Theo Nghị quyết 02 ngày 7/1 của Chính phủ về chủ trương giải cứu bất động sản, các ngân hàng phải dành một lượng vốn khoảng 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay đầu tư, kinh doanh và thuê mua nhà.
Trong một động thái tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo thông tư quy định lãi suất cho vay là 6% mỗi năm. Đồng thời, theo dự kiến Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan sẽ có cuộc họp bàn lần cuối cùng trước khi đưa gói tín dụng 30 ngàn tỷ cho vay mua nhà ra thị trường.
Những thông tin nói trên đã ngay lập tức gây được sự quan tâm của nhiều người và không ít chuyên gia nhận định, gói hỗ trợ này giống như một "cái bẫy".
Phát biểu về những vấn đề nói trên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành chia sẻ: "Cho vay mua bất động sản với lãi suất không cố định chẳng khác nào nhử người ta vào cái bẫy lãi suất thấp. Khi người ta chui vào rọ rồi thì lãi suất có thể đẩy lên tới mức nào tùy thích, điều đó là không thể chấp nhận được. Bởi hầu hết những người ít tiền mới đi vay để mua nhà.
Họ sẽ tính toán khả năng trả lãi hằng tháng dựa trên thu nhập của mình. Trong khi lãi suất chỉ cố định ba năm đầu, mà khi hợp đồng vay vốn mua nhà thường là 10-15-20 năm".
"Nếu sau ba năm lãi suất không phải 6% mà là 10%, thậm chí lên 60% thì sao? Tiền trả lãi hằng tháng thay vì 3 triệu thành 6 triệu, 9 triệu đồng thì những người này có trả nổi ngân hàng hay không?
Lãi không trả được, gốc cũng không, chẳng mấy chốc món tiền này thành nợ xấu. Nên rõ ràng cần phải nghiên cứu lại chứ hình thức lãi suất thả nổi sau ba năm cho mua nhà là chuyện bất khả thi", chuyên gia này nói.
Nói về mức lãi suất 6% mới của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng “mức lãi suất 6% vẫn là mức cao lãi suất nên giảm xuống ở mức 5% thì tốt hơn và cách tốt nhất là lãi suất cần phải cố định trong suốt thời gian người dân vay mua nhà”.
"Ở đây lãi suất chỉ cố định trong 3 năm rồi thả nổi sau đó sẽ vô cùng bất ổn. Không có gì đảm bảo lãi suất sẽ không vọt lên 19-20% như từng xảy ra. 6% họ còn chịu được nhưng nếu cao hơn thì có thể rơi vào bẫy tài chính. Nhiều người dân sẽ vỡ nợ", ông Hiếu nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm: "Thời hạn cho vay cần cần nới lên 20 năm, thậm chí 30 năm. Trong tín dụng cho vay mua nhà, quan trọng nhất là thời gian trả nợ, càng dài càng tốt và dù lãi suất có hơi cao một chút thì vẫn chịu được. Nếu lãi suất thả nổi thì nên quy định rõ việc điều chỉnh sẽ dựa trên những chỉ số cụ thể nào thay vì chỉ nói chung chung “dựa theo thị trường”.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính NH, đồng thời là một luật sư, ông Trương Thanh Đức cho rằng: “Lãi vay là một chuyện, quan trọng là tiền đâu để trả vốn gốc trong khi thu nhập bấp bênh? Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lại chờ chính sách “giải cứu” từ Nhà nước mà không tính toán lại để hạ giá BĐS sẽ khiến chính sách hỗ trợ của Nhà nước khó khả thi, người mua vẫn “đứng ngoài cuộc””.
“Gói 30 nghìn tỷ đồng có lẽ mang sứ mạng chỉ giống như một tiếng kẻng được đánh lên để cho mọi người biết là Chính phủ nói và làm đi đôi với nhau, nói tháo gỡ thì cũng có giải pháp để tháo gỡ, còn tháo gỡ có được hay không, lại là một câu chuyện khác”, đó là một nhận xét khác của phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng.
Khánh An (tổng hợp)