Mọi người thường bảo, ít ai nhớ được phần ký ức khi mình dưới 5 tuổi. Càng trưởng thành, vùng ký ức đó càng mờ nhạt. Thế nhưng với tôi, mọi thứ cứ đọng lại, mới nguyên như chuyện của ngày hôm qua.
Chẳng phải tôi là người có trí nhớ siêu phàm hay có khả năng đặc biệt gì so với những người khác, chỉ bởi vùng ký ức đó với tôi quá bi thương, quá nhiều day dứt. Mà ở đời, niềm vui thì nhanh qua, còn nỗi buồn thương day dứt thì hiếm ai có thể quên được.
“Mồ côi cha ăn cơm với cá/Mồ côi mẹ lót lá mà nằm…” câu này có lẽ đúng trong hoàn cảnh của tôi. Mẹ mất ngay khi tôi cất tiếng khóc chào đời. Bố tôi đi làm ăn ở vùng kinh tế mới nên cả năm mới về nhà được một lần. Tôi sống với bà nội đã già và thêm bệnh lẫn.
Đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc chẳng hiểu sao mình có thể sống khỏe mạnh dưới bàn tay chăm sóc của bà, khi mà ngay cả đến chuyện bà đã ăn hay chưa bà cũng không nhớ nổi.
Hàng xóm kể, hồi đó tôi bé như con cá mắm vì bà thường xuyên “quên” mất trong nhà còn có đứa cháu nhỏ chưa được ăn. Bà yêu thương tôi lắm, nhưng bệnh tuổi già khiến bà chẳng thể chăm sóc cho tôi cẩn thận. Chập chững biết đi là tôi lon ton khắp xóm ăn chực cơm.
Tôi cứ lớn lên như cây cỏ, gầy còm mà không ốm yếu. Thiếu thốn cả tình thương và vật chất nhưng ngày ngày vẫn nhảy nhót quanh xóm, cười đùa vui vẻ với đám trẻ bằng tuổi.
Có những hôm chơi trốn tìm, tôi chui trong đống rơm nhà hàng xóm rồi ngủ quên đến sáng hôm sau cũng chẳng có ai đi tìm. Đói về nhà tự lục cơm nguội ăn, buồn ngủ thì chỗ nào cũng thành giường.
5 tuổi, bố về xin cho tôi đi học mẫu giáo. Về được 2 ngày rồi bố lại vội vàng đi ngay. Ngày đầu đến lớp, các bạn được mẹ hoặc bố đưa đi, còn tôi trước khi bố đi đã kịp dạy tôi cách nhớ đường từ nhà đến trường. Nhà tôi ở cuối làng, trường mẫu giáo ở đầu làng, con đường khá ngoằn ngoèo, bố phải dẫn tôi đi qua đi lại gần chục lần tôi mới có thể nhớ được.
5 tuổi, chẳng ai dạy tôi phải cầm lược chải đầu, chẳng ai dạy tôi cách rửa mặt mỗi sáng, cũng chẳng ai dạy tôi cách tắm giặt. Mọi thứ tôi làm như bản năng. Quần áo có khi cứ thay ra rồi lại mặc lại mà chẳng cần giặt.
5 tuổi tôi mới cảm nhận được thế nào là yêu thương, là sự quan tâm chăm sóc từ bàn tay người lớn. Và người đem lại cho tôi tất cả những điều tốt đẹp ấy là cô Hằng- cô giáo đầu tiên của tôi.
Ngay buổi đầu tới trường mầm non, nhìn con bé nhếch nhác đứng một góc, cô đã kéo tôi ra giếng, dùng chiếc khăn mặt trắng tinh, thơm phức của cô rửa mặt rồi rửa sạch từng ngón tay, ngón chân nhem nhuốc của tôi. Tan học, cô nắm tay tôi dắt về nhà, rồi cô đem hết đống quần áo bốc mùi của tôi đi giặt, đơm lại từng chiếc cúc, khâu lại những chỗ áo quần bị sứt chỉ.
Cô gội đầu cho tôi, dạy tôi cách cột tóc cho gọn gàng. Và cũng từ hôm đó, sáng nào cô cũng sang nhà thật sớm, đón tôi về nhà cô ăn cơm rồi đến lớp. Buổi chiều lại tắm thật sạch, thật thơm, cho tôi ăn no trước khi dẫn tôi về nhà.
Ở lớp cô cầm tay tôi nắn nót từng nét chữ đầu tiên, nhận biết từng mặt chữ cái, con số. Tan trường, cô lại dạy tôi cách nấu cơm, nhặt rau, cách luồn chỉ vào kim để khâu quần áo. Dạy tôi phải tắm, phải vệ sinh thân thể thế nào cho đúng và sạch.
