Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, hiện nay rất nhiều chị em dùng thuốc kích trứng với mong muốn có thể “đậu” thai theo ý muốn. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa cảnh báo, việc kích thích trứng phải có sự theo dõi, giám sát đặc biệt của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng loại thuốc này.
Ghi nhận của PV cho thấy, tình trạng chậm mang thai, vô sinh ngày càng gia tăng, thậm chí ở cả những người trẻ tuổi. Trước thực trạng này, nhiều chị em phụ nữ lo lắng và mong muốn tìm đến những phương pháp nhanh có con mà an toàn. Tuy nhiên, cách chọn kích trứng để nhanh "đậu" thai có thực sự là biện pháp hữu dụng và an toàn như chị em vẫn quan niệm?
Trao đổi với PV, BS Lê Thị Kim Dung (Trưởng phòng khám sản phụ khoa, trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội) cho hay, thuốc kích trứng là một loại thuốc nội tiết. Thuốc này có nhiều loại, dùng để tiêm hoặc uống. Tác dụng của nó là giúp trứng có kích thước bé phát triển đến kích thước trưởng thành, từ đó hình thành quá trình rụng trứng và thụ thai.
“Việc kích trứng thực chất chỉ giải quyết cho những trường hợp cần thiết. Để làm điều đó, bệnh nhân cần có sự theo dõi của bác sĩ chứ không thể tự động kích thích trứng được, điều đó là phản y học. Đặc biệt, với những trường hợp trứng không thể lớn, tự vỡ được thì phải sử dụng những biện pháp để hỗ trợ. Tuy nhiên, trong tất cả những biện pháp can thiệp bao giờ cũng có những tác hại nhất định nên cần phải có sự giám sát của các bác sĩ”, BS Dung nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Dung, có nhiều tác dụng phụ cũng như rủi ro trong việc sử dụng biện pháp kích thích trứng như: Kích trứng dẫn đến tình trạng quá kích buồng trứng và phải nhập viện cấp cứu. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Suy thận, vỡ hay xoắn các nang noãn, phù phổi... thậm chí dẫn đến tử vong. Điều nguy hiểm là kích trứng dẫn tới nguy cơ đa thai gây nguy hiểm cho cả mẹ và con trong quá trình phụ nữ mang thai.
BS Dung tư vấn, nếu chị em phụ nữ không có sự am hiểu và sử dụng tùy tiện thuốc kích trứng sẽ không hiệu quả mà còn gây nhiều rối loạn về nội tiết và suy buồng trứng. Khi sử dụng biện pháp này, phải có sự chỉ dẫn, theo dõi của bác sĩ.
“Nếu kết hôn hơn 1 năm, dù không dùng biện pháp tránh thai mà vẫn không có thai thì cả 2 vợ chồng nên đi khám. Với những chị em xây dựng gia đình muộn, nên đi khám sớm hơn (khoảng 6 tháng sau khi lấy chồng) để có sự tư vấn kịp thời từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc kích trứng, đặc biệt là thuốc tiêm, nhất là những phụ nữ mắc bệnh nan y, tim mạch", bác sĩ Dung khuyến cáo.
N.Giang