Bộ Xây dựng "rút" sớm hơn dự kiến
Những ngày cuối tháng 11/2017, thị trường chứng khoán chứng kiến phiên giao dịch bùng nổ với khối lượng “khủng” cổ phiếu DIG của tổng CTCP Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC Corp). Đây cũng là phiên giao dịch được các nhà đầu tư chờ đợi khi bộ Xây dựng bắt đầu thoái vốn.
Toàn bộ 118,3 triệu cổ phiếu DIG tương ứng 49,65% vốn điều lệ đã được bộ Xây dựng bán hết với mức giá tối thiểu 15.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại đã mua vào đến 56,4 triệu cổ phiếu. Với mức giá trên, ước tính bộ Xây dựng thu về ít nhất 1.775 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.
Trước đó, hồi giữa năm 2017, ông Nguyễn Quang Tín, thành viên HĐQT DIC Corp từng chia sẻ trong năm 2017, Nhà nước sẽ chỉ thoái một phần vốn để giảm tỉ lệ nắm giữ xuống còn 25 - 30% và sang năm 2018 mới tiếp tục thoái nốt phần vốn Nhà nước còn lại. Như vậy, việc thoái vốn của cổ đông Nhà nước tại DIC Corp đã được thực hiện sớm hơn so với lộ trình dự kiến trước đó.
Được biết, DIC Corp là doanh nghiệp thuộc quản lý của bộ Xây dựng, được thành lập từ năm 1990 với hoạt động kinh doanh chủ đạo là phát triển bất động sản, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng... Với số vốn điều lệ ban đầu là 8,2 tỷ, sau 27 năm hoạt động và phát triển, vốn điều lệ của DIG tính đến 30/9/2017 là 2.382 tỷ đồng. DIG chính thức cổ phần hóa từ năm 2008 và niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2009.
Lợi nhuận rớt thảm
Với quy mô vốn cổ phần lên tới 2.382 tỷ đồng nhưng kết quả kinh doanh của DIG lại không mấy ấn tượng, đặc biệt là xét trong đội hình "con cưng" của bộ Xây dựng. Năm 2009, khi cổ phiếu DIG lần đầu niêm yết trên sàn HOSE công ty ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ khá ấn tượng lên tới 573,181 tỷ đồng. Năm 2008 trước đó, DIG cũng đạt 299,691 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên vốn điều lệ 370 tỷ đồng. So với kết quả này, mức giá đỉnh cao 146.000 đồng/cổ phiếu của DIG thật chẳng có gì vô lý, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2009 đang có sự hồi phục mạnh mẽ.
Năm 2010, DIC Corp hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng bằng trả cổ tức, đồng thời tiếp tục báo lãi lớn đạt 451 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là năm cuối đơn vị này đạt được lợi nhuận lớn như vậy. Bước sang năm 2011, kết quả kinh doanh của công ty liên tục giảm với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là hơn 116 tỷ đồng. Năm 2012, con số này rớt thảm xuống mức đáy 6,4 tỷ đồng.
Năm 2013 và 2014, kết quả có phần đỡ thảm hơn khi lợi nhuận lần lượt là hơn 42 tỷ đồng và 47,6 tỷ đồng; năm 2015 lợi nhuận sau thuế lại rớt xuống hơn 13,8 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm không phanh trong khi vốn điều lệ vẫn liên tục tăng thêm từ chia cổ tức bằng cổ phiếu đến phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược, thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phiếu DIG năm 2015 chỉ còn 44 đồng, bằng hơn 0,4% của mức 10.323 đồng năm 2009. Năm 2016, bức tranh tình hình kinh doanh của DIG sáng hơn khi lợi nhuận sau thuế tăng hơn 4,7 lần, đạt hơn 65,6 tỷ đồng.
Sang năm 2017, quý 3 DIG ghi nhận gần 286 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán tăng, chiếm gần 80% doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 59,4 tỷ đồng, giảm tới 22% so với cùng kỳ. Dù doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt hơn 22 lần, đạt hơn 73 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính cũng tăng theo và doanh nghiệp còn phải gánh gần 11,9 tỷ đồng lỗ trong công ty liên doanh liên kết nên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 33,8 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những yếu tố khiến lợi nhuận của DIC Corp giảm là do đơn vị này phải gánh khoản lỗ từ các công ty liên doanh, liên kết. Tính đến ngày 30/9/2017, DIG có 8 công ty con và 8 công ty liên kết với 269,2 tỷ đồng góp vào các công ty liên doanh, liên kết với tỷ lệ sở hữu dao động từ 22% đến 43%; và 294,1 tỷ đồng đầu tư vào các đơn vị khác có tỷ lệ sở hữu dưới 15%.
