Ký ức về cuộc chạy trốn kinh hoàng
Cách trung tâm thành phố Puerto gần 20km về phía Tây Bắc, ngôi làng với diện tích 13ha được thành lập từ năm 1996. Theo lời kể của ông Victor, tài xế xe Transcycle (một loại xe giống xe lam), ngày trước ngôi làng này sầm uất lắm, có đến hàng nghìn người với hàng trăm mái nhà. Trong làng còn có cả nhà thờ, chùa chiền. Nhưng khoảng 8 năm trở lại đây, nhiều người đã di cư đi nơi khác nên ngôi làng trở nên vô cùng vắng vẻ. Đúng như lời ông Victor, chúng tôi cảm nhận được sự ảm đạm khi đặt chân đến đây. Khu trung tâm của làng được bài trí như một khu phố thu nhỏ với những con đường được mang tên đầy hoài hương như đường Âu Cơ, Hùng Vương, Hồng Bàng... nhưng tất cả đã bạc màu. Những căn nhà gỗ được xây dựng ngăn nắp nhưng chỉ một vài trong số đó là có người ở, còn lại bị bỏ hoang.
> Đọc thêm: Vượt biên tìm 'miền đất hứa': Hành trình hơn 700 ngày trốn chạy
Anh Trần Minh Dũng luôn mong muốn được trở lại thăm quê.
Đầu đường vào làng là nhà hàng VietVille chuyên phục vụ cho khách vãng lai. Nơi đây còn có một nhà thờ nhỏ mà dân làng vẫn đến để hành lễ hàng tuần. Ngay cạnh nhà thờ là một tấm bảng ghi lại những hình ảnh, thông tin bằng tiếng Việt về ngày đầu lập làng. Lang thang trong làng, chúng tôi gặp một người đàn ông tên Tiến. Trò chuyện một hồi, chúng tôi biết được anh từ Việt Nam sang để trông nom nhà thờ. Theo anh Tiến, hiện trong làng chỉ còn hơn 30 người sinh sống, trong đó có bốn người vượt biên còn sót lại. Họ chưa được cấp giấy cho sang nước thứ 3, không có hộ chiếu hay bất kỳ một loại giấy tờ tùy thân nào. Để minh chứng, anh Tiến gọi anh Trần Minh Dũng, một trong 4 người Việt vượt biên còn lại ở Palawan đến tiếp chuyện khách. Trong câu chuyện, anh Dũng cho biết quê anh ở Tuy Hòa, Phú Yên. Anh đã vượt biên sang đây được 24 năm và đó cũng là quãng thời gian đầy thăng trầm ở nơi xứ người mà anh phải đối diện.
Cuộc đời của một chàng trai mang bên mình bao mộng ước bước vào cánh cửa đại học bắt đầu rẽ sang lối khác. Nửa đêm, khi tất cả chìm trong bóng tối, cơn mưa phùn mang theo hơi lạnh từ biển tràn vào, con thuyền gỗ không đèn lầm lũi ra khơi. Con thuyền định mệnh đưa anh rời quê hương xuất phát từ cảng Đại Lãnh dưới chân Đèo Cả (hiện thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Đó là đêm cuối cùng anh được nhìn thấy mảnh đất thân yêu để rồi 24 năm sau vẫn đau đáu nhớ về cố hương.
Đưa tay lau giọt nước mắt chảy trên gò má, anh Dũng kể tiếp, khi thuyền ra xa, tôi mới biết trên thuyền có đến 90 người. Hơn 60 người cả phụ nữ và trẻ em bị nhốt dưới hầm thuyền, chịu đựng cảnh ngột ngạt, trong khi con thuyền chòng chành như muốn lật nghiêng mỗi khi có sóng lớn. Những lúc như vậy, tất cả chỉ biết cầu nguyện. "Hơn 10 ngày, chúng tôi phải sống trong cảnh thiếu nước uống, thiếu đồ ăn, không tắm gội. Những ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi chỉ mong trời mưa để có nước uống. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn cảm thấy ghê người", anh Dũng hồi tưởng.
Gần 8 năm sống vật vờ trong trại tị nạn, đến khi trại bị xóa sổ, những người Việt còn lại được tập trung về sống tại ngôi làng này. Năm 1996, khi làng người Việt được xây dựng, ai có gia đình thì được xây cho một căn nhà nhỏ, còn những người độc thân thì sống chung trong những căn nhà nhiều phòng. Cùng năm đó, anh Dũng lên thủ đô Manila làm nghề kinh doanh nhỏ bên vỉa hè và đã được gặp vợ mình, một cô gái Philippines nghèo. Đến nay họ đã có với nhau 5 người con.
