Những quán cơm 0 đồng ấm tình người

Những quán cơm 0 đồng ấm tình người

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Chủ nhật, 24/11/2019 12:30

Sự đón tiếp nhiệt tình của các thành viên những quán cơm 0 đồng khiến cho khách đến ăn có tâm thế thoải mái, không bị mặc cảm vì ăn đồ miễn phí, không phải trả tiền.

Quán ăn 0 đồng tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Ngày 20/11/2019, Zing đưa tin, sau khi thông tin về tiệm ăn mang tên "Không Đồng" được chia sẻ lên MXH, quán cơm chay trở nên ngày càng đông khách. Theo lời trưởng nhóm từ thiện Nhất Tâm, những ngày chay như Rằm, mùng 1, quán có hơn 400 lượt khách.

12h trưa thứ Hai đầu tuần, tiệm ăn mang tên "Không Đồng" nằm gần bãi xe buýt tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chật kín người.

Từ người lao động, người dân xung quanh, tài xế xe ôm cho đến dân văn phòng... đều đến đây để thưởng thức bữa ăn nghĩa tình.

Quán tại huyện Bình Chánh là cơ sở thứ 9 được thành lập bởi nhóm từ thiện Nhất Tâm. Các quán ăn của nhóm lập ra có mặt ở nhiều nơi như TP.HCM, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.

Dân sinh - Những quán cơm 0 đồng ấm tình người

Quán ăn 0 đồng tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Trước đó, anh Trần Thanh Long (trưởng nhóm từ thiện Nhất Tâm) từng phải lên mạng xã hội livestream vì quán ăn 0 đồng nằm khuất trong góc, ít được chú ý.

Dù quán chính thức mở cửa lúc 11h nhưng từ 10h30 đã có khách tới chờ ăn. Tuy khách đến sớm, người trong bếp vẫn nhiệt tình phục vụ. Thực khách đến đây không phải xếp hàng đợi cơm, họ chỉ cần ngồi sẵn vào bàn và có phục vụ mang cơm đến tận chỗ.

Anh Lữ Văn Tiến (đồng sáng lập nhóm từ thiện Nhất Tâm) cho biết luôn muốn khách đến ăn trong tâm thế thoải mái, không bị mặc cảm vì ăn đồ miễn phí, không phải trả tiền.

"Bà con chỉ cần lấy đũa muỗng và ngồi vào bàn, món ăn sẽ được mang ra. Sau khi ăn xong, mỗi người giúp một tay đưa khay đồ ăn xuống chỗ rửa chén là xong", anh Tiến nói.

Quán ăn 0 đồng của nhóm từ thiện Nhất Tâm từng đón đủ các thực khách tới ăn, từ học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng đến tài xế xe ôm, công nhân, người buôn bán tự do...

Quán cơm chay Diệu Thường

Theo Vietnamnet, quán cơm chay Diệu Thường, rộng 9 m2, nằm trong con hẻm nhỏ đường Hòa Hưng, phường 13, quận 10, TP.HCM. Bà Nguyễn Hai là người phụ trách việc nấu ăn, đi chợ của quán.

Dân sinh - Những quán cơm 0 đồng ấm tình người (Hình 2).

Bà Nguyễn Hai. (Ảnh: T.A).

Kể từ đầu năm nay, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, cứ 5h sáng bà dậy đi chợ mua thực phẩm. 7h sáng, bà bắt tay vào gọt rửa, sơ chế thực phẩm, ướp cho ngấm gia vị. Ngày đầu tuần, chỉ có bà và một cô phụ giúp, các tình nguyện viên ai cũng bận đi làm nên công việc tất bật hơn.

Diện tích quán hẹp, bà Hai tận dụng hành lang đường đi để đặt lò than nấu ăn. Bên trong, bàn ghế, xoong nồi, bát đĩa… được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ.

