Chính họ đã nối liền tình cảm của người miền xuôi với người miền ngược. Hình ảnh mới mà họ xây dựng cho giới trẻ là khi người ta trẻ, người ta sẽ thực hiện được nhiều việc làm ý nghĩa.
Sống để... yêu thương
Lê Thùy Dung - thành viên nhóm phượt tình nguyện kể: Chúng tôi có nhiều chuyến phượt dài lên miền núi. Nhìn thấy cảnh những đứa trẻ trắng trẻo, xinh xắn, đi chân trần trong ngày đông giá lạnh, cảm xúc xót xa, cần chia sẻ ùa về. Thế là chúng tôi, chẳng ai bảo ai, cùng tích cóp những thứ có thể như quần áo, chăn màn, dép, giày, sách vở... mang lên cho các em. Các chuyến đi đã góp nhặt kỷ niệm và những trải nghiệm để chúng tôi biết "sống chậm" khi đang ở nơi ồn ào, biết ồn ào ở nơi "sống chậm".
Thùy Dung đang phân loại quần áo mang đi tình nguyện.
Hoài Anh, thành viên trong nhóm "Yêu vùng cao" chia sẻ: "Việc tận mắt nhìn thấy đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn vất vả làm chúng tôi càng muốn thực hiện nhiều việc tốt hơn cho bản thân mình, để giúp đỡ họ. Nhìn những em bé đi học trên những lớp học bằng lá, chênh vênh trên núi cao... nó mâu thuẫn quá đỗi với những điệu nhảy hippop trên đường phố ồn ào và dance sport trong khán phòng sang trọng. Tôi cho rằng, nếu bạn được chứng kiến tận mắt những cảnh tượng hiện thực hơn hiện thực ấy, bạn sẽ thấy xót xa và muốn biến mình thành Tôn Ngộ Không, có nhiều phép lạ để biến tòa nhà bỏ hoang ở phố phường, thành lớp học giá trị cho trẻ em vùng cao."
Mới đây, đội tình nguyện của Lê Thùy Dung đã kêu gọi sự chung sức của các bạn trẻ để cùng nhau mang những món quà ý nghĩa như quần áo, chăn màn, sách vở, mì tôm lên tận bản La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái để giúp người dân nơi đây vơi đi những khó khăn do vụ sập núi gây ra. Thùy Dung tâm sự: Tận mắt chứng kiến gia đình có 7 thành viên, bố mẹ chết, còn 5 đứa con nhỏ, sàn sàn nhau, đứa cười, đứa nói, đứa ngơ ngác không biết cuộc sống của mình sẽ ra sao, tôi tin, nhiều bạn trẻ còn muốn mang tất cả tiền bạc, đồ dùng mình có được để cho các em. Cán bộ xã La Pán Tẩn đã đồng hành với chúng tôi trong suốt chặng đường thiện nguyện. Họ thừa nhận, chính những người trẻ năng động đã mang "hơi ấm" của người miền xuôi lên an ủi phần nào những nỗi đau không may hứng chịu của bà con dân tộc thiểu số.
Thùy Dung bảo, cô và các bạn trong đội đã phải ngồi với nhau rất lâu để phân loại quần áo, và mua thêm thuốc men, mì tôm... và một số nhu yếu phẩm khác nhằm phân phát cho bà con vùng sâu La Pán Tẩn. Và cô cũng mong rằng họ sẽ phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất mát kia.
Làm luận văn về... chương trình tình nguyện
Với mỗi nơi đặt chân đến, những bạn trẻ tình nguyện viên đều mong muốn rằng, cuộc sống của những người dân nơi đây sẽ bớt khó khăn hơn. Những bóng áo xanh tình nguyện nơi vùng sâu, vùng xa ấy luôn là niềm an ủi của những số phận nghèo, vì họ mang "văn hóa" dạy những người dân biết chữ, biết đọc, có áo ấm, thuốc men. Ngoài việc được đi và biết thêm những vùng đất lạ, họ còn học được cách quan tâm đến cộng đồng với những nỗi đau mang tính thời sự.
Chi Mai (Khoa xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết: "Em đã 3 lần đi tình nguyện lên vùng cao để giúp đỡ bà con nghèo. Hai lần đầu là đi theo chương trình “Sinh viên tình nguyện”, lần gần đây là đi tình nguyện cùng nhóm bạn thân lên Hà Giang theo chương trình "Vùng cao có áo ấm". Mỗi lần đi tình nguyện là em thấy mình lớn hơn, biết cách sống đẹp và quan tâm đến người xung quanh hơn. Nếu được duyệt đề tài, trong bài luận văn sắp tới, em sẽ làm về đề tài "Cách nhìn của giới trẻ về công tác tình nguyện" để phong trào này sẽ được nhân rộng khắp nơi".
Cao Lâm (Phố Nguyễn An Ninh - Hà Nội) cho biết: "Có lần chúng em đi tình nguyện ở một bản cách TP. Điện Biên Phủ 120km, đi bộ 3 tiếng mới vào đến bản. Ở đây là một thế giới khác biệt so với nông thôn và tách biệt so với phố phường. Trẻ con không có quần áo mặc, suốt ngày chạy lông nhông ngoài rừng, mùa đông lạnh buốt mà nhìn chúng co ro, trong đoàn không ai cầm được nước mắt. Không ai bảo ai, mọi người đều bỏ bớt áo của mình ra để các em ấy mặc. Sau chuyến đi ấy, cứ 3 tháng một lần, chúng tôi lại quyên góp quần áo cũ, sách cũ, chăn màn mang lên cho các em".
Vẫn còn nhiều lắm những phong trào tình nguyện "Mùa đông ấm", "Ấm áp cho em" và các chương trình tình nguyện khác mà giới trẻ đã, đang và sẽ làm cho đồng bào vùng cao. Họ thiết tha với lý tưởng "sống đẹp, sống có ích" để cuộc đời này thêm nhiều ý nghĩa, Thùy Dung giãi bày, làm tình nguyện cũng chính là cách rèn luyện bản thân mình. Có đến những vùng khó khăn, còn nhiều vất vả mới biết mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Sống đẹp không phải là cách sống cho mình mà là cách sống vì mọi người".
Lạc Thành