Với tôi khi ấy, cô giống như cô tiên hiền hậu bước ra từ câu chuyện cổ tích mà cô hay kể.
5 tuổi, tôi bắt đầu hay nghĩ về mẹ hơn. Nhìn các bạn mỗi lần tan lớp được mẹ đón, được mẹ ôm vào lòng cưng nựng, tôi thèm lắm. Tại sao ai cũng có mẹ, chỉ riêng tôi thì không? Chẳng có ai giải thích cho tôi về sự thiếu vắng ấy, và tôi tự kết luận rằng, có lẽ do bố tôi nghèo quá nên chẳng đủ tiền “mua” mẹ về cho tôi.
Nhưng không mua được mẹ thì tôi có cô Hằng yêu thương rồi, có lẽ tình yêu của mẹ ấm áp như tình yêu của cô Hằng với tôi là cùng chứ gì? Và tôi đã ước giá cô Hằng là mẹ của mình.
Rồi cô Hằng trở thành mẹ của tôi thật. Năm tôi 6 tuổi, bà nội mất, do làm ăn thất bát nên bố về nhà buôn bán. Rồi bỗng một hôm, sau một ngày nhà bắc rạp ăn cỗ, cô Hằng chuyển hẳn về ở với bố con tôi. Tôi vui lắm, nhảy chân sáo khắp xóm khoe mình có mẹ rồi.
Đáp lại niềm háo hức của tôi là câu nói chứa đầy chế giễu của người lớn: “Đấy là dì ghẻ chứ mẹ gì. Cô ấy đối tốt với mày chỉ để lấy lòng bố mày thôi. Sau này cô ấy sinh em bé thì mày ra rìa”.
Niềm vui trong tôi lung lay, có khi nào sự thật như hàng xóm nói? Đúng nhỉ, giờ cô trở thành vợ của bố rồi còn gì? Hình ảnh về mụ dì ghẻ độc ác trong những câu chuyện cổ tích khiến tôi sợ.
Những suy nghĩ non nớt đó khiến tôi bắt đầu có ác cảm với cô. Mặc cho bố đánh mắng, tôi nhất quyết không gọi cô Hằng là mẹ.
Những ngày bố vắng nhà, giường ngủ của bố và cô sẽ bị tôi chiếm dụng và nhất định không cho cô lên ngủ cùng, cô chỉ còn cách trải chiếu nằm dưới nền nhà.
Sự ngỗ ngược của tôi khiến cô càng buồn thì tôi càng hả hê. Có một điều lạ là, dù tỏ ra thù ghét cô nhưng tôi chưa bao giờ từ chối được sự quan tâm của cô dành cho mình. Tôi mặc nhiên đón nhận và hành hạ cô theo cách của mình.
Chẳng hạn như những chiếc áo len nhiều màu sắc cô tự đan cho tôi, tôi sẽ làm chúng nhàu nát, biến dạng sau vài lần mặc để rồi lại bắt cô hì hụi đan cái mới.
Có lần cô bảo tôi rằng: “Con muốn đuổi cô ra khỏi nhà không được đâu, phải có sự đồng ý của bố con cơ. Thế nên con phải làm cho bố con yêu con hơn yêu cô bằng cách biết làm mọi thứ và học thật giỏi. Ngày xưa, bằng tuổi con cô luôn đứng thứ 2 lớp về thành tích học tập, chỉ sau bạn lớp trưởng thôi”.
Thấy cô nói có lý, tôi lao vào học để “vượt” qua cô. Cô chỉ đứng thứ 2 thôi mà, vậy thì tôi phải đứng thứ nhất. Tôi cũng bắt đầu học lỏm cách cô chế biến các món ăn. Trong suy nghĩ non nớt của tôi khi ấy, chỉ cần tôi làm tất cả mọi thứ giỏi hơn cô thì bố tôi sẽ chẳng còn cần cô nữa.
Năm tôi 8 tuổi, cô vẫn chưa sinh em bé, vẫn dịu dàng quan tâm tôi, có đồ ăn ngon gì cũng âm thầm nhường cho tôi ăn. Những khi tôi ốm sốt, mình cô thức cả đêm chăm sóc. Quần áo của tôi được cô sắm mới thường xuyên. Lũ trẻ trong xóm có gì tôi có cái đó. Nhưng tôi vẫn “nuôi” mục đích đuổi cô ra khỏi nhà.
Ngoài việc học thật giỏi, làm việc nhà thật siêu, tôi tự cấu véo chính mình để tạo vết bầm tím khắp cơ thể nhằm “mách tội” cô với bố và nhân tiện đặt điều kể xấu với hàng xóm. Nhiều lần tôi thấy cô ngồi trong buồng khóc, và…tôi hả hê lắm.
