Cách xa thị trấn náo nhiệt, trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Hà Tĩnh (trung tâm Cai nghiện) nằm sâu giữa bạt ngàn núi rừng của xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên của tỉnh này. Đây là nơi ở luân phiên của những đối tượng đặc thù trong xã hội, đó là học viên cai nghiện và bệnh nhân tâm thần. Có những đối tượng chỉ đến đây một thời gian ngắn rồi đi, nhưng cũng có những người ở nơi đây đến hết cuộc đời. Dẫu đến, đi hay ở lại thì họ đều có chung ước vọng là được làm lại cuộc đời.
Sau ít phút trò chuyện, N.V.T (SN 1990, trú thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), một học viên đang cai nghiện tại trung tâm, không còn vẻ ngại ngùng, mà trải lòng với chúng tôi về quãng thời gian dài chìm ngập trong ma túy.
T. dính vào ma túy khi đang làm công nhân đóng tàu tại TP.Hải Phòng, cuộc đời T. dần trượt dài theo những chuyến "bay", "lắc", "đập đá" ở thành phố hoa lệ đó... Sa vào con đường nghiện ngập, T. bị sa thải. Không nghề nghiệp, T. nay đây mai đó rồi buộc phải trở về quê. Đầu năm 2016, T. được chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm Cai nghiện Hà Tĩnh.
"Sau 1 năm cai nghiện, em được trở về, tái hòa nhập cộng đồng nhưng lại tiếp tục bị bạn bè lôi kéo. Do không có bản lĩnh vượt qua nên chỉ sau 2 tháng, em tái nghiện và phải quay lại trung tâm. Sau khi dùng ma túy trở lại, em đã rất ân hận… Em vào đây lần thứ 2 nên không còn lạ lẫm, lại được các thầy, cô giúp đỡ tận tình, đến nay đã cắt cơn. Lần này, em quyết tâm cai nghiện thành công và không tái nghiện nữa. Em muốn làm lại cuộc đời, có công việc làm chứ không muốn sai lầm thêm nữa”, T. trầm giọng.
Cũng là 1 học viên đang cai nghiện tại trung tâm, nhưng T.V.H. (SN 1985, trú thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) lại là một trong số ít đến trung tâm Cai nghiện theo diện tự nguyện. H. tâm sự, do bản tính ham vui, H. dần trượt dài theo những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng với ma túy và chất kích thích. Khi tái nghiện, bản thân H. rơi vào ngõ cụt, thân tàn ma dại và khát khao muốn thoát khỏi cuộc sống đầy sai lầm, tội lỗi ấy. Khát vọng muốn làm lại cuộc đời đã khiến H. có động lực tự mình bắt xe ôm vào trung tâm.
"Trong lúc tôi đang lên cơn nghiện, chân tay run lẩy bẩy đứng trước cửa trung tâm, cán bộ nơi đây đã dang rộng vòng tay đón nhận. Tôi quyết tâm cai nghiện để được làm lại cuộc đời, để có 1 gia đình ấm êm như bao người bình thường khác", H. nghẹn lại.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc trung tâm Cai nghiện chia sẻ, mỗi một em học viên vào đây đều có hoàn cảnh, số phận khác nhau, có người vì hư hỏng sa ngã sớm, có người thì vì bố mẹ ly hôn, thiếu thốn tình cảm gia đình… nhưng họ đều có chung mong muốn đó là cai nghiện thành công để có cơ hội làm lại cuộc đời.
"Tôi và các cán bộ ở đây thường xuyên trò chuyện, động viên các em; đặc biệt là những em chuẩn bị được tái hòa nhập cộng đồng thì việc phối hợp với gia đình định hướng nghề nghiệp cho các em là rất quan trọng. Điều này đóng vai trò quyết định giúp các em không tái nghiện trở lại, vững vàng tâm lý và xác định được mục tiêu cuộc sống để cố gắng", ông Sỹ nói.
