Hiện nay, tại TP.HCM đang tồn tại một loại nghề nghe rất lạ tai: Nghề chuột chũi. Đây là những con người suốt ngày lủi thủi trong chiếc cống hôi tanh, bẩn thỉu để kiếm cơm qua ngày.
Ông Ba Lâm, 56 tuổi, quê An Giang, đang chui cống tìm phế liệu.
Tìm gặp ông Ba Lâm, 56 tuổi, quê An Giang, người chuyên chui cống nhặt phế liệu tại TP. HCM rất khó. Bởi vì từ sáng đến tôi, người đàn ông này thoát ẩn thoát hiện trong các hố cống. Sau 2 ngày quần thảo khu vực Q.Thủ Đức, chúng tôi bắt gặp ông đang ngồi thở dốc bên một miệng cống lộ thiên. Người lấm lem bùn đất, phả ra mùi hôi rất khó chịu, ông Lâm cho biết: “Tôi đã chui cống được 15 năm nay. Mỗi ngày thường chui vào 5 - 6 lòng cống để vớt các loại chai, lọ mang về bán cho đồng nát”. Được biết, dụng cụ duy nhất để những người làm nghề “chuột chũi” này sử dụng là một chiếc đèn mang pin buộc trên đầu. Đưa tay khoe bọc phế liệu vừa nhặt được, ông Lâm bảo, sau một giờ chui trong các đường cống, ông thu được hơn 11 kg phế liệu.
Dưới cái nắng gay gắt, chúng tôi tìm đến khu đô thị Thủ Thiêm, (Q.2, TP.HCM), nơi được dân chui cống mệnh danh là “thiên đường” của phế liệu. Bởi vì, ở khu vực này có hàng trăm miệng cống có thể chui vào. Gặp em Nguyễn Văn Tâm, 12 tuổi, đang hì hục bên miệng cống mãi không leo vào được. Tâm bảo, ống cống này bị vỡ nên không có đường để leo xuống. Được biết, cậu bé này đã theo nghề móc cống được hơn 1 năm. Mỗi ngày chui cống nhặt phế liệu, Tâm kiếm được từ 80 - 100 ngàn đồng.
Có thâm niên nhiều năm chui cống nhưng anh Nguyễn Văn Bắc, công nhân Công ty Môi trường đô thị TP.HCM không tìm chai, lọ, phế liệu mà làm công việc khai thông lòng cống bị tắc. Mỗi ngày, người công nhân này phải chui vào những khoảng hầm đen kịt, tối om với đủ thứ mùi hôi thối. Bật đèn pin trên đầu, anh Bắc chui vào lòng cống để đưa bùn đất, rác bị ứ đọng do cơn mưa lớn gây ra. Anh Bắc cho biết, cái đặc trưng trong nghề của anh là làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi đều gắn với những lòng cống.
Nhiều khi, những người mưu sinh dưới cống cũng cảm thấy rùng mình khi gặp phải những tình huống oái oăm. Lật giở những ký ức về xác chết lòng cống, ông Ba Lâm cho biết: “Có một lần, đi sâu vào cống được vài chục mét thì thấy một bao tải được cột kỹ càng. Tôi rất vui mừng vì nghĩ có thể kiếm chác được nhiều thứ từ bao tải đó. Tuy nhiên, lúc tôi mở ra thì phát hiện một xác người đang trong quá trình phân hủy. Tôi như rụng rời chân tay không thể cất bước leo lên trên bờ. May nhờ đứa cháu dìu lên mặt đất mới có thể đến công an phường để trình báo sự việc”.
Anh Bắc, công nhân Công ty Môi trường đô thị TP.HCM
Hay trường hợp của anh Bắc, nhiều lần tham gia vớt xác người dưới lòng cống tại TP.HCM nhưng có lẽ anh không thể quên được xác một cháu bé 3 tuổi bị chết đuối dưới lòng cống. Anh Bắc cho biết: “Trong một lần đi vớt rác sau trân mưa lớn, có nhiều người dân quanh khu vực nhờ tôi đi vào các lòng cống tìm cháu bé. Dò tìm từng mét một, tôi mới phát hiện xác cháu mắc trong một khe nứt của lòng cống. Gần một tiếng hồ đồng dò đường đi, tôi mới có thể đưa xác nạn nhân lên bờ cho gia đình ”.
Chứng kiến những công nhân môi trường và người vớt rác ngập ngụa trong lòng cống hôi thối, quần áo ướt sũng khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Vừa lên đến mặt đường, tất cả chạy ào lại thùng nước đặt bên đường tranh nhau múc nước dội vào người. Nhìn những hình ảnh này mới thấy được cái khổ cực của nghề đặc biệt nhất Sài thành. Với nguy cơ bệnh tật thường trực, nhiều người sống bằng nghề “chuột chũi” đang phải đối diện với những cái chết vô hình.
Bỏ mạng dưới cống vì mưa lớn Trao đổi với PV Người đưa tin, anh Phạm Minh Hải, 42 tuổi, làm nghề chui cống ở các quận trung tâm TP.HCM cho biết, hai người thân của anh làm nghề nhặt rác dưới cống đã bỏ mạng vì những cơn mưa lớn bất ngờ tại TP.HCM. Do miệng cống nhỏ cộng với trời mưa to, liên hồi nên nước đã cuốn trôi họ vào lòng cống. Chính anh Hải từng nhiều lần suýt chết vì nguyên nhân tương tự. Người đàn ông này cho biết, nhiều người cũng muốn lên bờ để thấy ánh sáng nhưng họ không bằng cấp nên cuộc đời có lẽ phải gắn chặt với nghề “chuột chũi”. |
Thắng Trần