Khi tôi 12 tuổi, mọi người trong làng bắt đầu xì xào bàn tán rằng, bố tôi lấy phải người đàn bà đã ác tâm, suốt ngày hành hạ con riêng của chồng, giờ lại không biết đẻ, là giống “cau điếc” chả được tích sự gì.
Họ bảo tôi rằng: “Về bảo bố mày đuổi mụ ấy đi chứ nuôi báo cô làm gì”. Họ hàng nhà nội cũng bàn ra tán vào, họ bảo bố tôi vô phước nên đụng phải người đàn bà chẳng ra gì.
Nhiều đêm tôi thực giấc vì tiếng bố quát mắng cô Hằng. Bố hỏi cô vì sao không chịu sinh thêm cho bố một thằng cu, vì sao không chịu sinh nở. Đáp lại lời bố chỉ là tiếng khóc nhè nhẹ của cô.
Năm tôi 14 tuổi, một hôm đi học về tôi thấy nhà cửa vắng tanh, đến tối muộn vẫn không thấy bố hay cô về. Hỏi hàng xóm thì mới biết, cô Hằng bỗng dưng bị ngất nên bố đưa đi viện.
Một tuần sau, bố đưa cô về, người cô chỉ còn da bọc xương nhưng bụng thì phình to, nước da vàng. Cô nằm thiêm thiếp trên giường, nhỏ bé như đứa trẻ lên 5. Mọi người bảo rằng cô mắc bênh nặng lắm, chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Nghe thấy thế, bỗng dưng tôi òa khóc, cảm giác hụt hẫng như đứa trẻ bị giành mất món đồ gì đó rất quý giá. 14 tuổi, cái tuổi đủ để tôi biết nhận thức giữa sự sống và cái chết nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ được thần chết lại gõ cửa nhà mình đòi mang “mẹ ghẻ” của tôi đi.
Cảm giác mất mát, cô đơn bỗng dưng tràn về đầy ắp trong tâm trí tôi khiến tôi hốt hoảng lo sợ. Tôi đã từng ước giá cô Hằng biến mất khỏi cuộc sống của hai bố con cơ mà, sao đến khi nghe tin cô sắp chết lòng tôi lại đau như thế? Tôi chạy khắp làng, chạy ra mộ mẹ, tôi xin mẹ phù hộ cho cô Hằng được sống, tôi hứa sẽ không cứng đầu, không lấy sâu chuối thả vào giầy, không bôi mực lên áo trắng của cô nữa. Tôi sẽ là một đứa con ngoan.
Lời cầu xin của tôi cuối cùng không thành hiện thực. Một tuần sau ngày từ viện trở về, cô ra đi, nhẹ nhàng như khi cô bước vào cuộc sống của tôi. Chỉ có tôi là mãi sống trong niềm ân hận vì những việc mình làm, vì suy nghĩ ấu trĩ mà làm khổ cô suốt những năm qua.
Đám tang cô là một ngày mưa buồn, tôi chẳng thể khóc dù nỗi đau trong tim khi ấy như rút hết sức lực. Tận đến khi cô rời xa cõi đời, chưa một lần tôi đủ can đảm đến bên cô nói lời xin lỗi. Và tiếng “mẹ” bao nhiêu lần muốn thốt ra lại nuốt vội vào lòng.
Vắng cô, căn nhà nhỏ bỗng trống huơ trống hoác, bố hay ngồi trầm tư một góc hút thuốc. Còn tôi ngoài giờ đi học thì lầm lũi làm những việc mà trước kia cô từng làm. 8 năm sống chung nhà với cô nhưng tôi chẳng quan tâm cô thích món gì để giờ muốn nấu một món cúng tuần cho cô cũng loay hoay lúng túng.
8 năm cô lầm lũi sưởi ấm trái tim bố con tôi để rồi thứ cô nhân lại là sự vô tâm của từ đứa trẻ thiếu nghĩ suy. 8 năm cô kiên trì dạy tôi cách tự chăm sóc mình, để rồi đây khi vắng cô, những điều ấy tôi không còn lóng ngóng.
49 ngày sau khi cô ra đi, bố đưa cho tôi một phong thư còn nguyên mùi mực. Là thư của cô Hằng.
Con thương yêu!
Khi con đọc được những dòng chữ này thì cũng là lúc cô đang ở một nơi rất xa. Cuộc sống sinh-lão-bệnh-tử vốn là quy luật ở đời, chỉ là hành trình của cô ngắn hơn những người khác.
Con biết không, lần đầu tiên gặp con, cô bé ốm nhom ốm nhách, trong cô đã bùng lên một thứ tình cảm hết sức đặc biệt mà cô không thể lý giải nổi. Nhìn con một mình cô đơn giữa cuộc đời, cô thương lắm.
