ế
Men theo đại lộ Thăng Long, chúng tôi tìm về làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội. Vừa tới đầu làng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh của những sản phẩm phục vụ tín ngưỡng của con người: Tượng Phật, đồ thờ cúng... và những tiếng đục đẽo cần mẫn của người thợ Sơn Đồng.
Bên quán nước ven đường, cụ già bán nước trò chuyện với chúng tôi về Sơn Đồng. Qua câu chuyện của cụ, chúng tôi biết được, từ khi hình thành và phát triển làng nghề đến nay, người dân Sơn Đồng luôn tự hào về sự lành nghề, tuyệt kỹ sơn son thiếp vàng không nơi đâu bì được của mình. Từ niềm tự hào ấy, người dân Sơn Đồng luôn nói với nhau: Làng mình không bao giờ đói.
Nghe câu nói ấy, chúng tôi thiết nghĩ làng này chắc làm nghề sơn son thiếp vàng nên chắc có nhiều vàng lắm đây. Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng một màu vàng chói lọi, lung linh, rực rỡ. Bức tượng nào cũng có hồn, sống động như thật. Thế nên, sản phẩm tâm linh của Sơn Đồng không chỉ nức tiếng khắp vùng mà còn vươn ra thế giới.
Sản phẩm tâm linh của làng nghề Sơn Đồng
Tương truyền ông Tổ của làng Sơn Đồng là Đức thánh Đào Trực, quê ở Phú Thọ, truyền nghề cho dân làng từ thời Lê Sơ. Không chỉ truyền nghề cho dân làng, Đức thánh Đào Trực còn là người mở trường dạy học cho người dân địa phương. Khi quân giặc sang xâm lược nước ta, Đức thánh Đào Trực đã cùng nhân dân Sơn Đồng đứng lên giết giặc, lập chiến công lớn, được triều đình sắc phong "Trực công hiển ứng Đại vương"... Từ đó, Sơn Đồng phát triển nghề một cách mạnh mẽ. Thế nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân Sơn Đồng cũng không sợ bị đói, kể cả vào những năm đói kém, hạn hán...
Vào những năm ấy, khi cái đói hoành hành, người ta chỉ biết lo tìm cái ăn, thế nhưng ở đây người dân lại chẳng sợ bị đói. Họ vẫn chuyên tâm với công việc chế tác sản phẩm tâm linh, bởi những sản phẩm này vẫn có sức tiêu thụ. Bên cạnh đó, làm sản phẩm tâm linh nên họ tin tưởng thần linh sẽ giúp dân làng vượt qua được những khó khăn trước mắt... Từ đời này đến đời kia, người dân nơi đây luôn bảo nhau: "Cái đói chả đe dọa được mình đâu" và câu nói ấy được truyền tụng tới tận ngày nay.
Theo nhận xét của nhiều vị khách thập phương, niềm tự hào không bao giờ đói của người dân là câu nói "ngoa", thực chất đây chỉ là lời giải thích cho sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề Sơn Đồng mà thôi. Nói thêm về vấn đề này, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, chủ tịch Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng cho biết: "Người dân tự hào về việc không bao giờ đói nghe hơi nặng. Thực chất của câu nói ấy chính là khẳng định truyền thống làm nghề của làng. Nói đến Sơn Đồng ai cũng biết đây là làng nghề chuyên làm các sản phẩm tâm linh: Bàn thờ tổ tiên, tượng Phật... Mà theo quan niệm Phật giáo, hầu hết trong gia đình nhà ai cũng có bàn thờ tổ tiên, ngôi chùa nào cũng có Phật... bởi trong thâm tâm mỗi người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người ta đều hướng về cội nguồn, hướng tới cõi tâm linh. Không một ai có thể thoát ra được trong đời sống văn hóa tâm linh, thế nên câu nói ấy chính là giải thích cho nét đặc trưng của làng nghề này".
Cũng theo lí giải của người dân thì xã hội càng phát triển, vấn đề văn hóa tâm linh càng được coi trọng. Có thể nói, nghề điêu khắc, làm sản phẩm tâm linh của Sơn Đồng hầu như không bị ảnh hưởng bởi xu thế thời cuộc, kinh tế thị trường hiện đại. Theo họ, có thể những nghề khác bị ảnh hưởng bởi kinh tế, nhưng riêng nghề này thì ít bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể.