Theo ông Sỹ, việc trị liệu cho học viên sử dụng ma túy đá gặp rất nhiều khó khăn do thời gian hồi phục kéo dài, học viên sử dụng dạng ma túy khác chỉ 8 đến 10 ngày là cắt cơn, giải độc xong còn học viên sử dụng ma túy đá thực tế phải kéo dài đến 3 tháng. Mặt khác, các học viên sử dụng ma túy đá luôn có biểu hiện ảo giác, loạn thần, mất tự chủ hành vi, đập phá, đêm không ngủ… nên cán bộ trị liệu, quản lý rất vất vả và luôn phải trong tư thế chủ động phòng thủ và phải tự trang bị kỹ năng phòng vệ cho mình để bảo đảm an toàn tính mạng.
Là người công tác tại trung tâm Cai nghiện từ những ngày đầu thành lập, anh Nguyễn Văn Quế (SN 1977, cán bộ bệnh xá) đã phải trải qua những giai đoạn cực kỳ gian nan. Cũng như những cán bộ khác, 3 ngày 3 đêm túc trực ở bệnh xá, anh Quế mới được về nhà nghỉ 1 đêm. Thế nhưng, mỗi lúc có "động", anh lại phải tức tốc chạy xe đến để hỗ trợ cùng anh em đồng nghiệp.
“Anh em chúng tôi làm việc ở đây đều đa năng, vừa phải biết về nghề y, vừa là bảo vệ, lại vừa là người giúp việc. Mỗi khi học viên cai nghiện bị ảo giác hoặc đối tượng tâm thần lên cơn thì nguy hiểm luôn cận kề chúng tôi. Sứt đầu, mẻ trán là chuyện thường tình. Nguy hiểm nhất là một số học viên, đối tượng mang bệnh lây nhiễm vào trung tâm, trong đó có cả HIV. Vì thế chúng tôi vừa phải giáo dục, tuyên truyền cho đối tượng, vừa phải biết cách phòng ngừa cho mình để không ảnh hưởng đến vợ, con, gia đình. Những cán bộ, nhân viên ở đây, làm việc ngoài trách nhiệm tôi nghĩ còn là vì tâm huyết, chứ nếu không sẽ không thể "trụ" được”, anh Quế nói.
Trung tâm Cai nghiện Hà Tĩnh hiện đang có 137 đối tượng, trong đó có 81 học viên cai nghiện và 56 đối tượng tâm thần. Đây cũng là trung tâm duy nhất trên cả nước vừa có chức năng giáo dục học viên cai nghiện, vừa chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân tâm thần. Trung tâm hiện có 27 cán bộ, nhân viên, trong đó có 9 biên chế, còn lại là nhân viên hợp đồng và chủ yếu là nam giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bản lĩnh, tâm huyết để "chung thủy" với chốn này. Từ lúc thành lập cho đến nay (Trung tâm Cai nghiện Hà Tĩnh được thành lập từ năm 2013) đã có rất nhiều cán bộ, nhân viên thuộc diện biên chế nhưng vẫn xin thôi việc vì không chịu được áp lực.
Vốn khó khăn còn nhiều, nhưng theo ông Sỹ, cán bộ, nhân viên trung tâm lúc nào cũng trong tình trạng lo lắng, bất an bởi hệ thống hàng rào cứng bao quanh trung tâm chỉ được xây dựng phía trước còn 3 phía sau thì để trống, một số đoạn được đổ cột bê tông rồi nhưng không được tiếp tục thi công gây lãng phí. Tình trạng này dẫn đến nhiều lần đối tượng cai nghiện khi được đưa ra lao động bên ngoài đã chạy trốn khỏi Trung tâm, người ngoài xâm nhập vào trộm cắp và nhiều đối tượng lợi dụng đưa các vật cấm vào gây bất ổn trong Trung tâm, tạo thêm áp lực cho cán bộ, nhân viên ở đây.