Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) là một trong hai chợ nổi nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ có từ thời nhà Nguyễn. Chợ nằm ở nơi giáp ranh giữa ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang, nơi được hình thành bởi cù lao Tân Phong (xưa là Cồn Cù, thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ).
Chợ đầu mối lớn nhất miền Tây
Chúng tôi có mặt tại chợ nổi Cái Bè lúc trời còn tờ mờ sáng để cảm nhận cuộc sống của người dân và những hơi thở của vùng miệt vườn sông nước. Từ phía xa trên đoạn sông Tiền, những chiếc ghe thuyền đã thắp sáng, tiếng người chào đón mua hàng đã tấp nập. Nhiều ánh đèn bình sáng chói quét dọc, quét ngang để đón những nhà vườn đem hàng hóa ra bán. Thậm chí, có những chủ ghe ở xa đến từ chiều hôm trước, lay lắt đợi thương hàng giữa dòng sông suốt cả đêm.
Hình ảnh chợ nổi Cái Bè lúc rạng sáng
Trên chiếc ghe bé nhỏ, anh Nguyễn Minh Kiệt (42 tuổi) cho biết, khu vực này trước đây là một vùng đất rậm rạp, xung quanh bạt ngàn cây cỏ dại, thú hoang. Mỹ - Ngụy đã từng lấy nơi đây để đóng đồn bốt cho mình. Cuộc sống mưu sinh, xuôi ngược khắp nơi, người dân đã đến đây khai hoang lập địa và gắn bó với mảnh đất này và làm nên những nét văn hóa độc đáo.
Chợ nổi Cái Bè là nơi trung chuyển của nhiều miệt vườn xa xôi nên các mặt hàng ở đây rất đa dạng và phong phú, từ hàng nông sản đến đồ dùng gia đình; từ hàng vải, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… rồi cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Khu vực buôn bán trái cây nằm ở vàm chợ nổi, dọc theo cù lao Tân Long, dài tới cả cây số. Ghe thuyền từ TP.HCM, Long An, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau… tới để mua hàng. Vì thế, nơi đây đã trở thành chợ đầu mối lớn nhất khu vực miền Tây.
Theo nhiều người dân ở đây cho biết, mỗi phiên họp chợ có khoảng 400 - 500 thuyền đầy ắp các loại trái cây neo dọc hai bên sông. Từ đây, hàng hóa được đưa lên các chợ trên đất liền, sang lại cho các ghe, tàu nhỏ hoặc phân phối dọc theo các dòng kênh, sông chằng chịt của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Bằng sự dịu dàng, chân chất của người miền Tây, người dân trên chợ nổi nhiệt tình trong từng câu chuyện với chúng tôi. Thậm chí, họ còn nồng nhiệt mời chúng tôi thưởng thức những món đặc sản mà không hề tính toán thiệt hơn. Sự tấp nập của cuộc sống mưu sinh của người dân tứ xứ đã tạo nên một vẻ đẹp văn hóa thuần quê, mang trong mình những "thần sắc" của vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ.
Gia đình anh Hà Đức Thắng (46 tuổi, Sóc Trăng) mưu sinh trên chợ nổi Cái Bè bằng nghề bán dưa hấu
Nơi chuyên chở những mảnh đời trôi nổi
Khi mặt trời lấp ló phía chân trời, dừng chân ở một chiếc ghe chở đầy khoai mở, chúng tôi có một cuộc trao đổi vội với chủ ghe. Dù chỉ là chiếc ghe bé nhỏ nhưng nó đã nuôi sống đại gia đình bà Lê Thị Đào (63 tuổi, quê ở Đồng Tháp) mấy chục năm nay.
Với giọng nói yếu ớt vì thức đêm, bà Đào cho hay: "Lúc trước, gia đình tôi làm ruộng,ë nhưng cuộc sống khắc nghiệt, lại không đủ ăn và nuôi các con nên vợ chồng tôi đã vay mượn, bán ruộng đất nhà cửa mua được chiếc ghe để làm ăn. Sau gần ba năm, lặn lội tìm mối mua bán, vợ chồng tôi chật vật lắm mới trả được số nợ đó. Để có hàng bán, gia đình tôi phải sang tận Long An để thu mua hàng hóa".
