Cắt ngang Trường Sơn đi buôn
Trời nhập nhoạng. Thứ ánh sáng ngày không ra ngày đêm không ra đêm bị xé tan từng mảnh bởi tiếng nẹt pô dồn dập. Từng đoàn xe nối đuôi nhau rồng rắn rẽ về các hướng, nghe từ xa tựa một đoàn đua mô tô tranh tài. Lạ thay, "đoàn đua" toàn là phụ nữ, đôi mươi cũng lắm và cũng không ít người tóc muối tiêu. Như đã hẹn trước với một số chị em chuyên ngồi trên lưng ngựa sắt, tôi quyết định làm một chuyến để được mục sở thị.
Thói quen đổi chác vẫn còn ngự trị trong dân bản .
Vừa dừng chiếc Dream ở cổng chợ Hướng Hóa, tôi đã nhận được những cái lườm thật ấn tượng từ những người xung quanh. Liền sau đó, giọng của một phụ nữ trung tuổi vang lên: "Chú ni mô hè (chú này ở đâu đến vậy) trông lạ lạ hay là định bám gót chị em chúng tôi đó?. Nhưng nói trước đã đi là phải tay lái lụa, chứ nửa đường mà quay về là không được với chị em đâu nhé!". Tôi gật đầu đồng ý, không có vẻ gì tỏ ra là thách thức vì đã nghe kể về các chị rồi.
Dẫn đường trong tốp là chị Nguyễn Thị Hóa (41 tuổi, thôn Duy Hòa, xã Tân Liên). Chị được mệnh danh là tay lái lụa trong vùng. Cả tốp có cả thảy tám người, trẻ nhất là Lê Thị Hiền (19 tuổi), bỏ học từ lớp 7 lớp 8 gì đó, theo anh chị đi buôn bán rồi trở thành chuyên nghiệp. Những hôm trước, cả nhóm thường đi tuyến các bản sát cửa khẩu Lao Bảo nhưng bây giờ một nhóm ở gần đó chiếm mất nên đổi sang tuyến đường Hồ Chí Minh (đường số 14) từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh ngược ra Quảng Bình.
Giảm nhẹ ga lúc qua cua, chị Hóa nói vội: "Buôn bán là vậy đó, đường làm ăn ngon lành bây giờ bị cướp mất, nhưng chả ai làm gì được cả, đúng là rừng nào cọp nấy". Hóa ra, mỗi cung đường, mỗi vùng bản đều có thổ địa riêng, léng phéng là sinh sự như chơi. Có nhiều tốp buôn tranh giành lãnh địa, đánh nhau đến vỡ đầu, toác cả mặt mày. Ngay chị Hóa cũng lãnh sẹo từ những chuyến đi như vậy.
Địa điểm đầu tiên cả nhóm buôn đến là thôn Cu Vơ (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa). Con đường bê tông chằng chịt ổ gà, ổ trâu dần hiện ra. Men đường Hồ Chí Minh, mốác lộ giới chỉ: Cu Vơ 4 km. Đã thấm thoắt gần trưa nhưng sương rừng vẫn đặc sền sệt, ươn ướt. Từ trên cao nhìn xuống, dưới kia là thủy điện Rào Quán mênh mong một vùng sóng nước. Những biển báo nguy hiểm hiện ra liên tục, biển chỉ những đường cong liên tiếp, đường gấp khúc, vực thẳm vẫn "thi gan" thay nhau thử thách tay lái mỗi người. Được một đoạn bê tông hóa, lại một đoạn đổ đá cóc tan hoang bởi mưa rừng.
Chuyến này, chị Hóa cùng bạn buôn của mình chuẩn bị những mặt hàng từ thực phẩm đến nhu yếu phẩm. Một xe chất đầy mọi thứ lỉnh kỉnh, thế mà những khúc cua cùi chỏ trên đường vẫn tròn vo. Dường như, từng ổ gà, từng nếp lượn sóng họ đã thuộc lòng vậy. Chị Hóa và mấy chị em cho biết, những cung đường được trải nhựa hay bê tông thì quá đơn giản đối với họ, khó nhất là những đoạn đường đất lầy lội ngập nửa bánh xe, hay phải qua ngầm qua suối, đây thực sự là một trở ngại đối với họ. Đàn ông mạnh bạo thì tìm những bản xa xôi hay tít tận đất bạn Lào, đi dăm bữa nửa tháng mới về một lần. Còn cánh đàn bà thì loanh quanh các xã vùng biên phía Việt Nam.
"Binh pháp xe buôn"
Gọi những chiếc xe của họ là xe buôn hay "ngựa sắt" quả không sai. Mọi thứ không quá cần thiết cho việc vận hành của xe đều được tháo dỡ. Lốp xe được thay bằng lốp răng tựa lốp máy cày, đi mà không có tải cứ như phi ngựa chiến. Giảm sóc được thay bằng loại đặc dụng, có sức tải đến cả hai ba tạ như chơi. Mọi người đều cố làm cho con "ngựa sắt" của mình trở nên cứng cáp hơn, càng cứng càng thô càng tốt.
Trong câu chuyện vui, chị Vân (biệt danh là "Vân tiếu lâm") kể rằng: "Hôm đó, tôi bị một anh cảnh sát giao thông huýt lại hỏi thăm. Thế là lục đục mãi mà không dỡ hết số hàng trên xe để lấy giấy tờ ra được, với cả quầy tạp hóa di động trên xe. Cuối cùng, họ đành chào thua, khua gậy cho đi kẻo lỡ hàng, bà con dân bản lại mong". Với họ, những câu chuyện hài hước, những bài hát đúng nhạc sai lời là niềm vui, là cứu cánh cho những đoạn đường hoang vu, lau lách.
Vào đến các khu vực buôn bán, thường là các bản người Pa Kô, Vân Kiều mới thấy rõ "binh pháp" và kỹ thuật buôn bán của họ. Bẵng một cái, cậu thanh niên choai choai mang phế liệu chiến tranh ra đổi lấy mớ cá nục biển bị một phen tiểu xảo. Trong chớp mắt, chị Hóa đã dùng một chiêu trong kỹ thuật cân kéo để bớt vài cân phế liệu. Tôi đưa mắt dõi theo cậu thanh niên tội nghiệp thì chị Hóa cười bảo: "Làm chi cũng phải có kỹ thuật kỹ xảo cả chú à. Người dân tộc ở đây họ bán phế liệu theo giá của ngoài trung tâm huyện lị Hướng Hóa, nếu không cân kéo tiểu xảo thì mình lỗ là cái chắc!...".
Hoạt động bán mua diễn ra một cánh trôi chảy. Hàng hóa từ bên ngoài tuồn vào được dùng như một công cụ để đổi chác. Những đứa trẻ thôn Cu Vơ lẫn trong sương rừng vui mừng đón đoàn buôn. Kẹo bánh đủ màu xanh đỏ, từng chiếc bánh mì dai tựa vải xô là xa xỉ phẩm đối với chúng. Một đám trẻ không biết con cái nhà ai mang ra vài ba miếng sắt gỉ đùm trong mảnh áo sờn cũ. Vài ba cái kẹo màu bắt mắt làm chúng tranh nhau đến độ chảy máu đầu. Hành trình cứ thế tiếp tục theo cung đường này cho đến khi có biển báo bên kia là Quảng Bình. |
Bùi Đức Tú