Trên tường, một tấm bảng nhỏ ghi thứ tự các món ăn quán sẽ nấu hằng ngày. Mỗi ngày sẽ có một món mặn, món xào và món canh khác nhau. Bà Hai cho biết, vốn dĩ quán thay đổi món là để khách ăn không ngán và được thưởng thức đầy đủ các món chay khác nhau.

Vào các ngày rằm, mồng một hay dịp lễ Vu lan, rằm tháng 8, quán sẽ nấu thêm bún bò, mì Quảng, hủ tiếu chay ‘bán’ cho khách. Tất cả các món đều bán với giá 0 đồng.

9h30, bà Hai lần lượt nấu từng món cho vào khay, chờ cho nguội để vào hộp. Đứng lâu cạnh bếp than đang đỏ rực, trán ướt đẫm mồ hôi nhưng đôi tay bà Hai vẫn thoăn thoắt làm hết món này đến món khác. Đúng 10h10, bà đã chuẩn bị xong hơn 170 hộp cơm để chờ khách đến đứng bán.

Dân sinh - Những quán cơm 0 đồng ấm tình người (Hình 3).

Chị Huyền Trân là người đưa ra ý tưởng mở quán. (Ảnh: T.A).

Chị Huyền Trân là người lên ý tưởng mở quán. Chị cho biết, nhóm của chị thường làm các công việc từ thiện. Một lần cả nhóm hẹn nhau đi ăn ở nhà hàng. Lúc phục vụ đưa ra nhiều món ngon, chị đặt câu hỏi: ‘Chúng ta ăn ngon thế này, liệu ngoài kia người nghèo có được ăn no không’. Câu hỏi của chị làm cả nhóm suy nghĩ. Sau đó, họ cùng lên ý tưởng mở quán.

‘Lúc quán mới mở, chúng tôi lo lắm, sợ không ai đến ăn, vì mới và quán nằm trong hẻm. Sau đó, người này giới thiệu cho người kia, từ từ, khách đến quán ngày một đông. Bây giờ, mỗi ngày, chúng tôi nấu khoảng 170 suất cơm phục vụ khách’, chị Trân nói, giọng hạnh phúc.

Dân sinh - Những quán cơm 0 đồng ấm tình người (Hình 4).

Khách đến quán cơm không bị mặc cảm vì ăn đồ miễn phí. (Ảnh: T.A).

Chị Trân cũng cho biết, vốn dĩ quán chỉ bán với gia 0 đồng chứ không phát từ thiện là để mọi người đến ăn cơm thoải mái, mang tâm lý đi mua cơm ăn chứ không phải đến được ban phát. 'Khách của quán tôi chủ yếu là những cụ ông, cụ bà, các em nhỏ đi nhặt ve chai, bán vé số, chạy xe ôm… Ai đến ăn cũng vui lắm. Có người, đi làm xa, giữa trưa nắng, vừa đến quán thì cơm hết. Biết họ vậy, mấy chị em tôi bới ra để phần’, chị Trân kể.

Quán ăn 0 đồng trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Ngày 29/04/2019, báo Dân trí dẫn thông tin theo Vietnamnet, quán cơm kiêm luôn bếp nằm tại số 427 Phạm Văn Đồng, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM luôn bán cơm với giá 0 đồng nhưng chưa bao giờ “cạn tiền” mua lương thực. 

Dân sinh - Những quán cơm 0 đồng ấm tình người (Hình 5).

Quán cơm 0 đồng nằm ngay trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Được thành lập từ tháng 12/2017 thuộc Ban bảo trợ từ thiện Bắc Ái, Hội Chữ thập đỏ quận 1, TP.HCM, trong hai năm qua, cứ vào ngày thứ 2, 4, 6, quán mở cửa từ 9h30 sáng tới 12h30 trưa là bán hết veo 350-400 suất cơm.

Bắt đầu từ 10h trưa, cơm canh nóng hổi sẵn sàng phục vụ hàng trăm thực khách. Khoảng 11-12h là lúc người lao động nghèo tìm đến xếp hàng đông nhất. 