"Cuộc sống của gia đình cứ thế lặng lẽ trôi qua, chín đứa con của chúng tôi lớn lên và gắn liền với cuộc sống trôi nổi trên sông theo ba mẹ mà không đứa nào được ăn học. Cho đến bây giờ, tám đứa đã có gia đình riêng và vẫn tiếp tục mưu sinh xung quanh khu vực chợ nổi Cái Bè. Dù cho cuộc sống hiện tại đã tạm ổn nhưng tôi thấy phiền lòng khi nghĩ đến tương lai của các con, các cháu của mình vì chúng không có một chữ bẻ làm đôi", bà Đào chua xót.
Từ vùng xứ bún mắm Sóc Trăng, gia đình anh Hà Đức Thắng (46 tuổi) đang tất bật với ghe chở đầy những trái dưa hấu. Dừng tay trong giây lát, anh nói giọng vội vã: "Chúng tôi mưu sinh trên khúc sông này dễ cũng được hơn hai mươi năm rồi. Hồi đó ở quê, vợ chồng tôi làm vườn nhưng chẳng đủ ăn. Góp nhặt mãi, tôi mới mua được một chiếc ghe nhỏ để đi buôn hi vọng cải thiện đời sống cho cả gia đình.
Được nhiều bạn bè chỉ dẫn, chúng tôi đến tận Bến Tre để mua dưa về bán lại. Những ngày đầu buôn bán trên sông, gia đình gặp phải bao nhiêu khó khăn vất vả, phải tiết kiệm lắm mới đủ hai bữa ăn đạm bạc cho các con. Trời nắng thì không có vấn đề gì nhưng nhiều hôm mưa to, tôi phải lặn lội giữa trời mưa để tát nước ra khỏi chiếc ghe vì sợ ngập chìm cả nhà".
Bên cạnh anh là cô con gái 5 tuổi, hồn nhiên nói về gia đình mình khi được chúng tôi hỏi thăm: "Năm nay con lên bốn tuổi nhưng chưa được đi học mẫu giáo vì ba mẹ còn bận làm ăn. Con thấy rất thích nhìn các bạn đến trường trên vai những chiếc hình con thú mỗi khi theo ba mẹ lên cạn". Nhìn đứa con gái bé nhỏ của mình, anh Thắng lắc đầu trong im lặng rồi nói: "Con bé lanh lợi và rất thông minh nhưng tôi định đợi cháu đủ tuổi học lớp 1 mới gửi cho đi học vì hai vợ chồng xa nhà cả tháng không chăm sóc được".
Lướt qua bao nhiêu gian hàng, chúng tôi ghé vào một chiếc ghe hay còn gọi là "trạm" xăng dầu trên chợ nổi của gia đình chị Trần Thị Tuyết Minh (46 tuổi, quê tại Cái Bè). Trải qua 24 năm vất vả với cuộc sống sóng gió trên sông, chị Minh cho biết: "Là người dân ở đây nhưng vì cuộc sống quá thiếu thốn, gia đình tôi đã chuyển hướng kinh doanh xăng dầu trên chợ nổi. Những ngày đầu tiếp xúc với mùi hôi của dầu, tôi phát ốm lên và chẳng ăn uống được gì vì để dễ bán cho người dân chúng tôi thường bỏ vào những chiếc thùng mà không đậy nắp. Vì thế, nhiều hôm trời mưa bão, cả gia đình đành ngậm ngùi đổ bỏ những chiếc thùng xăng dầu vì bị trộn lẫn với quá nhiều nước mưa. Dù có nhiều vất vả, khó khăn nhưng cái nghề trôi nổi này trên sông đã nuôi sống cả gia đình bao nhiêu năm nay".
Trong tiếng máy nổ ầm ầm, anh Nguyễn Minh Kiệt, chủ chiếc ghe chở khách tham quan còn kể cho chúng tôi biết nhiều số phận bất hạnh trên chợ nổi Cái Bè. Anh cho hay: "Từ lúc về làm ăn trên chợ nổi này, tôi thật sự cảm động với hoàn cảnh của gia đình chị Ba Hùng. Chỉ với một chiếc xuồng máy bé nhỏ, hàng ngày, chị Ba vẫn lèo lái khắp nơi để bán nước cho người dân "xóm chợ". Một mình chị tự tay nuôi sáu người con khôn lớn khi người chồng mất vì bệnh tật đã mấy chục năm nay".
Thơ Trịnh