Nợ nghìn tỷ nơi “miền đất hạnh phúc”
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông - bà Phan Thị Phương Thảo, chủ đầu tư dự án Happyland được biết đến là một trong những nữ doanh nhân bất động sản (BĐS) tiếng tăm ở khu vực phía Nam trong 10 năm qua.
Câu chuyện làm dự án Happyland của bà bắt đầu từ chuyến đi Mỹ để mời Disneyland đầu tư vào Việt Nam. Khi đó phía đối tác nói, họ chưa có khái niệm về Việt Nam và nếu để họ đầu tư dự án này phải cần 5 năm nghiên cứu. “Ôm mộng lớn” trở về nước, bà Phương Thảo quyết định mời những nhà thiết kế, ý tưởng, thi công... lớn trên thế giới tham gia vào dự án này.
Happyland ra đời sau đó không lâu và nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới bất động sản bởi số vốn đầu tư “khủng” 2 tỷ USD. Đây được kỳ vọng là dự án du lịch nghỉ dưỡng số 1 Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ khi được khởi công đến nay đã 6 năm trôi qua, quần thể “khu vườn hạnh phúc” không những vẫn ngổn ngang, dang dở mà chủ đầu tư còn đang chìm trong biển nợ.
Được biết, dự án khu phức hợp giải trí Happyland rộng 688ha được chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (thuộc CTCP Tập đoàn Khang Thông) khởi công xây dựng tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An từ năm 2011 và dự kiến năm 2014 sẽ đưa vào khai thác.
Trong quy hoạch tổng thể dự án, Tập đoàn Khang Thông cho biết sẽ đầu tư khoảng 600 triệu USD để xây dựng công viên chủ đề 100ha. Các hạng mục còn lại chủ yếu kêu gọi các đối tác lớn trong và ngoài nước đầu tư.
Dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư nợ nần chồng chất, nên đó cũng được xem là “hệ quả” đau lòng cho địa phương tiếp nhận dự án. Thế nên, dự án Happyland được tỉnh Long An nêu tên như là một “biểu tượng” trì trệ nhất hiện nay của tỉnh này và cần phải được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Còn trong đề án Phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Happyland cũng là một dự án đứng đầu danh sách các dự án gây "đau đầu" nhất cho tỉnh vì tiến độ triển khai quá chậm.
Cho đến thời điểm hiện tại, khu vui chơi giải trí Happyland vẫn đang đóng cửa im lìm với rất nhiều hạng mục mãi vẫn chỉ nằm trên bản thiết kế.
Liên quan đến dự án này, theo thông tin mới nhất từ cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, Công ty Phúc An đang “ôm” khoản nợ khoảng 1.800 tỷ đồng có hạn phải trả đến ngày 30/8.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An cũng đang tiến hành các thủ tục kê biên tài sản tại dự án Happyland gồm toàn bộ tài sản sẽ hình thành trong tương lai của hơn 86,4ha đất trong khu công nghiệp tại xã Thạnh Đức (Bến Lức, Long An) và quyền sử dụng đất, nhà ở cùng tài sản khác gắn liền với đất tổng cộng hơn 74ha. Nếu công ty Phú An không thể trả hết nợ trong thời hạn nói trên, cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An sẽ tiến hành kê biên tài sản thi hành án.
Theo xác minh của cục Thi hành án tỉnh Long An, Công ty Phú An hiện nay không còn số dư trong tài khoản. Thậm chí chủ dự án còn đang nợ lương công nhân và tiền thu hồi đất của dân (do sót thửa, sót diện tích) chưa đền bù xong. Ngoài ra, 350ha đất tại dự án Happyland được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng cũng đã được công ty đem thế chấp toàn bộ.
Trước tình trạng nợ nần bủa vây và yêu cầu từ các chủ nợ, Công an tỉnh Long An cũng đã cấm xuất cảnh đối với bà Phan Thị Phương Thảo. Các cổ đông Công ty Phú An cũng không được thực hiện giao dịch khi chưa có sự đồng ý của cơ quan thi hành án.