Mỗi suất cơm có đầy đủ thịt cá, rau và canh. Thực đơn của quán phong phú, thay đổi mỗi ngày, thậm chí vào ngày chay có phục vụ cơm chay. Chủ quán cho hay, chi phí mỗi ngày là 2.500.000 đồng do các mạnh thường quân tài trợ, ủng hộ cho quán ăn hoặc do người tới ăn đóng góp thêm cho quán. 

Quán ăn được một thành viên trong hội cho mượn địa điểm, bàn ghế, bếp nấu để phục vụ người lao động nghèo. Nhân viên phục vụ trong quán đều là tự nguyện, không lấy công. Hằng ngày, mọi người bắt đầu làm việc từ 6h30 sáng, đến 13h chiều công việc mới hoàn tất.

“Tôi làm ở đây được khoảng 6-7 tháng rồi. Cảm thấy vui lắm vì giúp được mọi người. Trước đây, mới nghỉ hưu tôi còn đi dạy thêm, đợt này tôi nghỉ luôn, lúc rảnh rỗi phục vụ cho quán ăn và đi làm từ thiện”, cô Đoàn Thị Thanh Tâm (66 tuổi), một giáo viên đã về hưu chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Khoa, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 1, Trưởng Ban Bảo trợ từ thiện Bắc Ái cho biết: “Sau 2 năm hình thành và phát triển quán cơm giá 0 đồng, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp của các mạnh thường quân cả về tiền bạc lẫn vật chất. Đồng thời có sự đồng hành của các tình nguyện viên tham gia, đóng góp vào việc tổ chức nấu ăn và phục vụ. Đối tượng của quán là những người nghèo khó, người già, người khuyết tật, khiếm thị, sinh viên học sinh và người lao động cơ nhỡ”.

Cũng theo ông Khoa, mục tiêu đề ra thì như vậy nhưng bất cứ ai đến quán đều được phục vụ chứ không phân biệt.

Quán ăn 0 đồng ở Tiền Giang

Ngày 24/8/2018, VOV đưa tin, tuy mới hoạt động khoảng 2 tháng nhưng mỗi ngày, quán ăn 0 đồng tại đường Nguyễn Quỳnh Đức (phường 2, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đón được gần 200 người đến ăn trưa.

Dân sinh - Những quán cơm 0 đồng ấm tình người (Hình 6).

Nhiều hoàn cảnh khó khăn được no bụng nhờ quán ăn 0 đồng.

Dù phục vụ hoàn toàn miễn phí, nhưng khách đến đây sẽ được phục vụ tận tình với những phần cơm chay, những lời thăm hỏi ân cần rất ấm áp tình người.

Quán ăn 0 đồng do gia đình bà Hà Thị Kim Huỳnh (phường 2, Thành phố Mỹ Tho) vận động nhà ăn Nhứt Tâm (tại thành phố Hồ Chí Minh) và các nhà hảo tâm xa gần đóng góp kinh phí để thành lập.

Khách hàng của quán ăn miễn phí này đa số là những hoàn cảnh gặp khó khăn như: người khuyết tật, những người bán vé số, các chú chạy xích lô, các anh chị công nhân, những người lao động nghèo và các trẻ em cơ nhỡ… Mỗi phần cơm gồm 4 món thức ăn trị giá khoảng 12.000 đồng.

Trước việc làm có ý nghĩa này nên hiện nay có rất nhiều người đến góp công, hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng bữa ăn tại quán ăn 0 đồng.

Bà Hà Thị Kim Huỳnh, chủ quán ăn 0 đồng chia sẻ: “Kinh phí ở đây mình tự lo, mạnh thường quân ủng hộ cho mình như: rau, củ, quả, đường… có người cho tiền nữa. Chị em ở đây đều làm công quả hết, chị em nhiệt tình lắm. Sáng thì mấy dì, mấy chị đến phụ, mục đích góp phần giúp bà con nghèo có bữa cơm no”.

Quốc Tiệp (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.