Những phận đời quanh lò hỏa thiêu

Thứ 6, 28/12/2012 00:07

"Không yêu nghề thì không làm được đâu! Thú thật lần đầu vào đây cũng vì cuộc sống, sau riết rồi ngấm vào máu thịt".

Anh Lộc - Phó giám đốc lò thiêu - chỉ cho tôi 4 đài làm lễ được sự điều khiển của một trung tâm chính trong gian phòng giữa có loa điều hành để chỉ đạo công việc.

Ghép chữ thành tên người mất để làm lễ hỏa thiêu

Khi đến giờ "đưa" một người đi, bộ phận mai táng sẽ đưa quan tài vào Đài và làm lễ chừng 20 phút. Xong, trung tâm điều hành sẽ chỉ đạo bằng loa để nhấn nút đưa quan tài xuống lò thiêu. Người nhà không được vào trong mà nhìn mọi việc qua tấm kính trong phòng chờ.

Khi quan tài xuống lò thiêu, một nhân viên bên dưới sẽ nhấn nút để thiêu. Thường thì mỗi người sẽ phụ trách hai lò và mỗi lần thiêu là từ 2 - 3 tiếng đồng hồ mới xong. Lò thiêu Bình Hưng Hòa hiện có tổng cộng 13 lò - 11 cái lớn và 2 cái nhỏ. Các anh dùng từ "xưởng sản xuất" để chỉ về khâu dưới lò thiêu và giải thích gọi tránh như thế cho thấy nhẹ lòng.

Vẫn biết nghề nào chân chính cũng đáng quý và công việc kiếm tiềm lương thiện nào cũng là niềm tự hào của mỗi con người, nhưng theo các anh tâm sự thì mới vào làm ai cũng có cảm giác não nề, khi ngày ngày tiếp xúc với những cái quan tài. Đến "nhà máy" là đã thấy quan tài và nước mắt, có nhiều đám tang người thân chết còn quá trẻ nên các ông bố bà mẹ gào khóc thảm thương.

Nhìn cảnh đó dù đã quen nhưng các anh cũng cảm thấy sống mũi mình cay cay, chẳng ai có thể quen được với nỗi đau và nước mắt, dù có là sắt đá. Ngày ngày chứng kiến nhưng khi nào các anh cũng thấy mình đồng cảm với mất mát chứ không hề chai sạn như một số người vẫn nghĩ.

Nhân viên bấm nút để thiêu xác

Nguyễn Văn Tròn - Người có thâm niên 31 năm làm công việc này - tâm sự: "Không yêu nghề thì không làm được đâu! Thú thật lần đầu vào đây cũng vì cuộc sống thôi, sau riết rồi ngấm vào máu thịt".

Anh kể mới đầu vào cũng sợ, mỗi khi đến ca trực dù ban đêm hay ban ngày đều muốn có ai đó làm cùng, sau dần dần chẳng thấy gì nên ngủ luôn cả đêm trong lò thiêu. Tôi không tin là anh Tròn có thể ngủ qua đêm được trong cái phòng toàn là cốt người ấy, tất cả các anh đều cười nói đó là chuyện thường ngày. Anh thanh niên tên Cường 32 tuổi nhìn trẻ trung tươi rói nói với tôi rằng anh ngủ suốt, mỗi ca trực canh lò là ngủ luôn, ngủ một mình.

Kỳ lạ là ở trong lò thiêu này có cả những người trong một gia đình làm, nối tiếp từ thế hệ cha đến con. Tôi hỏi chú Huỳnh Văn Trung, gần 60 tuổi, có khi nào hối hận khi chọn công việc này không, chú nói nếu hối hận đã không đưa cả hai đứa con chú là Huỳnh Văn Thanh và Huỳnh Văn Châu cùng vào đây làm việc.

Cả đời chú từ khi 20 tuổi đến giờ đã gắn bó với công việc này, khi mỗi ngày được làm tròn khâu cuối cùng tiễn đưa mỗi con người về bên kia thế giới. Hơn 30 năm đã trôi qua, chú Trung giờ cũng gần nghỉ hưu. Vì sức khỏe nên chú được ra ngoài làm công việc nhẹ hơn, nhưng với chú quãng thời gian được đứng bên lò thiêu để ở cùng người chết những phút cuối cùng trước khi thành tro bụi đó là niềm hạnh phúc, bởi không dễ gì đời một con người ai cũng có phút giây đó.

Chú cũng thường nói với các con cháu của mình rằng đừng nghĩ công việc canh lò thiêu là công việc gớm ghiếc và đáng sợ, bởi những người chết đi không có gì đáng sợ, mình cứ lo sợ ma quỷ là do bản thân mình nghĩ ra thôi.

Nói đến chuyện ma quỷ, cả 17 nhân viên làm công việc ở lò thiêu thì tất cả đều khẳng định chẳng có, dù có người làm trên 30 năm, người một vài năm.

Tủ chứa cốt chuẩn bị giao cho người thân

Tôi hỏi làm công việc này người nhà có cấm cản gì không, các anh nói thoạt đầu cũng hơi e ngại nhưng sau đó hiểu ra thì ai cũng động viên và rất thông cảm. Như anh Cường, người yêu không bao giờ thắc mắc hay than phiền cái nghề của anh.

Ngoài công việc đứng lò thiêu ra các anh còn phụ trách cả khâu nhặt cốt, bởi khi "ra lò" có hai loại được phân ra rõ ràng - phần tro và phần cốt. Phần cốt là của người còn phần tro là phần gỗ hòm. Phần cốt màu trắng ít hơn, phần tro màu đen nên dễ phân biệt, dù như thế nhưng người phân loại cũng cần khéo léo và cẩn thận bởi chỉ cần một lỗi nhỏ thôi là đã thấy rất đau lòng và thấy mình có lỗi với người quá cố. Sau khi lựa chọn xong có một bộ phận ghi tên tuổi của người mất và bỏ vào hũ để giao cho người nhà.

Những công việc ấy tưởng chừng như rất đơn giản nhưng thực sự cần sự tỉ mỉ, chịu khó và cần cả một tấm lòng. Hỏi tại sao lại chọn công việc này, các anh nói đó là duyên phận, trong cuộc đời mỗi con người công việc cũng là "duyên phận". Và họ chính là những thiên thần không cánh, lặng lẽ ở trần gian làm điều phúc thiện. Cái điều phúc thiện ấy không phải ai cũng biết, nhưng có lẽ họ cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ cần ai đó biết đến mình, bởi với họ tình yêu con người tha thiết và cái tâm trong nghề mới là cái họ quan tâm nhất.

Tô Hương Sen

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.