Thú sưu tập tem tưởng như chỉ có nhiều người lớn tuổi tham gia song tại Triển lãm tem Bưu chính Quốc gia (Vietstampex 2020), nhiều bạn trẻ lứa tuổi Gen Z lại có mặt từ sớm để xem triển lãm tem lớn nhất từ trước tới nay, đến từ nhiều nhà sưu tập tem trên khắp cả nước.
Giới trẻ xem triển lãm tem
Ngô Anh Quân và Thảo Nguyên, cùng học tại Trung học phổ thông Quang Trung đang được nghỉ hè nên cùng đến xem triển lãm. Hai bạn trẻ thích thú ngắm các khung tem được trưng bày tại đây. Hai bạn đến vì tò mò khi được cô giáo dạy văn - người có hai con trai đam mê sưu tập tem - gợi ý các học sinh đến khám phá.
"Chúng em chưa bao giờ tìm hiểu về tem nhưng đến đây thấy sưu tập tem rất hay, độc đáo", Thảo Nguyên nói. Nguyên ấn tượng với bộ sưu tập "Trẻ em - mầm xanh tương lai" của nhà sưu tập Lê Quốc Việt, đến từ Hội tem Bình Dương. Hai bạn cũng cho biết sẽ tìm hiểu thêm về phong trào sưu tập tem trong tương lai.
Trong khi đó, Minh Anh, sinh viên Đại học văn hóa Hà Nội đến sự kiện một mình. Minh Anh chỉ mới bắt đầu quan tâm đến tem 2 năm trở lại đây, sau khi được giảng viên dạy văn hóa giới thiệu nên cũng chưa sưu tập được nhiều tem.
Điều ngạc nhiên nhất với Minh Anh là việc sưu tập tem được thực hiện công phu. "Xem bộ sưu tập tem giống như đọc một câu chuyện. Tại mỗi khung tem, người sưu tập đều có chú thích và diễn giải lại nội dung của từng con tem, bì thư, từ năm sản xuất đến ý nghĩa hình ảnh xuất hiện", bạn trẻ nói. Minh Anh đọc được nhiều câu chuyện về văn hóa khi đến với triển lãm tem. Do quy mô triển lãm lớn, Minh Anh cho biết 2 ngày sẽ còn quay lại vì triển lãm được tổ chức trong 3 ngày liên tiếp. Bạn cũng cho biết sau triển lãm, sẽ nghiêm túc hơn với việc sưu tập tem.
Tại triển lãm lần này, Minh Anh ấn tượng với bộ "Các phát kiến địa lý vĩ đại" của nhà sưu tập Đặng Đức Huy, đến từ Hội tem Tp.HCM. Tem trong bộ sưu tập thể hiện loạt hành trình khám phá ra vùng đất mới, như "Người Tây Ba Nha chinh phục Trung và Nam Mỹ", "Các cuộc phát kiến tại Châu Mỹ sau Columbus", "Christopher và con tàu Maria", "Magellan khám phá Philippines và di sản để lại"…
Còn Lan Hương, một sinh viên năm 2 Học viện Ngoại giao, đến triển lãm cùng ông nội, cho biết bạn là người duy nhất ở lớp có niềm yêu thích với tem. "Em bắt đầu có niềm thích thú với tem từ cấp 2 do ông nội cũng là một người thích chơi tem", Hương nói. Hương cho biết ông nội hàng tuần vẫn đều hẹn các "bạn tem" để cùng bàn luận về sở thích này nhưng hội của ông đều là người lớn tuổi.
"Ở lứa tuổi của em không có nhiều bạn thích chơi tem", Hương nói thêm. Thỉnh thoảng Hương có mang tem của ông nội đến lớp, song các bạn cũng chỉ dừng lại ở mức thích thú, không có nhiều bạn muốn theo con đường sưu tập. Bản thân Hương cũng chủ yếu được ông tặng tem chứ chưa thực sự sưu tập.
"Sưu tập tem không đơn giản"
Bộ sưu tập khiến Hương dành thời gian dừng lại lâu nhất là về sự hình thành giai cấp công nhân. Đây là bộ có 5 khung, 16 trang A4, tổng là 80 trang, khoảng 90 bì thư thực gửi và 400 tem.
