Trăm chiêu lách luật của con nhà giàu
Trong vai một bậc phụ huynh có con thường xuyên trốn học, tôi lân la ở quán nước khu vực Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), nơi tập trung nhiều trường tư thục liên kết, quốc tế. Tôi ngỡ ngàng với những chiêu trò trốn học của "tiểu gia". Theo lịch, thời gian ở trường của các "tiểu gia" kéo dài từ 7h30' sáng đến 16h hoặc 16h30'.
Ở trường, các "tiểu gia" bị kiểm soát sát sao, khó có thể bày ra những chiêu trò chơi bời. Ngoài cánh cổng nhà trường, lối sống vương giả của học sinh trường quốc tế thể hiện rất rõ. Chủ quán nước chia sẻ: "Việc trốn học bằng cách trèo tường hay vào giữa giờ học ở trường quốc tế gần như không xảy ra. Chiêu lách của học sinh trường này là trốn ngay khi xe đưa - đón học sinh đỗ ở cổng trường".
Hoàng Tùng (trường quốc tế V) kể: "Mặc dù có xe đưa đón nhưng chỉ cần xe chạy được nửa đường là em "giở" bài quên sách, vở… là có thể đàng hoàng xuống xe, với lý do quay về nhà lấy đồ. Sau đó, chúng em rủ nhau đi hưởng thụ cuộc sống vương giả ở chỗ khác". Những phi vụ trốn học chớp nhoáng như thế, hầu hết phụ huynh không phát hiện ra, trừ khi "tiểu gia" nghỉ dài ngày quá, nhà trường liên lạc về gia đình…
Theo như chị chủ quán nước ở Mỹ Đình và người dân xung quanh trường thì tình trạng trốn học của các "tiểu gia" không hiếm. Họ thường xuyên thấy học sinh mặc đồng phục trường đi chơi, thậm chí vào nhà nghỉ ngay cạnh trường, trong khi đang là giờ học.
Trường quốc tế: Nhiều học sinh sử dụng độc chiêu trốn học trước khi xe đưa đến trường (ảnh minh họa)
Thiên Kim - học sinh trường quốc tế H. (Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội) là con đại gia. Vì bị gia đình, nhà trường quản lý quá gắt gao nên không có điều kiện để hưởng thụ lối sống vương giả của "tiểu gia". Kim thường chọn những chuyến giao lưu để nâng cao trình độ do trường tổ chức định kỳ, trốn đi để mua sắm hàng hiệu tại những nước bản địa.
Theo đó, những món đồ thời trang nổi tiếng như Hermes, Chanel… cực "chất" luôn xuất hiện trong vali mỗi lần cô bé đi du học ngắn ngày kiểu này. Theo Kim, như thế mới là đẳng cấp, trốn đi chơi... là chuyện cũ rồi.
Qua tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, bên cạnh học phí "khủng" thì các "tiểu gia" học trường quốc tế cũng sở hữu những khoản chi phí mang tầm đẳng cấp, "khủng" hơn hẳn học sinh trường thường khác. Bởi, mỗi chuyến "tiểu gia" đi học hỏi ở nước ngoài do trường tổ chức thường mức chi phí vài từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Cũng theo bật mí của một số cậu ấm cô chiêu, nhiều chuyến xuất ngoại kiểu này thường sẽ bị "đội" chi phí lên gấp nhiều lần bởi "tiểu gia" còn tranh thủ cơ hội đi mua sắm hàng hiệu.
Vương giả đẳng cấp... quốc tế
Không khó để bắt gặp những học sinh trường quốc tế tại các nhà hàng sang trọng, quán bar, vũ trường, các tụ điểm ăn chơi nổi tiếng của giới thượng lưu ở Hà Nội. Tại đây, vào những tối trong tuần, các "tiểu gia" diện những trang phục đắt tiền và được đưa đón bằng xế hộp hạng sang, trở thành những con người hoàn toàn khác. Theo chân anh bạn đến khách sạn Metropole Hà Nội uống cà phê, tôi gặp được nhiều học sinh trường quốc tế và chứng kiến tận mắt lối chơi vương giả của họ. Thực đơn của quán hầu hết là những món ăn cao cấp và giá cũng cao cấp không kém.
Đang mải nói chuyện với anh bạn, bỗng nhiên cả hai giật mình vì tiếng phanh gấp của chiếc Audi A6 đỗ ở bên đường. Cậu này là khách quen, nhân viên phục vụ ở quán đều biết tên của cậu ta và ngay lập tức mang đồ uống quen thuộc ra phục vụ. Qua giới thiệu, tôi được biết, cậu ta tên H.N., học sinh trường quốc tế V.A. Hà Nội. H.N. kể: "Một tuần bọn em tụ tập thế này vài lần. Từ hồi được bố mẹ tặng cho con xe "cà tàng" Audi A6 này, em cũng chăm chỉ đi chơi hơn chị ạ". Nhìn sang H.N. và đám bạn, tôi giật mình khi thấy trên người các em toàn đồ hiệu đắt tiền của các hãng nổi tiếng thế giới.
