Có lẽ, ông là một trong số ít người chứng kiến toàn bộ cuộc "nội chiến" băng đảng giang hồ ở trại Chí Hòa. Sau này, khi được thả tự do, ông đã chắp bút viết lên những câu chuyện về giang hồ Sài Gòn với những vụ hạ thủ, tiêu diệt lẫn nhau còn khủng khiếp hơn cả phim xã hội đen. Qua đó, cũng giúp độc giả hình dung rõ hơn góc diện mạo xã hội một thời trước năm 1975 ở miền Nam.
Sài Gòn những năm 60, 70 của thế kỷ XX , người dân kinh hoàng bởi sự hoạt động mạnh mẽ của các băng đảng xã hội đen. Chúng hoạt động dọc ngang trời đất, khuấy đảo hệ thống chính quyền và làm không ít quan chức ngụy quyền "thất điên bát đảo". Lúc này, trong trại giam Chí Hòa là nơi "trừng phạt" của một loạt các tay giang hồ khét tiếng như Cương Võ Sĩ, Lâm Chín Ngón, Tuấn Đả, Y - Cà Lết, Việt Paker...
Những “ông trời con”
Vào thời đó, bộ máy cảnh sát cũng như giám sát nhà tù của chế độ cũ gần như bó tay trước nạn lộng hành của đám du côn hung hãn bất trị khi còn đang tác oai tác quái ngoài đời. Đó là những ông "vua con" coi trời bằng vung kể cả lúc đang bị giam cầm. Tuy bị giam ở Chí Hòa, giữa tòa nhà bát giác vô cùng bí hiểm nhưng cuộc sống của những tay giang hồ sừng sỏ cũng chẳng khác cuộc sống lúc ở bên ngoài. Muốn ăn ngon, chúng cứ việc bỏ tiền cho giám thị rồi thản nhiên đến căng tin nằm ngay tại hồ nước ngay giữa sân Chí Hòa.
Ngày ấy, không ít tên còn chơi ngông, đặt tiền cho căng tin để họ cử người mua sẵn "sơn hào hải vị" mang vào phục vụ cho chúng. Những thức ăn ngon nhất của bất cứ nhà hàng, tiệm ăn nổi tiếng Sài Gòn cũng đều cung phụng các "anh hùng" trại giam như một "thượng đế". Thực đơn của chúng không khác nào những bậc quan quyền lắm tiền nhiều của ở bên ngoài. Thậm chí, khi muốn giải khuây cùng gái mại dâm, bọn chúng cũng được thỏa mãn. Tuy nhiên, chúng phải đợi đến thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.
Trong sân trại giam Chí Hòa, ở phía trước khu thăm nuôi có một chiếc xe tải hư hỏng bỏ không. Đây là nơi ẩn náu lý tưởng của tù nhân khi chúng hoan lạc. Tại đây, có một đám tù cẩn thận dùng màn che chắn lại tạo thành một căn buồng có đầy đủ nệm, quạt máy để các "đại ca" có chỗ "vui vẻ" với gái mại dâm mà không phải ra ngoài. Tuy nhiên, để thoải mái làm được việc ấy, chúng phải dúi vào tay mấy tên cai ngục một mớ tiền. Khi có "ám hiệu" của tù, đám cai ngục lập tức liên hệ với các động mại dâm quen thuộc để lấy "hàng".
Cổng trại giam Chí Hòa.
Đến hẹn lại lên. Tối thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần, mấy cô nàng ong bướm, lả lướt môi son, má phấn bôi trát lòe loẹt đứng làm dáng ở gần khu vực trại giam. Sau khi lọt vào tầm mắt, những cô này được tận tay giám thị đưa vào trong xe tải để chờ các "đại ca" trong tù đến "hoan lạc".
Được biết, những đại ca giang hồ nào không mang án quá nặng còn có thể "nghỉ phép", tức được ra ngoài. Nhưng, muốn được như vậy thì họ ngoài việc chung chi nặng tay cho giám thị còn phải là chỗ có máu mặt trong trại giam. Cái giá các "đại ca" phải trả cai ngục một ngày là 120 ngàn đồng (vàng thời điểm này chỉ có giá 20 ngàn đồng/ lượng). Có nghĩa cái giấy "nghỉ phép" tương đương với từ 6 - 12 lượng vàng. Khi đã dúi tiền cho cai ngục, các tù nhân sẽ nhận được một cái giấy mời ra tòa để bổ sung hồ sơ thẩm vấn hoặc làm nhân chứng trong một vụ án có liên quan hay đau ốm phải nhập viện... Nói chung là việc này sẽ có giám thị lo từ A - Z.
Xe cai tù sẽ có nhiệm vụ chở chúng ra khỏi trại như một quan lớn. Chúng nghiễm nhiên ngồi ung dung trong xe của chính quyền mà không sợ bất cứ một thế lực nào cản đường. Xe của trại không chở chúng đến tòa hay một nơi nào đó ghi trong giấy mà dừng lại ở một góc khuất đường nào đó. Ngó trước ngó sau một hồi, chúng nhanh chóng vọt khỏi xe.
