CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo
Đây là nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam, theo công nhận của tạp chí danh tiếng Forbes (Mỹ). Bà Thảo được Forbes công nhận là tỷ phú thế giới lần đầu vào năm 2017 và mới được công nhận lần hai cách đây vài ngày với tổng tài sản hiện tại khoảng 3,1 tỷ USD, xếp hạng 766.
Thậm chí, CEO của hãng hàng không giá rẻ này còn xếp thứ 55 trong Top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, đứng trên cả bà Hillary Clinton.
Bà Thảo sinh năm 1970, là tiến sĩ điều khiển học kinh tế. Nữ doanh nhân này hiện đang giữ các chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực ngân hàng, hàng không và bất động sản.
Đó là vị trí Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Sovico, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air, Phó chủ tịch thường trực ngân hàng HDBank, song chức danh gắn với tên tuổi bà nhiều nhất là vị trí CEO ở Vietjet.
Sự ra đời của Vietjet đã phá vỡ thế độc quyền của Vietnam Airlines, thể hiện quyết tâm “chia lại bầu trời” của bà Thảo và làm cho giấc mơ được bay trở nên hiện thực hơn đối với đại đa số người Việt.
Ở lĩnh vực ngân hàng, nữ tỷ phú đã tham gia từ năm 26 tuổi với vai trò sáng lập và quản trị những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam, trước khi tham gia xây dựng nên đội ngũ điều hành cho HDBank ngày nay.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk
Là người phụ nữ được ví như Margaret Thatcher của Việt Nam, dấu ấn của bà Mai Kiều Liên in đậm trên bước đường tăng trưởng như đột phá của Vinamilk giai đoạn sau cổ phần hóa.
Ngay khi vừa tốt nghiệp trường đại học tại Moscow năm 1976, cô sinh viên Mai Kiều Liên đã gia nhập Vinamilk với vai trò một kỹ sư công nghệ phụ trách phân xưởng sữa đặc có đường tại Nhà máy sữa Trường thọ và trở thành Tổng giám đốc của Vinamilk sau 16 năm.
42 năm làm việc tại Vinamilk, thanh xuân của bà Mai Kiều Liên dành trọn cho công ty sữa, đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp nhà nước trở thành một đế chế sữa mang tầm cỡ khu vực, xuất khẩu đi 43 nước trên thế giới với vốn hóa thị trường đạt trên 13 tỷ USD.
Mặc dù vậy, số lượng cổ phiếu Vinamilk bà Liên nắm giữ khá khiêm tốn, chỉ hơn 4 triệu đơn vị, tương đương 847 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT Vinamilk, Chủ tịch HĐQT HDBank
Một nữ tướng nữa của Vinamilk không thể không nhắc đến là Chủ tịch HĐQT Lê Thị Băng Tâm.
Là người ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, với một vẻ ngoài nhẹ nhàng giản dị, ít ai biết rằng, bà Tâm đã từng giữ trọng trách cao nhất tại các bộ ngành về tài chính của Việt Nam như Tổng giám đốc kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Bà Tâm hiện đang giữ ghế nóng Chủ tịch HĐQT của HDBank, cùng với bà Nguyễn Thị Phương Thảo điều hành một trong những ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất Việt Nam hiện nay.
Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân trong 5 năm qua của HDBank đạt trên 40%, lợi nhuận tăng 28%/năm.
Riêng năm 2017, lợi nhuận của HDbank gấp đôi năm ngoái và theo đánh giá của các công ty chứng khoán, năm 2018 lợi nhuận của ngân hàng này tiếp tục tăng 63%. Tổng tài sản hợp nhất tính đến 31/12/2017 đạt trên 191.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn 168.800 tỷ đồng, với hơn 11.000 nhân viên.
Tại Vinamilk, cặp bài trùng Mai Kiều Liên - Lê Thị Băng Tâm đã đưa Vinamilk trở thành công ty vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán Việt nam và công ty Việt Nam duy nhất lọt vào Top 50 công ty niêm yết hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương (FAB 50) do Forbes Châu Á bình chọn.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT Vietjet Air
Ở Vietjet Air, ngoài CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, không thể không nhắc đến “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT của bà Nguyễn Thanh Hà.
