Công đầu của “bầu” Đức
Trong buổi họp báo chiều 29/1 về thành công của đội tuyển U23 Việt Nam, HLV Park Hang-seo chỉ khiêm tốn: “Tôi không phải là người nâng tầm bóng đá Việt Nam. Tôi chỉ là người truyền kinh nghiệm của mình cho các cầu thủ trẻ. Thực tế các cầu thủ Việt Nam có nền tảng rất tốt, vấn đề chỉ là do chúng ta chưa phát huy tối đa khả năng”.
Ông Park Hang-seo đã nhắc tới ông Đoàn Nguyên Đức (“bầu” Đức) như một trong những yếu tố làm nên thành công của U23 Việt Nam.
Chính ông Đoàn Nguyên Đức là người có công đầu trong việc kết nối, đưa HLV Park từ Hàn Quốc về dẫn dắt lứa tuyển thủ vàng U23 Việt Nam. Ngay trước trận chung kết, ông Đoàn Nguyên Đức tâm sự: "Tôi bị ném đá nhiều quá nên đôi khi không dám nói ra. Bây giờ, ông Park đã chứng tỏ được tài năng nên tôi nói ra để mọi người hiểu".
Thực vậy, sau hơn 15 năm kể từ khi bắt tay vào làm bóng đá, “bầu” Đức cùng với “bầu” Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch tập đoàn T&T), “bầu” Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên – cựu Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB) và nay là "bầu" Vượng (ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch VinGroup) đã trở thành "tứ trụ" các ông bầu của làng bóng đá Việt, tạo dấu ấn lớn trong việc ươm mầm các cầu thủ trẻ.
Hành trình ươm mầm triệu USD
Chắc hẳn người hâm mộ Việt Nam còn nhớ rõ những khoảnh khắc các cầu thủ U23 Việt Nam tự tin giao tiếp với trọng tài người nước ngoài trong thời tiết khắc nghiệt của trận chung kết U23 châu Á lịch sử. Hình ảnh Xuân Trường hội tụ đủ mọi tố chất của người đeo băng đội trưởng, lấy áo ấm cho đồng đội trong loạt sút luân lưu 11m với Qatar, trả lời báo chí nước ngoài bằng tiếng Anh trôi chảy, rồi Công Phượng, Văn Thanh... hết mình lăn xả với trái bóng, chiến đấu quật cường...
“Bầu” Đức sau 15 năm làm bóng đá, không chỉ đào tạo nên một lứa U23 chỉ biết mỗi trái bóng trên sân, mà còn ươm mầm nên một lứa cầu thủ chuyên nghiệp có đủ kiến thức, đủ phẩm chất và kỹ năng điêu luyện. “Bầu” Đức bén duyên với bóng đá vào năm 2001 khi mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Ngay lập tức, đội bóng của ông bầu phố núi liên tiếp ghi dấu ấn tại V-League, vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003. Sau đó là vụ áp phe Kiatisuk Senamuang và rinh cả dàn sao Thái qua Việt Nam, rồi ký hợp đồng với Thonglao, Lee Nguyễn... “Bầu” Đức nhiều lần gây bão, tạo nên một làn sóng chịu chi trong giới bóng đá lúc bấy giờ.
Ngày 5/3/2007 là ngày đặt dấu mốc cho cách làm bóng đá trẻ tại Việt Nam, “bầu” Đức động thổ xây dựng học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal - JMG trên khu đất là 5 ha cao su. Một quyết định gây sốc bởi lúc đó, những cây cao su được chặt bỏ đang ở tuổi thu hoạch (bình quân 300 triệu đồng/ha/năm - thời điểm năm 2007). Ông không chơi ngông, mà mọi bước đi đều có tính toán. "Bằng cách này hay cách khác, bóng đá phải nuôi được bóng đá và thậm chí còn sinh lời", “bầu” Đức từng dõng dạc tuyên bố như thế hôm động thổ Học viện.
Suốt 10 năm, “bầu” Đức phải chi ít nhất từ 4 đến 5 triệu USD/năm để thương hiệu Arsenal được song hành cùng học viện Arsenal HAGL - JMG. Chưa kể, để chăm sóc cho những "gà cưng" như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... và bây giờ là các học viên khóa III, mỗi năm “bầu” Đức phải tốn hàng tỷ đồng cho việc đi lại, tập huấn nước ngoài.