Về làm vợ bố con, cô những tưởng tình cảm giữa chúng ta sẽ khăng khít hơn, nhưng không ngờ con lại ghét cô đến vậy. Gần chục năm bên con, tình yêu của cô cứ lớn dần, cô thương con hơn chính bản thân mình và tự hứa sẽ bù đắp cho con những thiếu thốn mà con phải gánh chịu.
Cô quyết định không sinh em bé để có thể toàn tâm toàn ý lo cho con, yêu thương con. Nhiều lúc cô cũng nghĩ, hay cứ sinh em bé để con có chị có em, miễn cô đối xử công bằng thì chẳng sao.
Nhưng con ạ, nghĩ là vậy, nhưng cô không đủ tự tin để chắc chắn rằng khi nhà có thêm thành viên cô vẫn có thể quan tâm được tới con như trước, vẫn đủ kiên nhẫn để bao dung cho những trò phá bĩnh của con. Con mình mang nặng đẻ đau chắc chắn tình cảm sẽ nhiều hơn chứ. Và biết đâu khi ấy, sự ích kỷ của người mẹ lại biến cô thành mụ dì ghẻ độc ác.
Không! Cô không muốn thế, cô muốn con được hưởng tình yêu thương trọn vẹn. Dù con có chấp nhận hay không thì từ khi bước vào căn nhà của chúng ta, cô đã coi con là con gái của mình. Và cô luôn tin, khi con trưởng thành, con sẽ hiểu cho nỗi lòng của cô.
Nhưng cuộc sống luôn có những ngã rẽ chẳng ai ngờ tới. Cô không thể chứng kiến ngày con lớn khôn, không thể chăm sóc cho con được nữa. Cô đi rồi, con hãy sống thật kiên cường, hãy luôn giữ cho mình sự lạc quan dù cuộc sống sau này có khó khăn.
Trong ngăn tủ ở phòng ngủ của cô có một cuốn sổ bìa đen, trong đó cô đã ghi lại hết công thức nấu những món mà con thích, bố con thích. Con cứ theo đó mà làm.
Con biết không, điều cô khát khao nhất là được nghe con gọi một tiếng “Mẹ”. Và khi ngồi viết dòng chữ này, khao khát ấy vẫn còn chảy bỏng. Chỉ tiếc là…thời gian của cô không còn nữa.
Hãy sống thật mạnh mẽ, kiên cường con nhé! Con gái yêu!
Hóa ra cô không sinh em bé là vì cô yêu thương tôi, vì sợ tôi sẽ thiệt thòi, tủi phận. Cô đã âm thầm chịu mọi dị nghị chỉ để toàn tâm toàn ý lo lắng cho tôi. Vội vàng chạy ra mộ cô, ôm lấy vạt đất lạnh lẽo, trong nức nở, tôi gọi hàng trăm tiếng “Mẹ ơi” với hi vọng ở nơi xa nào đó, cô có thể nghe thấy.
15 năm rồi kể từ ngày mẹ Hằng của tôi mất, bố tôi sống lầm lũi một mình, còn tôi mải mê với công việc, với cuộc sống riêng. Tôi đã có gia đình, có 1 con gái. Làm mẹ rồi tôi càng thấm thía sự hy sinh và tình yêu của mẹ. Những khi buồn, mệt mỏi tôi vẫn tìm về “nhà” của mẹ, ngồi hàng giờ để khóc, để nói với mẹ cho vơi đi những ấm ức.
20/11 là ngày mọi thế hệ học trò tri ân thầy cô của mình. Tôi cũng vậy, tôi dành nguyên ngày 20/11 để ở bên “người thầy đầu tiên” cũng là người mẹ thứ hai của mình. Người không chỉ dạy tôi những con chữ đầu tiên mà còn là người đến khi mất đi rồi vẫn dạy tôi vốn sống ở đời thông qua quyển sổ màu đen mẹ ghi chép lại. Có mẹ mới có tôi của ngày hôm nay.
Vẫn biết rằng chẳng nên đặt ra câu “giá như” trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn khắc khoải với suy nghĩ: “Giá như ngày đó, tôi đủ chín chắn để nhận ra tình yêu, sự hy sinh của mẹ Hằng sớm hơn, để một lần thôi khi mẹ còn sống, tôi được gọi mẹ là mẹ”…
Khi tôi ngồi viết lại những ký ức về mẹ, ngoài trời đang mưa rất to, hệt như ngày mẹ bỏ bố con tôi ở lại để về một thế giới khác. Nhìn những hạt mưa tí tách nhỏ xuống hiên nhà, nỗi nhớ mẹ lại ăm ắp.
Con ở bên này mưa tràn mọi nẻo
Mong mẹ bên kia mây trắng, nắng vàng…