Theo lời các cụ bô lão trong làng, từ xưa đến nay, nhân dân ta vẫn hay có quan niệm có bệnh thì vái tứ phương, người nào có tâm bệnh, có điều lo lắng bất an trong lòng thì đều tìm đến chốn thanh tịnh nơi cửa Phật, có người thì đến chùa, có người lại thờ Phật tại gia... Hoặc khi làm ăn phát đạt, điều đầu tiên họ nghĩ đến chính là cội nguồn tổ tiên, tô đẹp bàn thờ cho tốt hơn... Hay như gia đình nào có vận hạn đen đủi, họ cũng đều hướng đến cõi tâm linh để cầu cứu, mong tai qua nạn khỏi, bình an... Thế nên suốt mấy trăm năm qua, nghề truyền thống của làng chẳng bao giờ bị lãng quên.
Khởi sắc một làng nghề
Xung quanh câu chuyện về sự phát triển qua các thời kỳ của làng nghề Sơn Đồng, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, chủ tịch Hiệp Hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, chủ tịch Hội nghệ nhân Hà Nội cho biết: "Sơn Đồng là làng nghề có số lao động thường xuyên chiếm thị phần lớn. Hiện cả xã Sơn Đồng có khoảng 200 tổ hợp làng nghề với gần 4.000 lao động tại chỗ hoạt động thường xuyên nghề điêu khắc sơn son thiếp vàng, đồ thờ. Bên cạnh đó, hiện ở Sơn Đồng có thêm khoảng 2.000 lao động địa phương khác đến học nghề và làm tại đây. Có thời kỳ tạm gọi là đỉnh cao của nghề, dân làng Sơn Đồng phải làm thêm ca đêm thành 3 ca. Mấy năm gần đây, công việc của làng nghề khá ổn định, chỉ còn lại 2 ca bình thường".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Đa, phó chủ tịch UBND xã Sơn Đồng nói: "Những người thợ của làng nghề Sơn Đồng liên tục có tên trong danh sách người trùng tu cố đô Huế và các công trình văn hóa tâm linh lớn của đất nước". Năm 2008, một đội thợ của làng nghề Sơn Đồng đã sang Ucraina và làm toàn bộ nội thất, tượng Phật, đồ thờ của một ngôi chùa bên đó. Dân làng nơi đây luôn tự hào vì có thể giữ và duy trì được nét riêng đặc trưng của nghề. Kỹ thuật được truyền tay qua bao đời cha truyền con nối. Việc pha sơn được làm bằng mắt, bằng tay, bằng kinh nghiệm mà không gò ép theo một khuôn khổ hay công thức nào.
Theo các cụ cao niên trong làng, thời Pháp thuộc, làng nghề Sơn Đồng có nhiều cụ được phong nghệ nhân như cụ Bá Đề, cụ Bá Dậu, cụ Bá Hộ... Ở thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ, tất cả phải dành cho kháng chiến, thanh niên trong làng xã được huy động đi tòng quân đánh giặc cùng với đó là việc giải tán một số đình, chùa. Đây là giai đoạn được coi là có giảm sút mặt đời sống văn hóa tâm linh. Qua thăng trầm của lịch sử, nghề cũng bị mai một nhiều.
Gần đây, có một số thông tin nói rằng có hai người được công nhận là đã có công trong việc khôi phục làng nghề từ thăng trầm cho đến sự ổn định, phát đạt như ngày hôm nay. Tuy nhiên, chủ tịch Hiệp Hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng Nguyễn Viết Thạnh khẳng định đó là thông tin không chính xác. "Hai vị đó (xin được giấu tên) chỉ là giáo viên được mời ra dạy nghề ăn lương. Công khôi phục làng nghề Sơn Đồng được bắt nguồn từ phía Đảng ủy. Ngày đó, hai hợp tác xã đã mở lớp tại chức đào tạo và khôi phục làng nghề. Tôi cũng là người tham gia dạy khóa 2 cho anh chị em trong làng, nhưng làm sao dám nhận mình là người khôi phục được", ông Thạnh nhấn mạnh.
Hồng Mây - Dương Yến