Bộ tem được mang từ Tp.HCM ra Hà Nội triển lãm là của nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc, người đã chơi tem hơn 5 thập kỷ, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội tem Tp.HCM. Đây là lần đầu tiên bộ sưu tập được trưng bày và tham gia triển lãm cấp Quốc gia.
Khi hội tem phát động cho các hội viên chuẩn bị triển lãm, ông Lộc đã hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để kịp đưa ra Hà Nội triển lãm, nhằm giới thiệu cho cộng đồng sưu tập tem như một thú vui lành mạnh, ý nghĩa để mọi người có dịp bổ sung kiến thức, phát hiện mới liên quan đến vật phẩm bưu chính. Bộ tem được nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc ấp ủ trong hơn 5 năm nhưng chỉ bắt tay hoàn thiện cách đây 2 năm.
"Quá trình thực hiện, tôi nhận được sự giúp đỡ của bạn bè để có đủ những vật phẩm cần thiết, gồm tem, bì thư thực gửi. Qua bộ tem, tôi viết lại câu chuyện sự hình thành giai cấp công nhân, vai trò của họ khi là lòng cốt trong nhiều cuộc chiến của đất nước và họ góp phần đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam, giai cấp công nhân luôn đi đầu và là những người có trách nhiệm cao, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng bảo vệ tổ quốc", ông Lộc nói.
Với ông Lộc, khó khăn nhất khi sưu tập là những bì thư có gắn tem đều ở giai đoạn trước năm 1960. Hàng chục năm trôi qua, việc tìm những bì thư không đơn giản.
Có nhiều bì thư rất hiếm. Ông Lộc chỉ ra một bì thư thực gửi, được gửi năm 1958 từ Hà Nội đến Cộng hòa Dân chủ Đức, dán 6 tem bưu chính với giá cước là 660 đồng vào thời điểm đó. Trên bì thư có chuyến xe lửa đầu tiên, sau khi khôi phục đường sắt nối liền Trung Quốc, còn có nhà máy Trần Hưng Đạo... Ông Lộc không chỉ tìm tem mà phải tìm cả những bì thư thực gửi dán tem liên quan tới các công nhân. Với những tem quý, hiếm, khó tìm như vậy, việc tìm được với ông Lộc là cơ duyên, may mắn.
Ông Lộc lưu ý có những con tem trong các bộ sưu tập bị in xấu, lệnh, trong mắt mọi người thường chỉ là một mảnh giấy bị hỏng nhưng đối với người chơi tem lại có giá trị. Ông Lộc chỉ ra một con tem có hình ảnh thương binh đang tiến hành sử dụng máy tiện. "Đây là bản in thử trước khi in chính thức mẫu tem. Bản in thử thường bị huỷ bỏ, thường mà có những bản in thử như vậy thì rất khó tìm", ông nói.
Người trẻ có thích chơi tem?
Trước vấn đề Gen Z thường không thích chơi tem, Phó Chủ tịch Hội tem Tp.HCM cho biết hiện là thời đại khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, đặc biệt về công nghệ thông tin. "Chúng ta chỉ cần bấm điện thoại, cách xa nửa vòng trái đất là có thể liên lạc ngay tức khắc", ông nói.
Công nghệ thông tin đã có bước nhảy vọt, tuy nhiên, ông Lộc cho rằng nếu nhìn lại 30 năm trước, để gia đình có thể biết thông tin nhau, người ở hậu phương biết thông tin người trên tiền tuyến, những sinh viên xa nhà muốn thông báo tin tức cho gia đình… đều nhờ có mạng lưới bưu chính.
Việc gửi thư qua bưu chính hiện đã được tinh giản. Tuy nhiên, một mẫu tem bưu chính nếu xem kỹ, không chỉ đơn giản là thanh toán cước phí bưu chính mà còn là hình ảnh quốc gia, có thể nhìn thấy lịch sử đất nước, con người Việt Nam với những nét văn hóa, lễ hội, danh lam thắng cảnh, nhân vật lịch sử… được ghi nhận công lao trên tem bưu chính, ông Lộc cho hay.