Bà Nguyễn Thanh Hà là một trong những thành viên sáng lập và được bầu làm Chủ tịch HĐQT vào năm 2007, là một chuyên gia, một nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm trong ngành hàng không tại Việt Nam.
Trước khi tham gia Vietjet bà Hà là Cục phó Cục hàng không Việt Nam, trước đó bà đã từng là Trưởng ban kế hoạch đầu tư của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thanh Hà có bằng cử nhân vật lý tại Đại học Hà Nội, và bằng cử nhân khác tại Đại học Kinh tế quốc dân và bằng Thạc sỹ kinh tế.
Công ty Cổ phần Hàng không VietJet dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thanh Hà đã có chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/2011 và chỉ sau 7 năm, hiện Vietjet đã có đội tàu bay lên đến 51 chiếc, khai thác 82 đường bay, trong đó có 44 đường bay quốc tế.
Là một người khá kín tiếng với truyền thông nên it ai biết, bà Nguyễn Thanh Hà chính là người đã chọn màu cờ Tổ quốc cùng sao vàng 5 cánh in lên động cơ máy bay của Vietjet và là người đưa chiếc máy bay đầu tiên của Vietjet về sân bay Nội Bài.
Sự kết hợp của hai nữ tướng đã giúp Vietjet khẳng định được vị trí của một hãng hàng không thế hệ mới tại thị trường Việt Nam cũng như vươn ra thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE)
Năm 30 tuổi, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được giao trọng trách làm Tổng giám đốc REE. Trải qua 33 năm đồng hành dẫn dắt REE, bà Mai Thanh đã đưa một xí nghiệp nhỏ sửa chữa cơ điện lạnh thành một tập đoàn vốn hoá 11.600 tỷ đồng.
Người ta gọi bà Mai Thanh là "người phụ nữ tiên phong" bởi phong cách dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi của bà.
REE đã trở thành một trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán và đã nhận được sự quan tâm của các quỹ ngoại như Dragon capital, Vinacapital từ rất sớm. Tại đại hội cổ đông, bà Mai Thanh lọt thỏm bên cạnh "các ông tây" là các cổ đông gắn bó với REE từ những ngày đầu.
Quan điểm của bà Thanh là "Công cuộc làm ăn giống như đi trên một chiếc xe đạp, ngừng đạp, xe sẽ ngã đổ". Đó là lý do vì sao REE chuyển đổi sang thành một người chơi lớn trong mảng năng lượng ở Việt Nam khi tham gia sâu vào thuỷ điện, nước sạch và than.
Với bà Thanh, phụ nữ có một sức mạnh, đó là sự hiểu biết hòa quyện trong sự tỉ mỉ, chu đáo và dịu dàng, nhưng lúc cần quyết liệt thì sẽ rất quyết liệt.
Bà Thái Hương – CEO Ngân hàng Bắc Á và TH Milk
Bà Thái Hương, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, đồng thời được biết đến như một trong những người giúp ngành sữa Việt Nam phát triển mạnh khi sáng lập thương hiệu TH True Milk.
Nữ doanh nhân tuổi Tuất chia sẻ bà tự hào khi đã có 10 năm định hình thương hiệu sữa “thật” trong lòng người Việt, giúp minh bạch thị trường sữa, mặc dù bà đã từng chịu nhiều điều tiếng khi tuyên bố gây dựng thương hiệu sữa sạch, nhiều người cho rằng bà "chém gió".
Cuối năm 2017, sau gần 10 năm gắn bó với TH True Milk, bà đã chia tay ghế chủ tịch HĐQT và chỉ giữ chức vụ cao tại Bắc Á Bank. Tuy chọn ngân hàng nhưng dấu ấn của bà Thái Hương tại TH Milk là không thể thay thế. Khi TH chưa có mặt thì đàn bò Việt Nam chưa có trên bản đồ thế giới. Sau 5 năm, Việt Nam đã có trang trại bò lớn nhất châu Á, thương hiệu đã đi sâu vào dân chúng trong nước và trên thế giới. Bà Thái Hương chia sẻ rằng giờ đây bà luôn thiếu sữa để cung ứng ra thị trường và cho rằng đã đến lúc rút lui để lại cho lớp trẻ kế thừa con đường đó.
H.Y (t/h)