Chúng tôi không phê phán hay oán trách, càng không muốn khơi dậy nỗi đau của bất cứ ai. Thế nhưng những điều chứng kiến khiến chúng tôi cũng không khỏi giật mình...
Những phản hồi yếu ớt...
Chiếc cổng tre cũ kỹ đã nhiều vết mối mọt mốc đen dẫn lối đưa chân chúng tôi đến trước ngôi nhà tiêu điều của ông Lê Văn Ngà, ông nội Lê Văn Luyện. Ông Ngà bước chân ra từ phía hai gian nhà vách đất với ánh mắt dò xét, ngại ngần. Ông liên tục hỏi chúng tôi tên gì? Từ đâu đến? Đến nhà ông có việc gì?... khiến chúng tôi bối rối. Một người phụ nữ còn khá trẻ bước ra, dè dặt mời chúng tôi vào nhà.
Ngôi nhà ông nội hung thủ Lê Văn Luyện không có một thứ gì đáng giá - Ảnh: Dương Thu.
Có lẽ lâu lắm rồi, nhà ông Ngà không có khách đến chơi. Chén nước trên tay chúng tôi còn nguyên những vệt bã chè cáu bẩn tự bao giờ. Ông Ngà loay hoay cạp nốt chiếc rổ đang làm dở, không màng gì đến sự xuất hiện của hai vị khách lạ. Những câu hỏi ban đầu dồn dập thả về phía chúng tôi không cần đến câu trả lời. Có lẽ ông chỉ hỏi theo một phản xạ tự nhiên, hỏi vì một nỗi sợ hãi cố hữu nào đó.
Ông Ngà thủng thẳng: "Các cô lại đến điều tra cái gì nữa? Tù thì tù rồi, tiền thì nhà tôi không có đâu. Hai ông bà già chạy ăn từng bữa, có mỗi sào ruộng, lấy tiền đâu mà đền bù. Nó làm thì nó chịu. Chúng tôi đâu kiểm soát được cuộc sống bên ngoài xã hội của nó mà biết để ngăn cản hành vi tội lỗi. Đến bố mẹ nó còn không kiểm soát được nó huống hồ là thế hệ ông bà già như chúng tôi"...
Ông Ngà rất tránh những câu giao tiếp với chúng tôi. Hỏi về đời sống, về công việc đan rổ cạp rá thì ông còn gượng trả lời, còn những câu hỏi khác, ông ý chừng không muốn tiếp. Phải lân la chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi mới có thể tiếp cận được câu chuyện theo những điều chúng tôi muốn hỏi. Đằng sau nét khắc khổ, già nua trên khuôn mặt đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông Ngà dường như vẫn còn ám ảnh lắm về những tội lỗi do cháu mình gây ra.
Chị Lê Thị Nam, con gái ông Ngà, cô ruột của Luyện, chia sẻ: "Bây giờ ông khó tính lắm, lại hay giận dỗi. Người lạ hỏi gì ông cũng chỉ nói một câu không biết. Chuyện xảy ra rồi, cứ mỗi lần nhắc lại là đau buồn lắm. Có ai ngờ cơ sự lại nên nông nỗi này. Tôi cũng vì thương cha thương mẹ, mà về đây ở với ông bà, chăm nom khi ốm đau. Ngoài ra cũng chẳng biết làm gì hơn nữa".
Cũng theo lời chị Nam, từ khi xảy ra chuyện đau lòng, ông Ngà hầu như không ra khỏi nhà. Những lời dị nghị của hàng xóm láng giềng tuy không ai nói trực tiếp vào mặt nhưng lời xa tiếng gần vẫn lọt vào tai. "Những câu chửi đổng không chủ ngữ như kiểu: "Ở Thanh Lâm mà có cái ngữ giết người dã man như vậy à"; hay "độc ác, vô nhân tính", chúng tôi bây giờ chỉ biết ngậm tăm mà chấp nhận thôi, không còn biết nói sao nữa. Dù sao cũng là lỗi do con cháu nhà mình gây ra", chị Nam ngậm ngùi cho biết.
Bà nội Luyện thì chọn cách khác để quên đi những nỗi niềm tủi hổ. Ngày nào bà cũng lên đồi vải hoặc ra đồng dọn cỏ cho vài sào ruộng cằn cỗi. Hầu hết thời gian của bà là ở ngoài đồng, ở đồi, chỉ có bữa cơm trưa và tối muộn, bà mới xuất hiện ở nhà.
Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông Ngà nhiều lần nhắc đến chữ tiền. Ông luôn miệng nói nhà tôi không có tiền, tôi không có tiền nên phải tự làm đồ để sống, nhà không có tiền nên không đi thăm cháu được... Ông Ngà cho biết: "Để có tiền bồi thường cho bên bị hại, chúng tôi phải đợi bán được nhà. Ngôi nhà tuy địa điểm rất đẹp nhưng xem ra thật khó có người mua. Bây giờ nhà bỏ không, chẳng ai còn dám ra đó nữa”.