"Tem bưu chính không chỉ là công cụ về thanh toán cước phí mà còn là thú sưu tập. Nhiều người đến với tem bưu chính là niềm vui, giải trí. Đây là đam mê nhưng cũng phải có thêm kiến thức, dành thời gian, công sức để thực hiện mỗi bộ sưu tập", ông nói.
Nhà sưu tập tem hơn 5 thập kỷ cho biết giới trẻ có nhiều thú vui để giải trí, vì vậy việc lựa chọn sưu tập tem như thú vui cá nhân không nhiều trong xã hội. Để làm được một bộ sưu tập cần nhiều thời gian, công sức, và tiền bạc. Tuy nhiên, với các bạn trẻ thì còn phải đi học, thành ra phải dành thời gian cho việc học là chính.
Để sưu tập tem, ông Lộc lưu ý các bạn trẻ có thể đi từ bước đầu là sưu tập tem về những điều các bạn yêu thích: danh nhân lịch sử, địa danh du lịch nổi tiếng, các loại trái cây… Trong lúc thực hiện đề tài, các bạn trẻ có thể làm những trang tem bưu chính, không cần làm khung lớn mà chỉ cần làm một trang A4, trong trang đó chính bày câu chuyện về tem.
Nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc cũng cho biết các Hội tem có thể tổ chức các cuộc thi cho học sinh cấp 2 về sưu tập tem bưu chính. Với học sinh cấp 3, giới thiệu cho các em có khái niệm trong đầu về sưu tập tem… để khi các bạn trẻ có điều kiện thời gian, tài chính, nếu đủ đam mê sẽ đến với việc thực hành sưu tập. "Đây là nhiệm vụ của hội tem Thành phố cũng như tất cả các địa phương trên cả nước để tiến đến để quảng bá thú vui sưu tập này", ông Lộc nói.
Ông Lộc cho biết bản thân cũng có cháu, dù nhỏ tuổi, không biết chữ và chưa biết rõ về tem nhưng ông đã có sự chuẩn bị. "Tôi cũng không gọi đó là đầu tư, chỉ là mỗi lần có bộ tem mới được phát hành, tôi đều chuẩn bị những bì thư thực gửi, có dán tem và ghi tên các cháu. Thứ nhất, đây là món quà kỷ niệm của người ông. Thứ 2, đây là vật phẩm có giá trị thời gian", ông nói.
Ông Lộc cũng chuẩn bị các bộ sưu tập tem về khủng long, các loại thú, tề thiên đại thánh, múa lân, múa rồng… theo đúng sở thích của mỗi cháu. Qua những vật phẩm bưu chính, ông hướng dẫn các cháu đến với thú chơi tem, để kế thừa di sản của ông.
Ngày 24/6, Triển lãm Tem bưu chính quốc gia (VietStampex 2020) với chủ đề "Việt Nam hội nhập và phát triển" đã khai mạc tại Hà Nội. Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Hội Tem Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Theo kế hoạch, triển lãm diễn ra vào năm 2020, tuy nhiên, do gặp khó khăn do dịch Covid-19 nên năm 2022 mới có thể tổ chức. Vietstampex 2020 sẽ được tổ chức trong 3 ngày, ngày từ 24/6 đến hết ngày 26/6 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết VietStampex 2020 là triển lãm tem lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam với với 120 bộ tem và 500 khung tem.
"Triển lãm không chỉ có các nhà sưu tập tem lão thành tham gia mà còn thu hút đông đảo những người sưu tập tem trẻ tuổi. Những bộ sưu tập tem tham gia dự thi và trưng bày có sự gia tăng về số lượng và tiến bộ về chất lượng trên mọi bình diện kiến thức, thẩm mỹ và sự liền mạch trong chủ đề", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Cũng trong sáng 24/6, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phát hành bộ tem "Biển, đảo Việt Nam: Chim biển, đảo", nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tuyên truyền công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam, đồng thời góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trên các mặt trận đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.