Những nhân vật chủ chốt trong vụ án Bạc Hy Lai

Những nhân vật chủ chốt trong vụ án Bạc Hy Lai

Thứ 5, 22/08/2013 13:50

Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh - Trung Quốc, hôm nay (22.8) đang phải đứng trước tòa và đối mặt với bản án về tội hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Vụ bê bối liên quan đến ông Bạc bắt đầu vỡ lở từ năm ngoái và bức màn bí ẩn cùng một số nhân vật đứng đằng sau được hé lộ.

Neil Heywood

Cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood là trung tâm của vụ bê bối.

Ông Heywood sinh năm 1970, sống ở Trung Quốc từ đầu những năm 1990. Ông này là một nhà tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Trung Quốc, cũng như thành lập một số công ty.

Neil Heywood kết hôn với một phụ nữ Trung Quốc tên Wang Lulu, có 2 con.

Trong khi sống ở thành phố cảng Đại Liên vào giữa những năm 1990, Neil Heywood gặp gỡ thị trưởng - lúc bấy giờ chính là Bạc Hy Lai và vợ của ông ta - Cốc Khai Lai. Đến năm 2007, ông Bạc được bổ nhiệm là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.

Bản chất mối quan hệ giữa Neil Heywood với ông Bạc, bà Cốc là không rõ ràng, song doanh nhân người Anh này được mô tả trong một số báo cáo như một người trung gian về vấn đề tài chính.

Neil Heywood được phát hiện đã chết vào ngày 15.11.2011 tại một khách sạn ở Trùng Khánh. Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đã đến lãnh sự quán Anh tại thành phố này tiết lộ nguyên nhân thực về cái chết của Neil Heywood.

Do đó, cái chết của doanh nhân này được lật lại. Bà Cốc Khai Lai cùng trợ lý (Trương Hiểu Quân) bị kết án hồi tháng 8.2012 với tội danh giết người vì đầu độc Neil Heywood vì "xung đột kinh tế".

Cốc Khai Lai

Người vợ thứ hai của chính trị gia ngã ngựa họ Bạc - Cốc Khai Lai, là một luật sư nổi tiếng, có cha là một lão thành cách mạng.

Bà Cốc học Đại học Bắc Kinh, sau đó mở công ty luật mang tên bà tại Bắc Kinh. Thông thạo tiếng Anh, bà từng viết một cuốn sách "Giành thắng lợi trong vụ kiện ở Mỹ" nói về cuộc chiến pháp lý mà bà là luật sư Trung Quốc đầu tiên thắng kiện tại một tòa án Mỹ.

Bà Cốc và ông Bạc từng là một cặp vợ chồng quyền lực nhất Trung Quốc.

Bà Cốc bị xét xử vào ngày 9.8.2012 với tội danh giết người. Một quan chức tòa án cho biết bà Cốc đổ lỗi cho hành động của mình là do "suy sụp về tinh thần".

Ngày 20.8.2012, bà Cốc chính thức bị kết án song được hưởng án tử hình treo.

Bạc Hy Lai

Bạc Hy Lai từng là chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc. Họ Bạc là con trai của một nhà lãnh đạo Trung Quốc thời kỳ đầu cách mạng. Ông giữ chức thị trưởng Đại Liên, sau đó là Bộ trưởng Thương mại, trước khi trở thành Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.

Trong thời gian giữ chức Bí thư Trùng Khánh từ năm 2007-2012, Bạc Hy Lai nổi tiếng khi phát động hai chiến dịch trấn áp tội phạm rất mạnh tay. Các chính sách cứng rắn của ông nhận được sự ủng hộ của phe cánh tả đang khao khát một lãnh đạo có sức lôi cuốn, cũng như nhiều người dân.

Nhiều người tin rằng ông Bạc đang xúc tiến để bước chân vào Bộ Chính trị hồi năm 2012. Tuy nhiên, họ Bạc đã "ngã ngựa" vào ngày 15.3.2012 và chờ bị đưa ra xét xử với 3 tội danh hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ông đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 3 năm ngoái.

Sáng nay (22.8), vào 8h30' (giờ địa phương), Bạc Hy Lai bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.

Tiêu điểm - Những nhân vật chủ chốt trong vụ án Bạc Hy Lai
Những nhân vật chủ chốt trong scandal Bạc Hy Lai.

Bạc Qua Qua

Bạc Qua Qua, 25 tuổi, là con trai của ông Bạc Hy Lai và bà Cốc Khai Lai.

Bạc Qua Qua từng học tại trường tư đắt giá nhất nước Anh - Harrow, trước khi theo học tại trường Đại học Oxford và sau đó là Harvard - hai trường hàng đầu nước Mỹ.

Bạc Qua Qua được mô tả là một trong những "thái tử đỏ" của Trung Quốc. Hình ảnh cậu ấm này ăn chơi tại Mỹ tràn ngập trên các trang web, dẫn đến nhiều lời chỉ trích từ trong nước về lối sống suy đồi.

Truyền thông Trung Quốc đã chỉ ra mối quan hệ tốt đẹp giữa Bạc Qua Qua, bà Cốc Khai Lai và Neil Heywood. Tuy nhiên, họ "có xung đột về lợi ích kinh tế".