Theo quy ước, đến đúng giờ hẹn, đám cai tù lại đánh xe đến địa điểm lúc trước chờ đón chúng vào trại Chí Hòa. Trước đó, các "đại ca" lọt ra ngoài lập tức thực hiện một vụ "ăn hàng" trót lọt. Xong việc, chúng lại vào tù nghỉ ngơi, hưởng chiến lợi phẩm.
Trong những vụ án này, bọn cảnh sát điều tra dù có là tài thánh cũng không thể tìm ra thủ phạm. Không ai có thể tưởng tượng một tên tù đang bị nhốt trong khám Chí Hòa lại có thể ra ngoài gây án. Tuy nhiên, việc mua "giấy phép" ra ngoài để đi cướp chỉ có thể là việc làm cho vui để giảm cái sự "ngứa nghề" của chúng. Còn nguồn thu chính của các "đại ca" có máu mặt trong tù là những phi vụ buôn bán ma túy "khủng" diễn ra ngay trong khám Chí Hòa.
Vào lúc cao điểm, nhà giam Chí Hòa có khoảng 2.000 tù hình sự và đồng nghĩa với đó cũng là ngần ấy con nghiện. Vì thế mà hoạt động bán ma túy, thuốc phiện ở đây như một cái chợ công khai. Chúng thản nhiên trao đổi "hàng hóa" mà không có bất cứ một thế lực nào cản trở.
Nguồn lợi từ việc bán ma túy đã mang lại cho các ông trùm những món lợi nhuận khủng khiếp. Miếng bánh khổng lồ khiến chúng không ngại ngần xây dựng bè cánh để giữ độc quyền buôn bán ma túy. Trong các khu giam giữ và ngay trong buồng giam, sự tranh giành lãnh địa giữa các "băng" luôn diễn ra. Chúng sẵn sàng hạ bệ bất cứ một đối thủ nào cản đường để ngoi lên làm ông trùm và mặc sức thu hồi lợi nhuận.
Cuộc chiến bằng dao găm, mã tấu
Thời ấy, một nơi giam giữ được cho là có tiếng của chế độ ngụy quyền là khám Chí Hòa. Và, những cuộc chiến giữa các băng đảng vẫn thường xuyên xảy ra. Bộ máy cai quản tù trong khám từ lâu đã bất lực với chúng. Tuy hành lang các dãy buồng giam luôn mở ra trong giờ hành chính, nhưng những tên giang hồ chưa có số má ở khu AB không bao giờ dám xuống khu BC (khu dành cho các đại ca sừng sỏ) nằm ngay kế bên. Còn bọn ở khu ED cũng đừng bao giờ dám mò qua khu FG. Nếu cố tình, bọn chúng ắt sẽ mang họa vào thân.
Những đàn anh hạng gốc gác như Cương Võ Sĩ hay Lâm Chín Ngón ở khu FG có thể tha hồ đi lại bên trong trại giam hình bát giác này. Chúng ung dung, tự tại trong khu giam giữ do chúng cầm đầu. Tuy nhiên, mỗi khi ra khỏi khu của mình, chúng không quên thủ thân vài ba tên đàn em thân tín. Sơ hở một chút ở những khu vực ngoài lãnh địa, dù có sừng sỏ đến đâu cũng rất dễ ăn dao của "đại ca" khu khác.
Mỗi khi lâm trận, những tên du côn có số má đều cầm chắc hai con dao sắc nhọn. Ngoài ra, chúng còn có một con dao thứ ba giắt ngang lưng để phòng khi con dao trong tay rơi xuống sẽ có "hàng" khác thay thế. Chính vì vậy, thời đó, người đời mệnh danh cho những trận huyết chiến giữa các đại ca trong Chí Hòa là "2 tay 3 dao". Vào đầu những năm 1970, tình hình chiến sự ở bên ngoài ngày càng ác liệt. Bên trong khám, các tay tù nhân cũng tự trang bị cho mình nhiều vũ khí khác nhau.
Cách hộ thân có một không hai của tù nhân Chúng tự tạo cho mình những mánh khóe hộ thân rất "lạ". Hầu như tên nào cũng dùng một quyển Kinh thánh để ngay ngắn trong túi áo ngực. Quyển Kinh thánh nhỏ bé vừa vặn với khối túi và che đậy ngay quả tim trước ngực. Khi bị đâm thì cuốn Kinh thánh cũng cản mũi dao vớt vát một phần tính mạng cho chủ nhân. Hơn nữa, "thần hộ mệnh" này được phát miễn phí nên tên nào cũng sử dụng. Có lẽ các linh mục cũng không hiểu được vì sao các tù nhân đang thụ án lại xin nhiều sách Kinh thánh đến thế. |
Hoa Nguyên
Kỳ 2: Kinh hoàng những cuộc chiến tranh giành lãnh địa