Việc các công ty này hoạt động không hiệu quả đã khiến DIG ôm "quả đắng" với khoản lỗ gần 12 tỷ đồng quý này. Với các công ty liên kết này, dù đã có lộ trình thoái vốn toàn diện, nhưng việc thực hiện không phải trong một sớm một chiều.
Tại bảng cân đối kế toán, trong hơn 3.504 tỷ đồng hàng tồn kho, có tới 3.440 tỷ đồng ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Vốn của DIG hiện nằm tại rất nhiều dự án, có thể kể đến hơn 1.176 tỷ đồng tại dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, hơn 818 tỷ đồng tại dự án khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, 290 tỷ đồng tại dự án tổ hợp khách sạn - văn phòng Phoenix (giai đoạn 1)...
Trong đó, dự án khu đô thị Nam Vĩnh Yên cũng là dự án DIG từng dính lùm xùm quanh việc bán đất nền và thu tiền bằng Hợp đồng tiến trình thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dù chưa hoàn thiện đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Lãnh đạo doanh nghiệp từng giải thích loại hợp đồng này "như là hợp đồng góp vốn, mà góp vốn thì pháp luật cho phép. Tất cả các dự án đều cho phép góp vốn, mặc dù chưa đủ điều kiện vẫn được góp vốn".
Những mảnh đất vàng béo bở
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, kết quả kinh doanh không phải là điểm nổi bật khi đánh giá về DIG. Điều mà nhiều nhà đầu tư hướng đến là quỹ đất vàng mà doanh nghiệp này sở hữu.
Sở hữu quỹ đất lớn ở các khu đô thị cấp II và các vùng phát triển bất động sản du lịch như Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Lạt... đến thời điểm hiện tại, DIC Group đang phát triển khoảng 18 dự án với tổng diện tích đất lên đến hơn 3.158 ha; 15 nhà máy sản xuất VLXD.
Điển hình phải kể đến những dự án DIG đã và đang triển khai có quy mô lớn như: dự án khu trung tâm Chí Linh – Vũng Tàu với quy mô 100ha; khu đô thị Long Tân (332ha), Đồng Nai; khu đô thị Nam Vĩnh Yên (447ha); khu đô thị Phú Mỹ, Hiệp Phước (21,5ha); Tổ hợp DIC The Landmark, TP. Vũng Tàu; khu dân cư thương mại Phường 4 Hậu Giang (196ha), tỉnh Hậu Giang; khu đô thị du lịch Phương Nam (150ha) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Liên danh UDEC-CTCP DIC 4 (DIC 4 là một trong các công ty con của DIC Corp) đã trúng gói thầu hơn 612 tỷ đồng thuộc dự án bệnh viện Đa khoa TP.Vũng Tàu. Với vai trò là nhà thầu độc lập hoặc trong các liên danh, đơn vị này cũng góp mặt tại nhiều gói thầu có giá trị lớn như gói thầu Xây lắp thuộc dự án Xây dựng mới trường THPT Linh Trung, với giá trúng thầu hơn 70 tỷ đồng; Gói thầu số 02: Thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Nhà nghỉ Công đoàn NHCSXH tại TP.Vũng Tàu với giá trúng thầu hơn 78 tỷ đồng...
Gần đây nhất, DIC Corp đã được chọn làm chủ đầu tư dự án Khu công viên văn hóa – đô thị mới Bàu Trũng (TP.Vũng Tàu) theo hình thức đối tác công tư (PPP). Doanh nghiệp cho biết sẽ đầu tư trên 10.000 tỷ đồng vào dự án này. Dự án được quy hoạch bởi toàn bộ khu hồ Bàu Trũng, phương án quy hoạch dự kiến được chia thành 3 dự án thành phần gồm: Khu tái định cư có diện tích khoảng 30 ha, khu công viên Hồ Bàu Trũng có diện tích khoảng 35 ha và khu đô thị trung tâm TP.Vũng Tàu có diện tích khoảng 57 ha.
Toàn bộ khu này sẽ kết nối với khu đô thị Chí Linh do DIC đầu tư trước đó. Dự kiến, thời gian hoàn thành công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư vào năm 2020, khu công viên văn hóa vào năm 2021 và khu đô thị mới đến năm 2025.