Những phận người 'tầm gửi' nơi cửa Phật

Những phận người 'tầm gửi' nơi cửa Phật

Thứ 5, 14/03/2013 08:38

Bữa cơm thật đạm bạc, thức ăn chủ yếu là rau, nhưng nhìn ánh mắt ấm áp của các cụ tôi nhận ra rằng, các cụ đang hạnh phúc.

"Kí túc xá"dành cho người già

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến với chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) nhưng khác với những lần trước, chuyến đi lần này đã đặc biệt gây sự chú ý đối với tôi bởi không chỉ trẻ em mà cả những người già cũng tìm đến chùa xin nương tựa. Không có giường tầng nhưng nơi ở của những người già chùa Bồ Đề giống như kí túc xá của sinh viên, nên tôi mạn phép gọi khu sinh hoạt của các cụ là kí túc xá dành cho nguời già. Mỗi phòng có 18 cụ, giường ngủ được sắp xếp gọn gàng. Mỗi người tự bảo quản tư trang cá nhân và gói gọn trên chiếc giường đơn ấy.

"Những người khỏe thì sáng ra đi dọn cỏ một lúc cho khỏe người, những người yếu hay bị bệnh khớp thì ở nhà tự dọn dẹp chỗ ở", bà Dâu cho hay. Công việc nấu bếp do một tay bà Huệ đảm đương. Dù đã hơn 70 tuổi nhưng bà Huệ vẫn còn khỏe, vẫn có thể đi chợ và nấu cơm cho cả khu nuôi dưỡng người già và em nhỏ tại chùa. Những người khác vẫn thường đến đây giúp bà làm bếp suốt. Khi thì họ nhặt rau, khi thì thái hành, cà chua. Các món ăn ở đây cũng đơn giản, thường là các món chay.

Xã hội - Những phận người 'tầm gửi' nơi cửa Phật

Bữa cơm đạm bạc, nhưng các cụ vẫn cảm thấy ấm lòng

Ai vào chùa cũng đều có hoàn cảnh riêng. Có người vì không nhà, không chồng con. Có người bị con cái hắt hủi, nhưng có người lâm vào bước đường cùng, sa cơ lỡ vận nên phải vào nương nhờ cửa Phật.

Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Nga (72 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội) mới vào chùa 5 tháng. Cuộc đời bà như thước phim quay chậm gắn liền với những ngày tháng chiến tranh khốc liệt. Sinh ra trong một gia đình gia giáo ở ngoại thành Hà Nội, được đi học hết lớp bảy trường Tây (tương đương THPT hiện nay). Mười sáu tuổi bà tham gia Thanh niên xung phong tại chiến trường Quảng Trị. Sau ba năm phục vụ ở chiến trường, bà về quê lấy chồng làm thợ cắt tóc ở phố Khâm Thiên, còn mình làm công nhân ở nhà máy gạch Phổ Yên, Bắc Thái (Thái Nguyên). Tưởng chừng bà có gia đình yên ấm với ba cậu con trai khỏe mạnh. Ấy là hạnh phúc mà nhiều người mơ ước trong thời chiến. Bà nghẹn ngào, đưa tay lau những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã chấm điểm đồi mồi nhớ về những ngày tháng đau thương ấy.

Những ngày bom Mỹ dội xuống Hà Nội, căn nhà hạnh phúc của bà bị bom đạn vùi dập, chồng và ba con bà tử nạn. Nhận được tin dữ, bà lặn lội từ Thái Nguyên về. Bà hoàn toàn suy sụp, gào thét tìm kiếm xác chồng, con trong đống đổ nát. Nỗi đau quá lớn đè nặng lên đôi vai gầy của người thiếu phụ 21 tuổi. Hoảng loạn và đau xót tột cùng, bà bỏ nhà đi lang thang với hi vọng tìm được những người thân trong gia đình. Ròng rã gần ba năm trời, với hành trang là chiếc làn đựng quần áo, hình nộm trẻ con mà bà vẫn coi đó là cậu con trai út mới gần một tuổi, bà đi khắp Hà Nội, các tỉnh lân cận tìm con. Bà được đưa vào chữa trị tại Trại thương điên Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) gần năm năm, tinh thần của bà dần ổn định. Tuy nhiên, bà thường bị những cơn đau đầu hành hạ vào những ngày thời tiết thay đổi.

Sau đó, bà được đưa về phố Khâm Thiên sống cùng người họ hàng. Hàng ngày, bà bán nước bên ga Hà Nội để nuôi sống bản thân. Bán nước thu nhập chẳng là bao nhưng cốt là được nhìn thấy mọi người là bà vui rồi. Ở đây, bà quen mặt cả xe ôm, cô bán vé. Quán bà lúc nào cũng có tiếng nói chuyện. Thấy bà còn son sắc, lại một thân một mình lủi thủi đi về nhiều người ngỏ ý với bà nhưng bà đều từ chối vì không muốn phiền đến ai. Nhưng việc bán nước cũng ngày càng khó khăn, người hàng xóm khuyên bà nên xin vào chùa Bồ Đề để sống nốt quãng đời còn lại.  Nghĩ lại mà tủi phận mình, có chồng có con đàng hoàng mà cuối đời lại phải vào nương nhờ cửa Phật.  Bà ngậm ngùi, ánh mắt nhìn xa xăm vô định.

Những phận đời“tầm gửi”

Đi dạo quanh chùa, chúng tôi bắt gặp ông Hoàng Văn Bồng (Hoàng Hóa, Thanh Hóa) đang cặm cụi xúc cát. Từng giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt xương xương và thấm đẫm chiếc áo đã ngả màu nâu. Đưa ngang tay quệt nhanh mồ hồi, ông cười hề hà và nói:  "Tôi làm thế cũng quen rồi. Tôi vẫn còn khỏe thì vẫn giúp được sư thầy”. Xuất thân từ vùng quê Thanh Hóa đầy nắng gió, đất đai cằn cỗi, ông từng có gia đình yên ấm. Ba người con của ông lần lượt ra đời. Nhưng số phận thật nghiệt ngã, mấy người con của ông sinh ra khỏe mạnh nhưng lại không bình thường về thần kinh, nhất là cô con gái thứ ba của ông thường đi lang thang. Trớ trêu thay, người vợ vốn ốm yếu của ông trước tình cảnh gia đình như vậy cũng bỏ ông ra đi. Gánh nặng mưu sinh lại đè nặng lên vai ông. Ông đã từng bươn chải nhiều nghề, đôi bàn tay chai sạn đã từng làm thợ phụ hồ, bốc vác, kéo xe thuê song cái nghèo, cái đói vẫn bám riết lấy cha con ông.

"Ở cái tuổi gần đất xa trời thế này, tôi cũng chỉ muốn yên phận, ăn nhờ lộc Phật thôi",  ông Bồng chia sẻ. Ông đã ở đây năm năm, ông vẫn còn khỏe, còn tinh tường nên vẫn phụ giúp những công việc của nhà chùa: Vận chuyển vật liệu xây dựng, quét sân, dọn cỏ.

Rời chùa Bồ Đề vào buổi chiều muộn, cái lạnh của những ngày Hà Nội chuyển gió mùa đang len lỏi vào từng ngõ phố, tôi ra về mà lòng còn mang nặng nỗi cám cảnh cho những số phận không may mắn, bất hạnh phải tìm đến nương nhờ cửa Phật. Chiều tàn, bóng tối dần buông xuống, đặc quánh như số kiếp lênh đênh đã từng bám đuổi họ.                                                                                       

Gia Lê

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.