Những nội dung dự kiến được sửa đổi của Luật Doanh nghiệp 2020

Những nội dung dự kiến được sửa đổi của Luật Doanh nghiệp 2020

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 6, 03/09/2021 19:00

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản trị, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp 2020 dự kiến được sửa đổi.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi lấy ý kiến về đề nghị sửa đổi một số quy định của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đầu tư, Luật thế thu nhập doanh nghiệp và Luật Nhà ở.

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản trị, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp 2020 dự kiến được sửa đổi.

Về công bố thông tin báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp nhà nước

Thứ nhất, điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp nhà nước phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu những thông tin sau đây: “Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập; thời hạn công bố phải trước ngày 31/7 hằng năm; bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có)”.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, khoản 1 Điều 33 Luật Kế toán và Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011, các doanh nghiệp nhà nước chỉ phải kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính hằng năm; không quy định doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm.

Thứ hai, trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ không thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm, chỉ có một số công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuê tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm.

Việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin định kỳ đối với báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán theo các quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp trong việc thuê các đơn vị tư vấn thực hiện kiểm toán báo cáo trước khi công bố.

Với khoảng 1.000 doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp có thể gián tiếp làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước hằng năm do toàn bộ khối doanh nghiệp có thể mất chi phí nhiều tỷ đồng để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm trước.

Thứ ba, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi xin ý kiến các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh về bất cập trong thực tiễn triển khai các quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp đều kiến nghị không bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp để phù hợp với quy định hiện hành và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do nội dung này đã được quy định tại Luật nên Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ hướng dẫn một số quy định tại Luật Doanh nghiệp đã kế thừa các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện công bố báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán theo đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp.

Thứ tư, từ thời điểm triển khai thực hiện các quy định nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được rất nhiều kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp quy mô lớn thuộc mô hình công ty mẹ - công ty con thuộc Trung ương và các công ty độc lập quy mô nhỏ thuộc địa phương) về sự chồng chéo, không thống nhất về nội dung yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm giữa Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp và Luật số 69/2014/QH13.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả những doanh nghiệp quy mô nhỏ, thực hiện nhiệm vụ công ích, cung cấp dịch vụ thủy lợi, thủy nông… (hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận) phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm thực sự không cần thiết do doanh nghiệp đã phải thực hiện báo cáo kiểm toán hằng năm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp.

Nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp theo hướng theo hướng báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.

Xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

Khoản 5 Điều 217 Luật Doanh nghiệp quy định: “Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh”.

Các nội dung tại khoản 5 Điều 217 nêu trên được kế thừa quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trước hết phải là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp.

Triển khai hướng dẫn Luật Doanh nghiệp năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Nghị định này đã quy định doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc bộ Quốc phòng, Bộ Công an, không bao gồm doanh nghiệp là công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, một số doanh nghiệp được Bộ Quốc Phòng giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng sở hữu 100% vốn điều lệ. Tại thời điểm trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp này đã được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (thông qua công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty).

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, do không thuộc đối tượng được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp này không được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh dẫn đến gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế chính sách hiện hành khi hạch toán chi phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang thực hiện sắp xếp doanh nghiệp thuộc Bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 80/TTg-ĐMDN ngày 01/10/2017 theo hướng tổ chức lại các doanh nghiệp thuộc Bộ để hình thành mô hình công ty mẹ - công ty con; trong đó dự kiến công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; các công ty con hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực tiếp sở hữu và vận hành các dây chuyền sản xuất vũ khí, trang thiết bị quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh… Dự kiến sau khi hoàn thành sắp xếp doanh nghiệp theo phương án này, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ không thuộc đối tượng được áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo các quy định hiện hành.

Do đó, cần thiết nghiên cứu, sửa đổi khoản 5 Điều 217 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, khoản 6 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mục đích của quy định này là đảm bảo xác định đúng đối tượng là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn.

Việc tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông

Theo quy định tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp thì điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua dựa trên tỷ lệ số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.

Việc xác định cổ đông dự họp lại chưa được quy định rõ. Thực tế xảy ra trường hợp cổ đông đã đăng ký và có tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông nhưng bỏ về giữa chừng hoặc không bỏ phiếu vào hòm phiếu hoặc không biểu quyết trực tuyến. Điều này dẫn đến vướng mắc trong việc xác định số cổ đông dự họp để tính tỷ lệ số phiếu biểu quyết theo quy định tại Điều 148 nêu trên.

Mặc dù chỉ là vấn đề kỹ thuật song vướng mắc nêu trên lại đang gây cản trở lớn đến việc thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Theo thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì cả nước hiện có 237.679 công ty cổ phần đang hoạt động và vướng mắc này có thể gặp phải ở bất cứ công ty cổ phần nào.

Từ đó, dự thảo Luật đã sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định số cổ đông dự họp để tính tỷ lệ số phiếu biểu quyết.

Cụ thể, nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông biểu quyết tại cuộc họp tán thành.

Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Ký biên bản họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị

Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 và khoản 2 Điều 158 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị tham dự họp ký thì biên bản này có hiệu lực. Điểm e khoản 2 Điều 60 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định biên bản họp Hội đồng thành viên phải bao gồm họ, tên, chữ ký và nội dung ý kiến của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp (nếu có).

Tuy nhiên, trên thực tế, thành viên không đồng ý thông qua biên bản họp thường sẽ không hợp tác, không chịu ký tên vào biên bản họp dẫn đến biên bản không đảm bảo đủ nội dung chủ yếu theo quy định của Luật và không có hiệu lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị trong điều hành, quản trị doanh nghiệp. Đây là điểm nghẽn cần khẩn trương tháo gỡ.

Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 60, 158 Luật Doanh nghiệp.

Cụ thể, sửa đổi điểm e khoản 2 Điều 60 Luật Doanh nghiệp theo hướng bỏ yêu cầu phải có họ, tên, chữ ký của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp trong nội dung biên bản họp.

Sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 60 như sau: Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng thành viên tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng thành viên.

Và sửa đổi khoản 2 Điều 158 Luật Doanh nghiệp như sau: Trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này thì biên bản này có hiệu lực.

Tuệ Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.