Những ông lang dự báo được cái chết

Những ông lang dự báo được cái chết

Thứ 5, 12/12/2013 17:08

Người ta nói chúng ta giờ đây đang sống trong một thời đại khác. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một thế giới khác. Một thế giới mà những câu chuyện tôi sẽ kể dưới đây nghe như chuyện hoang đường hoặc nếu có thật thì nó phải diễn ra từ hàng trăm năm trước.

Nhưng không, đó là những câu chuyện mà chính tôi chứng kiến, nghĩa là nó mới chỉ diễn ra cách đây hơn một nửa thế kỷ trong một ngôi làng nhỏ bé cách trung tâm Hà Nội tròn 40km. Câu chuyện tôi muốn kể là câu chuyện về những ông lang ở làng tôi. Thuở ấy, khi mà hệ thống y tế chưa có như bây giờ thì hầu như làng nào cũng có những ông lang.

Tôi vẫn nhớ có những ông lang Chất, ông lang Tuyền, ông lang Thưởng, ông lang Dư, ông lang Đắc... Những ông lang thời đó đều đã khuất, chỉ còn lại mỗi ông lang Dư. Ông lang Dư là anh họ tôi. Năm nay ông đã hơn 90 tuổi.

Ông đã lẫn, lúc nhớ lúc quên và điếc không nghe được bất cứ âm thanh nào nữa. Thi thoảng về quê có việc tôi vẫn đến thăm ông, hai anh em tôi chỉ nói chuyện với nhau bằng cử chỉ chứ nói gì ông cũng không nghe được. Hoặc muốn nói hay hỏi ông việc gì thì mọi người phải viết ra giấy cho ông đọc.

Tất cả những ông lang ngoài nghề chính là bắt mạch bốc thuốc thì còn là những người thông thạo chữ Nho, viết câu đối rất hay. Họ là những người thấu hiểu chữ thánh hiền. Bởi thế, mục đích làm nghề thuốc của họ là cứu người chứ không phải kinh doanh như không ít các ông bà bác sỹ thời nay. Họ hoàn toàn xứng với câu “lương y như từ mẫu”.

Làng tôi cho đến bây giờ vẫn lưu truyền những câu chuyện về y đức của họ. Một lần, ông lang Chất bắt mạch bốc thuốc cho một người ở xa. Sau khi bắt mạch bốc thuốc cho bệnh nhân xong, đêm đó, trước khi đi ngủ, ông nằm nghĩ về thang thuốc mà ông bốc cho bệnh nhân buổi sáng và chợt nhận ra cần phải có thêm một vị thì thang thuốc mới hoàn toàn công dụng.

Xã hội - Những ông lang dự báo được cái chết

Danh y Hoa Đà

Những ông lang thời đó có một nguyên tắc là khi bắt mạch kê đơn hoặc bốc thuốc thì thường xem lại bệnh tình của bệnh nhân được ghi trong một cuốn sổ dày hàng trăm trang. Họ suy nghĩ và phán đoán nguyên nhân gây bệnh để có thể điều chỉnh thuốc. Sau khi ông lang Chất thấy cần thêm một vị vào thang thuốc, ông không thể ngủ được nữa.

Ông ngồi dậy châm đèn xem lại những ghi chép của mình về bệnh nhân giống như bác sĩ xem sổ y bạ thời nay vậy. Rồi ông mở tủ thuốc của mình lấy ra vị thuốc đó. Ông đi dép, đội nón và rời nhà vào lúc đêm khuya để mang vị thuốc ấy đến cho bệnh nhân. Sáng hôm sau khi mọi người ra đồng làm việc mới thấy ông trở về.

Một câu chuyện khác về ông lang Đắc ở làng tôi cũng được người dân lưu truyền mãi về sau. Một người phụ nữ bị băng huyết sau khi sinh. Gia đình người phụ nữ đó chạy đến tìm ông nhờ cứu chữa. Lúc đó ông vừa bưng bát cơm mới ăn được mấy miếng. Nghe vậy, ông bảo người nhà bệnh nhân cứ về rồi ông sẽ đến ngay.

Sau khi người nhà bệnh nhân quay đi, ông vội ăn cho xong bát cơm rồi vội vàng ôm tráp thuốc đến nhà bệnh nhân. Nhưng ông đã không cứu được người phụ nữ đó. Mấy đêm sau đó, ông thức trắng không ngủ. Ông cho rằng ông đã đến chậm nên không cứu được người phụ nữ kia. Ông thấy đau đớn và xấu hổ khi nghĩ rằng chỉ vì mình cố ăn nốt bát cơm mà làm cho một con người mất đi sự sống.

Làm nghề y mà như thế thì không nên làm nữa. Rồi một ngày, ông quyết định từ bỏ nghề thuốc. Gia đình và người làng khuyên can ông. Nhưng ông nói: “Tôi chỉ vì một miếng ăn mà để thần chết cướp đi một sinh mạng thì làm thầy thuốc mà làm gì?”. Cho dù sau này bao người động viên ông quay lại nghề thuốc, nhưng ông không bao giờ cho phép mình quay lại và theo nghề làm ruộng cho đến hết đời.

