Tờ Infornet đưa tin, theo thông báo mới nhất của sở Xây dựng Hà Nội, tiếp tục có 4 chủ đầu tư bị nêu tên vì chiếm dụng quỹ bảo trì, bao gồm: Công ty Cổ phần May Thăng Long (chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư số 250 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Công ty sản xuất thương mại BMM (chủ đầu tư sự án xây dựng nhà chung cư BMM, phường Phúc La, quận Hà Đông); Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại VNECO Hà Nội (chủ đầu tư chung cư Starcity, số 81 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân); Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 – Vinaconex (chủ đầu tư chung cư nhà B Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm).
Theo sở Xây dựng Hà Nội, đây là các chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm theo quy định tại luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 99 ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở; Thông tư 02 ngày 15/2/2016 của bộ Xây dựng trong việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư và vi phạm về bàn giao diện tích sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Trước đó Sở này cũng đã có văn bản báo cáo UBND TP.Hà Nội đề nghị ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư trên bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung và bàn giao diện tích sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Vào tháng 11/2018, lần đầu tiên sở Xây dựng Hà Nội đã công khai danh sách 9 chủ đầu tư dự án "chây ỳ" bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị chung cư. Theo đó, có 5 dự án tại quận Hà Đông, 3 dự án tại quận Nam Từ Liêm, 1 dự án tại quận Hoàng Mai, theo Thanh Niên.
Các chủ đầu tư bị "bêu tên" gồm: Liên doanh công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long và công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ba Đình số 1; Công ty Cổ phần Sông Đà 1; Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18); Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Nam (Vinaconi); Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01; Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Vinaconex 3; Công ty Cổ phần tập đoàn Bắc Hà; Liên doanh công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển hạ tầng Phúc Hà và công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng; công ty Cổ phần Xây dựng số 2 - Vinaconex.
Cách đây không lâu, trong một báo cáo gửi Chính phủ, bộ Xây dựng chỉ ra 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong đó có tới 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì (trên 108 dự án có tranh chấp). Một số dự án tranh chấp nhà chung cư liên quan đến quỹ bảo trì như chung cư Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, 310 Minh Khai, Hồ Gươm Plaza… (Hà Nội); dự án Hoàng Anh River View, chung cư Khánh Hội 2, chung cư The Morning Star, chung cư Investco-Babylon, New Sài Gòn…(TP.HCM).
Trước đó, Thủ tướng cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Một số bất cập trong quản lý nhà chung cư được chỉ ra như tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư, ban quản trị, chọn đơn vị quản lý vận hành, tính diện tích chung - riêng, sử dụng quỹ bảo trì, phòng cháy chữa cháy... làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và tạo dư luận không tốt trong cư dân.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã ban hành; xử lý nghiêm các trường hợp thành viên Ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định của pháp luật.
Trong khi đó, dẫn lời luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tờ VOV nhận định, chế tài xử lý hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư của chủ đầu tư đã có nhưng thực thi yếu.
Theo luật sư Tuấn, chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì để sử dụng nguồn vốn này đó là sử dụng trái phép tài sản của người mua nhà do đó có thể xử phạt theo Nghị định 139 với mức phạt từ 100-150 triệu đồng.
Chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy tố theo Điều 177 về tội sử dụng tài sản trái phép của luật Hình sự. Khi chủ đầu tư không có tiền để trả quỹ bảo trì thì có dấu hiệu của lạm dụng tín nhiệm để chiếm đạt tài sản xử lý theo quy định ở điều 155 của luật Hình sự.
Tuy nhiên thực tế đến nay chưa có chủ đầu tư bị khởi tố vì “ôm” quỹ bảo trì.
“Việc xử lý chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì đã có đầy đủ các quy định pháp luật nhưng việc thực thi các quy định mới là vấn đề để giải quyết các tranh chấp”, luật sư Tuấn nhận định và khuyến nghị về lâu dài, nên tách bạch khoản tiền mua nhà nộp cho chủ đầu tư riêng, tiền bảo trì 2% nộp vào một tài khoản ủy thác của ngân hàng, không để chủ đầu tư thu chung như hiện nay. Khi bàn giao dự án chung cư, thành lập xong ban quản trị tòa nhà số tiền này sẽ được chuyển từ tài khoản ủy thác ở ngân hàng cho ban quản trị, như vậy chủ đầu tư sẽ không thể sử dụng được trái phép tiền quỹ bảo trì.
H.Y (tổng hợp)