"Bóng hồng" mưu sinh chốn công trường
Từ thành phố Sơn La, chúng tôi chạy xe máy gần 40km mới đến được thị trấn Ít Ong, "thủ phủ" của huyện Mường La. Dừng lại quán nước, hỏi đường lên thủy điện Huội Quảng, ông chủ quán nước nhìn chúng tôi như người vừa xuống từ "sao hỏa" nói: "Các chú là người từ xa đến mà định đi xe máy vào thủy điện à? Từ đây vào đó gần 30km nữa, toàn đường cua gập tay áo. Đến người dân bản địa đi xe còn "ngại" nữa là người ở xa. Ở đây đợi xe khách rồi vào cùng người dân luôn. Các bác tài là người bản địa, quen từng đường cua, ổ gà thì mới "chiến đấu" được. Vào bằng xe máy bỏ mạng như chơi".
Đến hơn 5h chiều, chiếc xe "chuyên dụng" chạy tuyến Ít Ong - Chiềng Lao mới bắt đầu xuất bến. Chiếc xe cứ thế bò chậm chậm hơn 30km trên con đường ngoằn ngoèo như những bàn tay ôm vào trái núi, một bên là núi đá cao vun vút, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nói gở miệng, chỉ cần một cú cua tay không "ngọt" của bác tài thì có lẽ đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của những hành khách trên xe. Ngồi trên xe khoảng gần 2h đồng hồ, chúng tôi mới đến được khu nhà tập thể của những nữ "chiến binh" đang thi công công trình thuỷ điện Huội Quảng.
Theo lời kể của một số công nhân nơi đây, công trình thuỷ điện Huội Quảng được xây dựng trên sông Nậm Mu. Thuỷ điện này nằm ở ranh giới của hai huyện Than Uyên (Lai Châu) và Mường La (Sơn La). Là nơi xa nhất của tỉnh Sơn La, nơi đây vẫn còn heo hút, vắng tiếng người. Xa xa, những ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái vẫn được xây dựng lưng chừng núi giống như chiếc nấm rơm mọc lên sau mỗi cơn mưa.
Công trình thuỷ điện Huội Quảng không chỉ được xây nên bởi những nam công nhân mà còn có cả bàn tay của các "bóng hồng". Những nữ "chiến binh" này vì miếng cơm manh áo mà phải lặn lội từ các vùng đồng bằng lên vùng đất khó này để mưu sinh. Từ những cô gái xuân thì mới lớn đến những người theo chồng lên thủy điện làm hậu cần, họ chấp nhận bỏ phố thị phồn hoa để lập nghiệp trên đất dữ.
Để sống được ở vùng đất này, những "chiến binh" phải rèn luyện sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Hàng ngày, ngoài việc đi bộ gần 6km đến công trường làm việc thì họ còn phải cuốc bộ hơn chục cây số mới đến được chợ. Mỗi buổi sáng, họ dậy thật sớm tranh thủ đi chợ để về kịp giờ làm. Trung bình mỗi ngày, những nữ công nhân phải đi bộ gần 30km đường núi. Có lẽ, cảnh một mình đi trên con đường gập ghềnh sỏi đá vào lúc tờ mờ sáng đã quá quen với những người phụ nữ nhỏ bé này.
Khi tan ca, cởi bỏ chiếc áo vàng công trình, các nữ công nhân lại trở về với công việc thường nhật của người phụ nữ, lo bữa cơm cho chồng, con. Dường như chính tình thương chồng, con mà họ đã cất bước lên chốn thâm sơn cùng cốc này. Bàn tay những nữ công nhân đã đen sạm, khô rát vì cháy nắng, tuy nhiên, trên khuôn mặt họå không thiếu những nụ cười.
Nói chuyện với chúng tôi, cô Nguyễn Thu Lan (50 tuổi), một nữ công nhân quê Hoằng Hóa (Thanh Hoá) tâm sự: "Cũng biết lên đây cực nhọc vất vả nhưng "xuất giá tòng phu" nên phải cất bước theo chồng. Lúc mới lên, tôi không đi làm, chỉ ở nhà nội trợ. Nhưng ở nhà nhiều cũng chán nên tôi xin đi làm việc vặt ở công trường. Sau này, quen được với những công việc tay chân nặng nhọc, tôi xin vào tổ nhặt đá, xách vữa công trình. Vợ chồng tôi đã ở đây được 7 năm rồi".
