Không phân biệt bằng chính quy và tại chức
Theo dự thảo luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa được công bố, bộ GD&ĐT cho biết, tới đây, các trường ĐH sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho tất cả các hình thức đào tạo và không phân biệt hệ tại chức hay chính quy. Đề xuất này khiến nhiều người lo ngại về việc kiểm soát chất lượng đào tạo khi hai tấm bằng có hai hình thức đào tại khác nhau lại có giá trị ngang hàng nhau.
GS. Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng phải thừa nhận, chất lượng đào tạo tại chức hiện nay có rất nhiều vấn đề và việc kiểm soát vẫn không thể bằng được với hệ đào tạo chính quy.
Ông Thi cho rằng: “Nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ tuyển sinh, đào tạo đến cấp bằng thì dù Nhà nước, pháp luật có quy định là không phân biệt bằng cấp các nhà tuyển dụng vẫn không thể tin tưởng được”.
Cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa
Đầu tháng 10, bộ GD&ĐT ra văn bản số 4612 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.
Bộ yêu cầu các đơn vị giáo dục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, nội dung trùng lặp giữa các môn. Kiến thức cũ, lạc hậu được yêu cầu cập nhật, bổ sung bằng thông tin mới phù hợp.
Đồng thời trong công văn nhấn mạnh: "Không dạy nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa".
Quy định này bị nhiều thầy cô giáo đánh giá là kìm hãm sự sáng tạo của giáo viên và sự đóng khung kiến thức sẽ khiến học sinh bị thiệt thòi. Trước phản ứng của dư luận, chiều 17/10, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, bộ GD&ĐT đã lên tiếng.
Theo ông Thành, do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong công văn có nội dung diễn đạt gây hiểu lầm. Cụ thể: Câu "bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu", nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong sách giáo khoa. “Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Đề xuất bỏ biên chế giáo viên
Ngày 12/5, tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng, có vào và có ra.
Việc xóa biên chế, theo Bộ trưởng Nhạ, sẽ tạo được đột phá trong giáo dục, giúp nâng cao chất lượng dạy học, giải quyết được vấn đề thu nhập cho giáo viên. "Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục", ông Nhạ nói.
Nhiều thầy cô cho rằng, việc này sẽ làm xáo trộn giáo dục, khiến thầy cô giáo không yên tâm công tác vì lúc nào cũng có thể bị mất việc. Số khác lo ngại hiệu trưởng sẽ lạm quyền trong tuyển dụng giáo viên.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 15/6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho hay: "Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, còn đề xuất của bộ GD&ĐT mới chỉ là ý kiến đề xuất chứ chưa phải quyết định".
Sau đó, vào ngày 26/6, trong cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chưa có chủ trương đó. Mọi nhà giáo yên tâm”.
Quy định chức danh trong trường tiểu học
Tháng 7/2015, dự thảo Điều lệ trường Tiểu học của bộ GD&ĐT khiến dư luận dậy sóng. Theo đó, lớp học tiểu học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.
Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học.
Nhiều ý kiến cho rằng việc có các chức danh như chủ tịch hội đồng tự quản hay phó chủ tịch hội đồng tự quản, trưởng ban, phó ban... sẽ khiến cho học sinh ảo tưởng về quyền lực, gây phân tán thời gian học hành của các em.
Cộng điểm thi cho mẹ Việt Nam anh hùng
Vào tháng 7/2013, quy định cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng... thi đại học của bộ GD&ĐT tại thông tư số 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy gây bất ngờ.
Theo đó, các trường hợp được bổ sung vào đối tượng 03 trong chính sách ưu tiên trong tuyển sinh gồm: bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng”.
Theo quy định, người dự thi ĐH thuộc đối tượng 03 sẽ được cộng 2 điểm ưu tiên vào tổng điểm bài thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều làm nhiều người băn khoăn là việc ưu tiên áp dụng cho bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ tháng 1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 có vẻ quá hình thức. Còn bao nhiêu người còn đủ sức khỏe để tham gia kỳ thi này nữa?
Theo một chuyên gia giáo dục, kể từ khi có quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thậm chí hầu như không có thí sinh nào là con bà mẹ Việt Nam anh hùng thi ĐH để hưởng chính sách ưu tiên này, cho nên việc mở rộng sang cả đối tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng là ít có tính thực tiễn.
Thành Huế (tổng hợp)