Bạc Qua Qua đang theo học tại Mỹ giữa lúc bê bối nhấn chìm gia đình quyền lực của cậu. Nhưng là một sinh viên ngành luật tại Đại học Columbia ở New York, Bạc Qua Qua tuyên bố sẽ bảo vệ cha mẹ của mình.

Vương Lập Quân

Vương Lập Quân từng là Giám đốc Công an và phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh. Ông này đã chạy vào lãnh sự quán Anh ở Thành Đô, gần Trùng Khánh vào ngày 6.2.2012 để tố cáo về vụ sát hại doanh nhân Neil Heywood.

Họ Vương khởi đầu sự nghiệp thực thi pháp luật của mình hồi năm 1984 tại khu tự trị Nội Mông trước khi chuyển đến Trùng Khánh vào năm 2008.

Vương Lập Quân nối tiếng là "bàn tay sắt" đối với tội phạm có tổ chức, thậm chí còn trở thành nhân vật trong một bộ phim truyền hình.

Ngày 2.2.2012, chính quyền thành phố Trùng Khánh đã thuyên chuyển họ Vương sang một công việc khác sau tiết lộ liên quan đến gia đình họ Bạc.

Vương Lập Quân chính thức bị khai trừ khỏi Đảng vào tháng 4 năm đó vì chuyến đến lãnh sự quán Anh được coi là một "sự cố nghiêm trọng gây hậu quả xấu".

Ngày 5.9.2012, Vương Lập Quân bị kết tội đào tẩu, lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ. Sau phiên xét xử kéo dài 2 ngày, Vương Lập Quân bị kết án 15 năm tù kể từ ngày 24.9.

Truyền thông Trung Quốc cho hay họ Vương đã "bẻ cong pháp luật" bằng cách chỉ đạo một tay chân thân tín điều tra về cái chết của Neil Heywood vì biết Cốc Khai Lai là nghi can chính và che giấu băng ghi âm thừa nhận tội của bà Cốc.

Trương Tiểu Quân

Trương Tiểu Quân bị kết án cùng với Cốc Khai Lai về tội giết người có chủ ý.

Họ Trương được coi là "người giúp việc" trong nhà Bạc Hy Lai, theo Tân Hoa xã ngày 18.4.2012.

Tại phiên tòa ngày 26.7.2012, Trương Tiểu Quân thừa nhận đã tham gia vào vụ giết doanh nhân Neil Heywood. Tại tòa, Trương muốn gửi lời tạ lỗi đến thân nhân của doanh nhân này.

Patrick Devillers

Kiến trúc sư người Pháp Patrick Devillers, người sống ở Campuchia đến năm 2012, được cho là có mối quan hệ với ông Bạc và bà Cốc.

Kiến trúc sư 52 tuổi này được cho là đã gặp vợ chồng họ Bạc vào những năm 1990 khi ông này sống ở Đại Liên cùng vợ. Báo cáo cho hay kiến trúc sư này đã quy hoạch đường phố Đại Liên khi Bạc Hy Lai là thị trưởng thành phố này.

Vào tháng 8.2012, Devillersbị bắt tại Campuchia theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Sau đó, ông này tự nguyện bay sang Trung Quốc vào ngày 17.7.2012 để làm chứng trong vụ án Neil Heywood.

Trước khi đến Trung Quốc, Devillers thực hiện một video mà dường như là một cuộc phỏng vấn với các quan chức Campuchia để nói rằng ông thực hiện mọi việc hoàn toàn tự nguyện.

Tin tức trên các phương tiện truyền thông cho hay Devillers có dính dáng đến ngôi biệt thự triệu đô tại Pháp - hiện có thể là trung tâm trong cáo buộc chống lại Bạc Hy Lai.

Xu Ming (Từ Minh)

Năm 2005, tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Xu Ming là người giàu thứ 8 Trung Quốc. Ông này tích lũy được khối tài sản hoành tráng của mình tại Đại Liên - nơi Bạc Hy Lai làm thị trưởng từ năm 1993-2001. Xu Ming là Chủ tịch của Dalian Shide Group - một tập đoàn thu lợi trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 3.2012, Xu Ming "biến mất" gần như cùng thời điểm họ Bạc ngã ngựa. Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức giấu tên cho rằng Xu Ming cũng đang bị điều tra.

Hướng điều tra có thể tập trung vào ngôi biệt thự tại Pháp. Chính quyền Trung Quốc cho rằng ngôi biệt thự này là Xu Ming "tặng" cho gia đình họ Bạc, theo tờ New York Times.

Feng Jiang Dolby (Khương Phong Dolby)

Feng Jiang Dolby là một cựu phóng viên thường trú tại Anh của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV. Cô này là nữ quản gia ngôi biệt thự bí mật tại Pháp của Bạc Hy Lai, theo tờ Telegraph. Dolby kết hôn với một người quốc tịch Anh.

Zhou Yongkang (Chu Vĩnh Khang)

Zhou Yongkang, 70 tuổi, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, được coi là người cố vấn của Bạc Hy Lai. Nhiều tin đồn cho rằng ông này cũng đang bị điều tra trong cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này sau khi họ Bạc ngã ngựa.

Theo BBC

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.