Nghĩ đến các ông lang xưa và nghĩ đến các ông bà bác sỹ thời nay mà lòng buồn vô hạn và có nhiều đổ vỡ. Ngày nay, y đức đang bị đồng tiền giết chết. Nhớ lại chuyện các bác sỹ nhân bản phiếu xét nghiệm thì thấy y đức còn gì nữa đâu. Rồi lại chuyện bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường và biết bao chuyện khác của ngành y nữa.

Có một khả năng của các ông lang xưa mà đến bây giờ tôi cũng không sao hiểu hết được. Hồi còn trẻ tôi nghĩ những ông lang đó có pháp thuật. Nhưng bây giờ nghĩ lại thấy họ chẳng có pháp thuật gì cả mà chỉ có một kiến thức uyên thâm và một mối liên hệ kỳ lạ với bệnh nhân. Đó là khả năng biết được giờ mất, ngày mất của các bệnh nhân bằng cách bắt mạch.

Tất nhiên là những bệnh nhân đang ở giai đoạn nguy nan hay bệnh nặng. Thời đó, khi những người làng tôi ốm nặng, gia đình bệnh nhân thường mời các ông lang đến xem mạch để biết bệnh tình bệnh nhân ra sao. Sau khi bắt mạch, các ông lang sẽ nói về tình hình bệnh nhân cho gia đình họ biết.

Có người xem xong khẽ lắc đầu, thở dài và nói: Gia đình chuẩn bị mọi thứ đi, giờ ngọ, giờ tỵ hay giờ dần ngày mai, ngày mốt... ông ấy, bà ấy, anh ấy, chị ấy sẽ đi. Và tất cả đều đúng. Có người bệnh nằm thoi thóp trên giường, người nhà đến mời các ông lang bắt mạch. Xem xong, ông lang nói đại khái gia đình đừng chuẩn bị gì cả, cụ chưa đi được năm nay đâu. Và dự báo của các ông lang đều đúng.

Phải chăng các ông lang có bí mật, bí quyết hay pháp thuật gì chăng? Thực ra họ chẳng có bí mật, bí quyết hay pháp thuật nào kiểu như bí mật của các phù thủy cả. Họ chỉ là người thông thạo y thuật cộng với tình yêu thương con người và trách nhiệm cũng như danh dự của thầy thuốc.

Chỉ với nhịp đập của mạch rất mơ hồ dưới làn da người mà họ có thể đọc ra những căn bệnh nằm bên trong cơ thể con người và biết được sinh khí bên trong của người bệnh. Năm tôi 12 tuổi, tức 13 tuổi ta - một cái tuổi của một đời người thường có những biến cố rất quan trọng về sức khỏe, tôi ốm liệt giường. Ngày đó tôi chỉ thích nhai cuống chiếu và vải từ quần áo cũ.

Một đêm, khi thấy tôi đã hoàn toàn kiệt sức, cha tôi và một số người đàn ông trong họ Nguyễn đã quyết định đóng một chiếc áo quan nhỏ cho tôi. Mẹ tôi đã cho người mời ông lang Dư vào xem mạch cho tôi. Xem xong, ông lang Dư đến góc sân nhà tôi - nơi cha tôi và những người khác đang đóng áo quan cho tôi và gắt: “Làm cái gì thế này? Nó chết làm sao được. Thằng này sau này thọ đến tám, chín chục tuổi ấy chứ”.

Và ông lang Dư - ông anh họ của tôi đã đúng. Tôi không chết và tiếp tục sống cho đến bây giờ. Nghĩa là tôi không chết năm tôi 13 tuổi ta, còn việc tôi có sống đến tám, chín chục tuổi hay không thì chưa biết được.

Tôi cũng không thể nào quên được ngày bà nội tôi ra đi. Hai ngày trước đó, ông lang Dư cũng là cháu gọi bà nội tôi bằng cô, xem mạch cho bà nội tôi và nói chính xác ngày giờ bà nội tôi tạ thế. Chuyện này mẹ tôi kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần.

Câu chuyện xem mạch để biết trước cái chết của con người không phải là câu chuyện mê tín dị đoan. Đó thực sự là một câu chuyện hoàn toàn khoa học. Thầy thuốc giỏi xem mạch sẽ nhìn thấy mọi diễn biến bên trong cơ thể bệnh nhân giống như ta nhìn chiếc đèn dầu thủy tinh có thể biết trước khi nào dầu hết và bấc tàn, lửa tắt. Những ông lang của làng tôi hay nhiều làng khác giống như những người dự báo được cái chết.

Nghe có vẻ hoang đường, có vẻ đầy hư cấu nhưng đó lại là hiện thực mà tôi là một trong những nhân chứng của những sự việc đó. Vì so sánh giữa các ông bà bác sỹ thời nay với các ông lang thời trước nên tôi mới mang cảm giác chúng ta đang sống ở một thế giới khác, một thế giới mà những điều kỳ diệu trở nên vô nghĩa và bị lãng quên.

Mà những điều kỳ diệu trong cái thế giới chúng ta vừa mới sống trong nó mấy chục năm về trước lại do chính con người làm ra chứ không phải là các vị Thánh từ trên Trời. Vì thế nên khi ai đó nói đến phép thiêng trong thời đại này sẽ bị cười cho thối mũi vì ngốc nghếch. Nhưng quả thực phép thiêng luôn luôn đợi chờ chúng ta chạm tay vào và sự kỳ diệu lại từ từ hiện ra.

P.V

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.