Con đường vào làng người Việt ngoại ô Puerto Princesa.
Cái giá quá đắt cho quyết định sai lầm
Chưa dứt câu chuyện với anh Dũng, anh Tiến đã dẫn một người đàn ông đứng tuổi bước vào, giới thiệu là Nguyễn Đình Nhân, người sống lâu nhất ở đây với gần 30 năm. Người đàn ông sinh năm 1963, quê ở thành phố Nha Trang - Khánh Hòa nhớ lại: Ngày ở quê, ông mưu sinh bằng nghề đi biển. Năm 1984, nghe theo lời hứa hẹn, ông đã lên tàu ra đi mặc cho người thân khuyên can. Chuyến đi của ông dự tính có khoảng 120 người nhưng do bị công an phát hiện nên chỉ có hơn 30 người đi trót lọt. Do là người đi biển chuyên nghiệp nên sau 6 ngày vượt biên, thuyền của ông đã đến được Philippines và sau đó được đưa về Palawan. Rời trại tị nạn sang sinh sống tại làng người Việt, ông Nhân vẫn giấu trong mình một nỗi niềm riêng. Gần 30 năm sống cô quạnh, không gia đình, không vợ con, ông Nhân mới thấy thấm thía cái giá phải trả cho những quyết định sai lầm.
Không nói nhiều về mình, ông Nhân kể về một người Việt cùng cảnh ngộ tên là Phong. Hiện ông Phong đang ở nhà thương điên tại thành phố Mandaludu do bị thần kinh từ ngày chạm chân sang đất Philippines. Nguyên nhân căn bệnh của ông Phong là do phải chứng kiến quá nhiều người chết trên đường vượt biên, trong đó có vợ con ông. Chiếc thuyền có hơn 100 người nhưng sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển do mất phương hướng, gặp mưa bão, chỉ còn ba người sống sót và ông Phong là một trong số đó. Về đến trại tị nạn, ông Phong bị trầm cảm, cười khóc vô thức. Sống tại làng người Việt, mỗi khi nhìn cảnh gia đình bạn bè vui vẻ, ông lại phát điên gọi tên vợ con. Đến một ngày, ông phát bệnh nặng, đập phá khắp nơi, gào thét cả đêm buộc người ta phải đưa vào trại thương điên.
Khi ước mơ đã tắt
Với một số người ở làng người Việt ngoại ô Puerto Princesa, ước mơ tìm kiếm chân trời mới dường như đã tắt. Bằng lòng với cuộc sống thực tại, họ đang cố gắng tìm cách mưu sinh, sống nốt phần đời còn lại nơi đất khách quê người. 24 năm qua, anh Trần Minh Dũng luôn đau đáu nỗi niềm được về thăm lại quê hương, nơi đó có cha mẹ và anh chị em của anh.
"Tị nạn là hai chữ đeo đuổi suốt cuộc đời tôi. Nhục nhã lắm khi là người ở nhờ. Đó là hậu quả của một thời khắc bồng bột không thể nào quên", anh Dũng tâm sự. May mắn là 5 người con của anh theo quốc tịch của mẹ nên được đi học đầy đủ. Chỉ ngặt nỗi, chi phí học hành ngày càng cao đã trở thành gánh nặng lớn đối với vợ chồng anh. Nghề chính của anh hiện nay là làm thông dịch viên tại các phiên tòa liên quan đến người Việt ở Philippines. Ngoài ra, anh Dũng còn được đào tạo chuyên ngành về du lịch. Anh có thể nói thạo 3 thứ tiếng là tiếng Việt, Philippines và tiếng Anh. Vì thế, anh đang có dự định làm hướng dẫn viên du lịch cho khách Việt Nam khi đến Palawan. Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Đình Nhân nghẹn ngào: "Gần 30 năm xa quê, hiện nay cha mẹ đã mất, tôi chỉ mong một lần được trở lại quê, thắp cho cha mẹ một nén nhang. Với tôi, cuộc đời dường như đã khép lại kể từ khi được đưa vào trại tị nạn và bị từ chối sang nước thứ 3".
Cả anh Dũng và ông Nhân cho biết, người của Đại sứ quán Việt Nam đã có lần hướng dẫn họ làm một số thủ tục để có thể trở về quê hương. Nhưng trong họ, dường như vẫn còn mang nặng sự mặc cảm, tự ti.
Phóng sự của Kông Lý