Chúng tôi cảm nhận rằng với người đàn ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn còn những ám ảnh khá lớn không chỉ là vì tội ác của người cháu nội mà còn là nỗi ám ảnh về khoản bồi thường cho gia đình nạn nhân. Ông Ngà nói: "Nhà nội chẳng còn ai, các con gái tôi đã đi lấy chồng xa. Mọi việc liên quan đều ủy quyền cho bên nhà ngoại lo. Tôi không biết, không lấy đâu ra tiền để trả cho người ta được".
Ông Lê Văn Ngà vẫn còn nhiều ám ảnh, day dứt về tội lỗi của cháu nội mình gây ra - Ảnh: Dương Thu.
"Muốn xin lỗi lắm, nhưng..."
Ông Ngà vẫn loay hoay tìm chiếc nan dẻo, để cạp cho xong vành cái rổ đang làm dở. Không hiểu sao hôm nay tay ông không được chuẩn như mọi khi, cạp cái nào là nan giòn, nan gãy. Thi thoảng ông mới chia sẻ những điều gan ruột của mình. Khi chúng tôi đề cập đến Luyện, phải khéo léo và kiên trì lắm, ông mới chịu mở lời. "Nó gây ra tội thì pháp luật trị tội nó. Chúng tôi đâu dám phàn nàn. Người ta chửi cũng đành ngậm bồ hòn. Thôi thì tốt nhất tìm công, tìm việc ở nhà mà làm. Ra ngoài gặp ai người ta cũng xét nét, mà chẳng biết nói gì".
Tôi mạnh dạn hỏi ông về việc gia đình bị hại có ý trách oán gia đình ông đã không một lời xin lỗi, hay nén nhang thơm thành kính từ ngày chuyện xấu xảy ra. Ông Ngà vẫn cái giọng thủng thẳng tâm sự: "Con dại cái mang. Tôi là ông nội nó cũng thấy day dứt trước những tội lỗi mà nó gây ra. Chúng tôi muốn sang lắm, muốn cúi đầu trước những vong linh người đã mất để cho lòng được thanh thản.
Nhưng bản thân chúng tôi rất sợ cái giận của người nhà nạn nhân sẽ không ủng hộ cho hòa khí của chúng tôi. Nỗi đau của họ quá lớn. Chúng tôi đâu dám oán trách một lời. Có lần chúng tôi đã ra xã đề cập, nhờ chính quyền can thiệp giúp đỡ và cử người đưa chúng tôi sang bên đó để thắp nén hương chia buồn. Nhưng cán bộ xã khi đó có trả lời chúng tôi rằng, xã không can thiệp vấn đề này, đó là chuyện riêng của hai gia đình, tự giải quyết. Không có chính quyền hỗ trợ, thú thật, chúng tôi có gan mấy cũng không dám lại nhà nạn nhân. Tội tày trời của con cháu mình, sao tránh khỏi sự phẫn nộ không kiểm soát của họ?".
Trụ sở UBND xã Thanh Lâm đối diện với nhà của Lê Văn Luyện. Ngôi nhà lâu nay vắng người qua lại, hầu như không ai dám đến, kể cả mẹ Luyện cũng chưa một lần quay lại đó. Liên hệ với chủ tịch xã Giáp Huy Thường, chúng tôi phải đợi chừng hơn nửa tiếng đồng hồ (từ 15h30 - 16h hơn) mới được diện kiến vị chủ tịch xã với lý do "Chủ tịch tranh thủ về nhà để chỉ đạo công việc xây cất căn nhà 3 tầng cách cổng UBND chừng hơn 10m" (lời của một cán bộ văn phòng - PV).
Ông Thường giải thích cho việc chính quyền từ chối giúp đỡ nhà ông Ngà: "Đó chỉ là ý định ở trong đầu của họ, chứ họ không nói ra thì làm sao chúng tôi biết được. Khi vụ án chưa được đưa ra xét xử, người nhà Luyện có nói mong muốn địa phương giúp đỡ để sang thắp hương vì sợ bị trả thù. Nhưng tôi cho rằng, chỉ có nhà ông trả thù người ta chứ người ta thèm gì trả thù ông. Chúng tôi làm sao biết ý định gia đình ông mà nói với ông đi xin lỗi người ta được.
Muốn gì thì gia đình phải ra xã đặt vấn đề và chờ xã sắp xếp. Nếu không liên hệ được với xã Sơn Phương, bố trí người đi theo can thiệp, nếu xảy ra chuyện trả thù thì chúng tôi làm sao chịu trách nhiệm được?!. Từ ngày đó đến nay, chúng tôi không thấy gia đình ra đề cập vấn đề này nữa".
Không đi thăm cháu vì không có tiền Ông Ngà cho biết: "Tôi đã bằng này tuổi đầu rồi, không biết có còn sống được đến ngày cháu mãn hạn tù không. Muốn đi thăm cháu lắm nhưng tiền không có, sức khỏe cũng không. Thôi thì chỉ biết sống cuộc sống của mình cho hết cuộc đời này. Chua xót lắm! Nghiệp chướng đến bạc đầu vẫn không tránh khỏi. Cái số tôi kiếp trước không biết có tội với ai mà bị trời đày nên nỗi kiếp này cháu con đều vướng vòng lao lý". |
Thu Dương - Phạm Hạnh