Xuống dốc không phanh
Nhắc đến những vị đại gia nức tiếng miền Tây sông nước một thời, không thể kể thiếu cái tên đại gia Phạm Thị Diệu Hiền – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco). Với khối tài sản kếch xù cùng cách chi tiêu cực “độc” và mạnh tay, bà Diệu Hiền được xem là một “sếp bà” chịu chơi mà ai cũng phải “kiêng dè”.
Bà Diệu Hiền bắt đầu được biết đến kể từ khi vung tiền đầu tư nhà xưởng Bianfishco hiện đại hàng đầu thế giới, cùng một viện nghiên cứu thủy sản tư nhân đầu tiên ở Việt Nam quy tụ nhiều nhà khoa học, lãnh đạo về hưu vào những năm 2008 - 2010.
Chỉ vài tháng sau thương vụ đầu tư “lịch sử” ấy, vào giữa 2011, bà Diệu Hiền tiếp tục gây xôn xao khi khánh thành nhà máy sản xuất nước uống Collagen Bình An với số vốn đầu tư ban đầu lên đến 10 triệu USD mang tầm cỡ hàng đầu khu vực.
Theo một chia sẻ của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) – “vị cứu tinh” của Bianfishco với báo chí, nữ đại gia thủy sản một thời còn có những thú vui, “chơi ngông” hoang phí hàng trăm tỷ.
Theo đó, không chỉ sở hữu chiếc Rolls-Royce Phantom màu đen biển tứ quý 3 trị giá hơn 20 tỷ đồng, bà Diệu Hiền còn vung tiền mua 5-7 chiếc xe sang khác, chưa kể đến la liệt số xe chở hàng, xe chở cá phục vụ công việc kinh doanh.
Ngoài ra, bà Diệu Hiền đầu tư phải đến 200 tỷ đồng tiền xây dựng khu "massage cá" hiện đại bậc nhất Việt Nam, phục vụ miễn phí hơn mấy nghìn công nhân; vung tiền đầu tư "nhà máy như resort", không tiếc tiền cho những đồ nội thất phong thủy để đem lại may mắn, từ cây cảnh, sư tử đá trấn trước cửa, rồi chép hóa long, tứ mã, bắp cải phong thủy...
Đang lúc tưởng như mọi thứ lên mây thì năm 2012, Bianfishco lộ diện khối nợ hàng nghìn tỷ đồng cùng nhiều dự án BĐS đóng băng khi thị trường xuống đáy. Thời điểm bà Hiền đón con dâu hotgirl MC Quỳnh Chi bằng dàn siêu xe thì cũng là lúc người nông dân ồ ạt kéo đến “vây” biệt thự đòi nợ.
Một con số thống kê thời điểm đó cho thấy, ngoài số nợ khoảng 261 tỷ đồng thiếu nông dân, Bianfishco với cá nhân và công ty của bà Hiền còn nợ ngân hàng với các đối tác khoảng 1.300 tỷ đồng. Tổng số nợ liên quan đến công ty với cá nhân nữ đại gia lên đến 1.560 tỷ đồng.
Để giải cứu công ty, bà Hiền đã phải gán cổ phần, một số dự án bất động sản ở TP.HCM, 7 lô biệt thự ở Cần Thơ, 40 lô đất ở Sóc Trăng và cả chiếc xe Rolls-Royce đình đám đã làm nên một phần thương hiệu cá nhân của bà.
Sau khi bị công bố thông tin nợ nần chồng chất và mất khả năng thanh toán với số tiền lên đến cả nghìn tỷ đồng, bà Diệu Hiền đã lẳng lặng sang Mỹ với lý do chữa bệnh. Hiện bà đã rút lui hoàn toàn khỏi Bianfishco và lui về tĩnh dưỡng tuổi già, chăm sóc cháu nội.