Cô bạn gái với chiếc túi Channel giá cũng tới năm bảy nghìn USD. H.N. sở hữu chiếc thắt lưng hiệu Hermes cũng có giá tới cả nghìn USD. Điện thoại các "tiểu gia" này dùng "mèng" nhất cũng là iPhone, không thì Vertu, Mobiado ... Thậm chí, nhiều "tiểu gia" còn khoe, mình sở hữu thẻ V.I.P của hầu hết các cửa hàng bán đồ cao cấp tại các thành phố lớn ở Việt Nam và Singapore…
Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi tối thứ 6, thứ 7 không khó để thấy cận cảnh lối sống vương giả của "tiểu gia". Bắt đầu là màn ăn uống tại các nhà hàng sang trọng, "tăng" hai là đi đến các vũ trường, uống những chai rượu giá 2-5 triệu đồng trở lên. H.N. khẳng định: "Việc đi vũ trường là thường xuyên. Bước chân vào những chốn ăn chơi như thế thì "bèo" cũng phải "xài" Chivas 25, Ballantines 30. Giá bán trong vũ trường trên dưới 10 triệu đồng một chai…".
Qua tìm hiểu của PV, "tiểu gia" học trường quốc tế hầu hết là con chủ doanh nghiệp, tập đoàn lớn, được yêu chiều từ nhỏ, chưa biết đến lao động chân tay là gì. Thêm vào đó, chương trình học của các em tại các trường quốc tế lại kéo dài cả ngày, học ở trường là chính, bài tập về nhà hầu như không có nên các em lại càng có điều kiện để "vung tay" tiêu tiền và hưởng thụ lối sống vương giả.
Trường quốc tế: Nhiều học sinh biến chuyến du học ngắn ngày thành cơ hội mua sắm xa xỉ
"Tiểu gia" và cạm bẫy
Bố mẹ Hoàng Giang - học sinh trường quốc tế V. là chủ doanh nghiệp xây dựng. Trước đây, Giang theo học tại một trường dân lập thường nhưng với "thành tích" bất hảo nên hết trường dân lập thường để học, bắt buộc phải xin học trường quốc tế mới có cơ hội tiếp tục chuyện đèn sách. Để bằng bạn bằng bè, bố mẹ Giang không ngại chi tiền cho con mua sắm và ăn chơi.
Với bản tính hung hăng và chơi bời có sẵn, lại được bố mẹ cung cấp cho nhiều tiền, Giang đã bị một nhóm thanh niên xã hội lôi kéo vào các ngón chơi (hút, hít các loại chất ma tuý) để "kiếm tiền" từ "tiểu gia". Chỉ đến khi phát hiện trong cặp xách của con có thuốc lắc, bố mẹ Giang mới tá hỏa và hối hận vì sự nuông chiều con thái quá của mình.
Trường hợp của Hoàng Giang không phải cá biệt, nhóm bạn của H.N đã nói ở trên ngoài những lúc đi bar, tụ tập ăn uống, các "tiểu gia" còn có thú tiêu khiển không kém phần "hấp dẫn" là hút "bin" (hay còn gọi là cỏ thơm, được làm khô từ cây cần sa).
Với đặc tính dễ ngụy trang, khó có bậc phụ huynh nào khi nhìn thấy có thể phát hiện đây là một loại chất gây nghiện. Với "khả năng" kinh tế hơn các bạn đồng trang lứa, nhóm của H.N. chơi "bin" cũng theo kiểu đại gia, không hút "cỏ" bằng cách cuốn giấy OCB mà đặc chế một loại bình có chứa nước để được "phê" hơn dù rất tốn "cỏ".
H.N. kể: "Hôm nào "chơi" nhiều, cũng tốn 5-7 triệu đồng/ cho nhóm khoảng 4-5 người. Mà chơi "lên" rồi thì chẳng ai muốn "xuống" nữa, hút bao nhiêu cũng hết".
Học phí "khủng" ở trường quốc tế Để tìm hiểu về môi trường học tập đẳng cấp dành cho con nhà giàu, chúng tôi đăng nhập vào website của các trường quốc tế đình đám như: Việt Úc, Horizon…Ấn tượng đầu tiên là mức học phí cấp trung học phổ thông của các trường được niêm yết trên website khá "chát". Trường Việt Úc Hà Nội là 90-92 triệu đồng/năm, trường quốc tế Horizon là 153 triệu đồng/ năm, trường Hà Nội Academy là 124 triệu đồng/năm... Chưa kể đến chi phí cho những lần xuất ngoại 2 - 3 đợt/năm dưới danh nghĩa đi học giao lưu nước ngoài với mức chi phí lên tới cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, các khoản chi phí "nhỏ" kèm theo khác nhưng với mức tiền lại rất lớn như: Đồng phục, xe đưa đón, tiền đóng góp xây dựng phát triển trường, tiền dã ngoại cho học sinh... |
Phương Linh