Trên địa bàn cả nước có gần 30 sân golf đã đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu của người chơi trong và ngoài nước. Nhắc đến sân golf hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến thú chơi của giới “thượng lưu”. Điều này có phần đúng vì chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên nhiều người cũng thắc mắc, những ông lớn nào đứng ra triển khai xây dựng những dự án tốn kém này.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, những doanh nghiệp đứng ra đầu tư dự án sân golf đều là những đơn vị “khủng” với những cá nhân “có uy tín”.
Tại dự án sân golf Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ) đang được tỉnh này đề nghị Chính phủ bổ sung vào quy hoạch sân golf đến năm 2020 có diện tích 94ha, dự kiến được giao cho công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư. Công ty này được biết đến là một doanh nghiệp “nghìn tỷ” khi nắm trong tay nhiều dự án lớn trên địa bàn cả nước.
Các dự án đình đám phải kể đến như chủ đầu tư các dự án như nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Nhà máy điện gió Trung Nam tổng mức đầu tư trên 3.900 tỷ đồng. Công trình nút giao thông khác mức ngã ba Huế tổng mức đầu tư trên 2.600 tỷ đồng, một dự án khu đô thị sinh thái trên 3.200 tỷ đồng.
Tháng 4/2016, công ty này đã chính thức được TP.HCM cấp giấp chứng nhận thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.Hồ Chí Minh với số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng….
“Qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp các năm 2015, 2016 cho thấy kết quả kinh doanh đạt kết quả tốt, đầu tư có hiệu quả, doanh nghiệp có năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án theo quy mô và tiến độ cam kết”, văn bản của UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo bộ KH&ĐT nêu rõ.
Sân golf Kim Bảng (Stone Valley) do công ty Cổ phần golf Trường An (có địa chỉ tại thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) làm chủ đầu tư. Người đứng đầu doanh nghiệp này cũng là chủ của công ty có địa chỉ tại Nam Định, đi vào hoạt động năm 2004 với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng, sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thế mạnh trong lĩnh vực vận tải.
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường An được cho là đơn vị chủ đầu tư dự án sân golf 36 lỗ và khu phụ trợ cũng tại huyện Kim Bảng (đang trong quá trình xin bổ sung vào quy hoạch) với tổng vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD. Doanh nghiệp này cũng đã đầu tư 2 sân golf ở Hà Nội, TP.HCM và cả hai sân golf này đã đi vào hoạt động.
Đầu tư sân golf "được" nhiều hơn "mất" Theo một chuyên gia kinh tế, việc các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh tham gia vào các dự án sân golf là điều dễ hiểu, vì làm sân golf đòi hỏi nhiều thứ trong đó có vấn đề nguồn lực tài chính. Ngoài ra việc sở hữu một sân golf cũng làm “tăng” uy tín của doanh nghiệp và chắc chắn sẽ “được” nhiều hơn “mất”. |
Một doanh nghiệp khác cũng được đánh giá là “ông lớn” trong lĩnh vực golf phải kể đến là công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên (Lobico) có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, được thành lập năm 2006.
Theo tìm hiểu của PV, Lobico được thành lập bởi 5 cổ đông đều là các công ty lớn. Sau 1 năm thành lập, đến năm 2007, số vốn điều lệ của Lobico đã tăng gấp đôi, lên mức 400 tỷ đồng.
Năm 2007, Lobico được giao đất đầu tư 2 dự án sân gofl tại Long Biên (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh). Giữa năm 2014, sân golf Long Biên 18 lỗ cùng các công trình phụ trợ khác như trung tâm hội nghị - tiệc cưới, nhà hàng được khai trương. Hơn một năm sau, sân golf thứ hai và khu phụ trợ được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Nhóm PV