Những nốt "trầm" trong cung "thăng" xuất khẩu thủy sản

Những nốt "trầm" trong cung "thăng" xuất khẩu thủy sản

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Thứ 5, 27/01/2022 07:00

Bất chấp khó khăn do dịch bệnh mang lại, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, tạo đà tăng trưởng ấn tượng.

2021 là năm thành công của ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực xuất khẩu thủy sản nói riêng khi đạt mức xuất khẩu ấn tượng, 8,9 tỷ USD.

Lần đầu tiên, kim nghạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt con số kỷ lục

Đại dịch Covid-19 khiến bức tranh kinh tế năm 2021 của Việt Nam khá ảm đạm, hầu hết các lĩnh vực đều tăng trưởng không đạt như kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp lại đánh dấu một năm thành công rực rỡ, vực dậy nền kinh tế vĩ mô.

Việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại nhiều địa phương khiến nhiều nhà máy, công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản chỉ hoạt động cầm chừng với 30-50% công suất, ảnh hưởng lớn đến ngành hàng này. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản quý III năm 2021 giảm 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn vượt qua thách thức, liên tiếp sáng tạo trong sản xuất để đưa kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt nhiều thành tựu to lớn.

Kinh tế vĩ mô - Những nốt 'trầm' trong cung 'thăng' xuất khẩu thủy sản

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất

Quý IV năm 2021 chứng kiến cuộc lội ngược dòng ngoạn mục khi xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 6% so với năm 2020. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, mang về 5,5 tỷ USD, tăng trưởng bình quân từ 4 đến 8,4%. Các mặt hàng còn lại cũng đạt 3,4 tỷ USD.

Đáng lưu ý, xuất khẩu thủy sản sang những thị trường khó tính đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Riêng thị trường Mỹ, thủy sản xuất khẩu Việt Nam đạt con số kỷ lục, 2 tỷ USD với đà tăng giá trung bình từ 10 cho đến 30% và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 23% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Một số thị trường khác như Hàn Quốc, EU, Australia…cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 6; 12 và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ quy định mới, tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu từ 25 lên 50 doanh nghiệp, Nga đang nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng khi thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang nước này tăng trưởng 21%.

Kinh tế vĩ mô - Những nốt 'trầm' trong cung 'thăng' xuất khẩu thủy sản (Hình 2).

Nga đang nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam (ảnh: Cảng biển Novorossiysk)

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP (VASEP.PRO), các hiệp định thương mại tự do (FTA) là đòn bẩy lớn, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Vào dịp cuối năm, nhu cầu các thị trường đều tăng mạnh kéo theo kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trương 6% so với năm 2020, kèm với đó là giá trị xuất khẩu cũng tăng từ 10 đến 30%.

Trợ lực lớn từ chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô linh hoạt

Bên cạnh những nỗ lực của chính các doanh nghiệp sản xuất, thành công của xuất khẩu thủy sản năm 2021 còn đến từ những chính sách hỗ trợ kịp thời và thiết thực của Chính Phủ.

Trong năm 2021, VASEP đã phối hợp với 12 Hiệp hội ngành hàng khác kiến nghị thành công hơn 70% các nội dung vướng mắc tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT 2020.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP ban hành ngày 10/1/2022, hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Chính Phủ tiếp thu và điều chỉnh theo ý kiến đóng góp của VASEP và 12 Hiệp hội ngành hàng khác khi giảm tỷ lệ tái chế bắt buộc từ 70-80% xuống 10-20%, bỏ văn phòng EPR, bỏ quy định cấm nhựa khó phân hủy, giảm thủ tục cấp phép môi trường, tăng ngưỡng quy định vùng nuôi trồng thuỷ sản thuộc danh mục dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường lên 10 lần.

Nhiều nội dung kiến nghị hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 như, ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, tài xế vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí thông quan, giảm lãi suất vay Ngân hàng…cũng được giải quyết.

Kinh tế vĩ mô - Những nốt 'trầm' trong cung 'thăng' xuất khẩu thủy sản (Hình 3).

Trong đó, Nghị định 128/NĐ-CP, ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính Phủ, hướng dẫn phương án chống dịch theo hướng “sống chung với Covid” là điểm sáng lớn nhất, giải tỏa nhiều điểm ngẽn cho doanh nghiệp và người dân.

Với văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 15/3/2021 của Bộ Tài chính, các vướng mắc về áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp thủy sản đã được tháo gỡ, tạo thêm nguồn lực để doanh nghiệp tái đầu tư, sản xuất.

Một vấn đề nữa cũng được Chính Phủ giải quyết trong năm 2021 là các bất cập trong quy định mới về việc ghi nhãn hàng hóa, ghi nhãn điện tử khi Nghị định 111/20201/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa) ra đời, đã loại bỏ nguyên liệu thủy sản ra khỏi danh mục áp dụng, đồng thời cho phép kéo dài thời hạn chuyển tiếp lên đến 2 năm cho các nhãn hàng hóa đã in trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định 111.

Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc gây khó cho thủy sản Việt Nam

2021 là năm chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, 17%. Kim ngạch xuất khẩu chì còn 1,1 tỷ USD.

Đánh giá về điều này, bà  Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP cho rằng, chính sách “Zero Covid” đã gây tác động lớn đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước này. Việc Trung Quốc siết chặt các hoạt động kiểm tra, truy vết vi rút Corona trên bao bì, sản phẩm thủy sản qua tất cả các hình thức nhập khẩu đã gây ách tắc giao thương và thông quan nhập khẩu vào nước này gần như trong cả năm 2021.

Kinh tế vĩ mô - Những nốt 'trầm' trong cung 'thăng' xuất khẩu thủy sản (Hình 4).

Ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) tháng 12/2021 (ảnh: Hữu Thắng)

Một nguyên nhân nữa tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế chung, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến chi phí vận tải, nguyên liệu sản xuất tăng cao, thêm vào đó là các chi phí phòng chống dịch khác. Nhiều địa phương trong nước thực hiện giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khâu vận chuyển và lưu thông hàng hóa, gây ra tình trạng ách tắc cục bộ. Thống kê trung bình cho thấy, cước vận chuyển hàng hóa đường biển đã tăng gấp 4- 10 lần so với thời điểm trước đại dịch.

Bên cạnh đó, các Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, đưa các sản phẩm thủy sản (đông lạnh, chế biến sẵn, hàng khô…) vào danh mục hoạt động kiểm dịch nhập khẩu cũng khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, chịu thêm chi phí không đáng có.

Kinh tế vĩ mô - Những nốt 'trầm' trong cung 'thăng' xuất khẩu thủy sản (Hình 5).

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các Thông tư trên đã khiến quy mô hàng hóa và đối tượng chịu điều chỉnh quá mức cần thiết, 100% sản phẩm thuỷ sản chế biến đều phải chịu kiểm tra (hồ sơ, cảm quan) mà không dựa trên bất kỳ nguyên tắc quản lý rủi ro nào.

Quy định kiểm dịch nhập khẩu hiện hành tạo ra sự khác biệt trong chính quy định kiểm tra sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu và thuỷ sản nhập khẩu của Bộ NNPTNT, khác biệt trong kiểm tra sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.