Con số này phần nào được thể hiện trong các báo cáo của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - cơ nghiệp ông Đoàn Nguyên Đức đã gây dựng nhiều năm qua. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, số tiền chi cho học viện bóng đá HAGL – JMG là hơn 48 tỷ đồng. Con số này cùng kỳ năm 2016 - thời điểm tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngập trong nợ nần, thua lỗ cũng là gần 58 tỷ đồng. Tính chung 10 năm qua, số tiền “bầu” Đức chi cho bóng đá, cho những thế hệ vàng như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... phải tính bằng trăm triệu USD. Chưa kể những ngày đêm không ăn không ngủ vì Học viện.
Dù vậy, kết quả hôm nay mà lứa U23 Việt Nam đưa về cũng phần nào khiến ông hài lòng.
Vực dậy sau thua lỗ
Như đã nói ở trên, cuối năm 2015 và năm 2016 là thời điểm khó khăn nhất với ông Đoàn Nguyên Đức khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai rơi vào khủng hoảng. Giá cao su xuống thấp kỷ lục ngay thời điểm thu hoạch khiến dòng tiền bị gián đoạn, không đủ khả năng trả nợ ngân hàng...
“Bầu” Đức ngoài lo cho bóng đá, ông còn phải vực dậy cả tập đoàn, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp. Thời điểm đó, những người yêu bóng đá vẫn được yên tâm và tự hào khi thấy Công Phượng tự tin sang Nhật chơi bóng và làm việc một mình, Tuấn Anh dõng dạc trả lời báo chí bằng tiếng Anh về hợp đồng xuất ngoại, Xuân Trường sang Hàn Quốc đá với những cầu thủ quốc tế...
Nhìn lại tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai năm 2016, lỗ kỷ lục, cao nhất lịch sử hoạt động 30 năm, lên tới hơn 1.400 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên thua lỗ kể từ năm 2006. Khoản nợ ngân hàng 30.000 tỷ đồng khiến Hoàng Anh Gia Lai phải làm đủ mọi cách để tái cơ cấu nợ, khoanh nợ và gia hạn nợ với ngân hàng, trái chủ. Trong năm 2017, “bầu” Đức và HAGL đã chủ trương cơ cấu lại nợ cũng như hoạt động kinh doanh của công ty, nhằm phục hồi hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài việc bán bớt vốn tại các dự án, mảng kinh doanh không cốt lõi và đẩy mạnh mảng nông nghiệp trên diện rộng, phải kể đến nỗ lực cơ cấu nợ bằng việc bán bớt tài sản của cả “bầu” Đức và HAGL. Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng nợ vay HAGL đã giảm từ 27.300 tỷ xuống còn 23.100 tỷ và đã giảm về dưới 22.300 tỷ đồng khi hết năm 2017. Những ngày cuối năm 2017, HAGL đã thông báo thông tin khá bất ngờ khi chiêu mộ cựu Tổng Giám đốc ngân hàng ACB - ông Lý Xuân Hải về làm Trưởng ban chiến lược tại công ty.
Mới đây nhất, sau 4 năm rút khỏi mảng thuỷ điện, tập đoàn HAGL đã đầu tư trở lại ngành nghề này khi quyết định góp 49,5 tỷ đồng thành lập công ty thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn cùng với các đối tác khác. Thông tin từ HAGL, dự án thủy điện ở Lào được triển khai dựa trên chủ trương phát triển dự án của nước này. Theo báo cáo tài chính quý 3/2017, doanh thu hợp nhất tập đoàn HAGL đạt 1.505 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đứng ở mức 166 tỷ đồng. Tính luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của HAG đã đạt 3.982 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng lên mức 1.188 tỷ đồng.
Ông Đoàn Nguyên Đức là người trực tiếp sang Hàn Quốc đàm phán để VFF ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo, sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức. Sau đó ông còn đưa đồng hương của HLV Park là ông Chung Hae-seong về tái thiết bóng đá Hoàng Anh Gia Lai với mục tiêu vô địch V-League 2019. Với tư cách Phó Chủ tịch VFF, “bầu” Đức từng tuyên bố nếu U22 Việt Nam không vô địch SEA Games 29, ông sẽ từ chức. Tuy nhiên, tại giải đấu ở Malaysia, các cầu thủ Việt Nam bị loại ngay sau vòng bảng. Giữ đúng lời hứa, ông đã nộp đơn lên VFF xin từ chức nhưng không được chấp thuận. VFF động viên ông ở lại đến hết nhiệm kỳ (vào tháng 3/2018). |