Ngồi bên cạnh cô Lan, chị Hoàng Thu Minh (quên Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định) đang ẵm đứa con trai chưa đầy hai tuổi trên tay bộc bạch: "Những buổi đầu đi làm, đêm về, toàn thân đau đến nỗi ngủ không thể trở mình được. Nhiều hôm bị cơn đau khớp hành hạ, sợ chồng biết sẽ không cho đi làm nữa nên phải chạy ra ngoài sân khóc. Sau này anh ấy biết chuyện, thương quá nên không muốn cho đi làm nữa. Nhưng xuất thân từ dân lao động mà không hoạt động chân tay thì thấy bức bách lắm. Thế là mỗi ngày cố gắng một chút rồi cũng thấy quen việc. Đến nay, tôi có thể làm tất cả những việc mà cánh máy râu vẫn làm".
Những nữ công nhân người dân tộc Thái ở thủy điện Huội Quảng.
Công việc nặng nhọc, vất vả là thế nhưng lương của hai vợ chồng cô Lan mỗi tháng cũng chỉ được ngót nghét 7 triệu đồng. Trừ tiền sinh hoạt, hàng tháng, họ gửi được 4 triệu đồng về nuôi hai đứa con đang học đại học ở Hà Nội. Cô Lan tâm sự: "Dù gia đình nghèo khó nhưng chúng tôi vẫn cố cho các con ăn học thành người. Sau này, chúng sẽ có công việc, không phải vất vả như bố mẹ nữa. Thỉnh thoảng, chúng cũng bắt xe lên đây thăm bố mẹ".
Ở thủy điện Huội Quảng, người lớn tuổi nhất là cô Lan năm nay đã tròn 50, còn trẻ nhất là em Vương Thị Tuyến (quê ở Thái Bình) mới rời ghế trường trung học phổ thông. Tuyến vừa lên thuỷ điện Huội Quảng được hai tháng. Ở đây, do vất vả khó khăn nên hầu như các nữ "chiến binh" đều già trước tuổi. Cô Lan bảo, gái công trường, theo cái nghiệp này phải thế. Họ không thùy mị và trắng trẻo, khéo ăn nói như gái thành phố. Gặp người nào biết thông cảm thì mới đến được với nhau.
Tuy khó khăn là vậy nhưng không lúc nào, ở cái nơi rừng thiêng nước độc này thiếu tiếng cười. Những công nhân ở đây sống với nhau tình cảm như người một nhà. Lên đây, chúng tôi mới cảm nhận được cái tình người đang sinh sôi trên đất dữ.
Nữ "chiến binh" dân tộc Thái
Chiềng Lao được coi là "thủ phủ" của người dân tộc Thái. Vì chương trình di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng nên họ phải rời khỏi những ngôi nhà, ruộng nương quen thuộc. Khi đến mùa ngô, họ đi phát nương gieo hạt. Còn những lúc nhàn rỗi những người này xuống thuỷ điện xin làm công nhân. Mỗi ngày, những người phụ nữ Thái tập trung từ sáng sớm để xuống núi đi làm. Công việc của họ là nhặt những hòn đá sắp xếp vào các rọ sắt để kè lòng sông. Đây cũng là công việc khó nhọc đòi hỏi sức khoẻ. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lò Thị Hoa, một người dân tộc Thái ở bản Nà Lếch cho biết: "Chúng tôi làm ở đây mệt hơn đi làm rẫy rất nhiều. Mệt vẫn phải đi làm chứ, nhà hết gạo rồi". Những nữ "công nhân" người Thái này được trả lương theo ngày. Bình quân mỗi ngày họ cũng kiếm được 50 - 70.000 đồng. Đây là số tiền được coi là "khủng" so với việc làm nương của họ.
Chính vì vậy, tất cả phụ nữ ở bản Nà Lếch đều thi nhau kéo xuống thuỷ điện xin làm việc. Buổi sáng, họ thường dậy sớm đợi nhau ở đầu bản rồi cuốc bộ xuống núi đi làm. Một điều kỳ lạ trong tập tục của người Thái, những người đàn ông tự phong cho mình cái quyền được... lười. Hàng ngày, những công việc ruộng nương đều do tay của phụ nữ đảm nhiệm.
Ở thuỷ điện Huội Quảng hai ngày, chúng tôi được "mục sở thị" công trình thủy điện hùng vĩ nơi non cao, cùng chia sẻ công việc gian khó của những nữ "chiến binh" và thấu hiểu một chân lý rất giản dị, sự sống nảy mầm ngay ở vùng rừng thiêng nước độc.
Rời xã Chiềng Lao vào buổi sáng sớm, đây là khoảng thời gian công nhân thuỷ điện bắt đầu "hành quân" xuống công trường. Xe bắt đầu chuyển bánh, chúng tôi chỉ nhìn thấy những hình ảnh mờ mờ của các nữ công nhân đang lẩn khuất vào làn sương sớm dày đặc của miền sơn cước.
Vương Chân