Chè cổ thành... củi
Chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng mọc tản mát, tự nhiên trong rừng, nơi sương mù bao phủ quanh năm. Trước đây, chúng tôi có dịp đi qua vùng này đã vô cùng sững sờ trước vẻ cổ kính của các "cụ" chè ẩn hiện trong sương mờ. Đó là những cây chè cổ có tuổi đời hàng trăm năm, thân to lực lưỡng mấy người ôm không xuể, lá to, búp nõn.
Trước đây, Suối Giàng có hàng ngàn cây chè tuổi đời hơn 200 năm và vô số cây chè cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm, đường kính dài hơn một mét, thậm chí có thân cây to, người ôm không xuể... Nhưng vào thời điểm này, trở lại Suối Giàng, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến những đồi chè cổ ngày nào bỗng nhiên thành khoảng đất trống. Những “cụ” chè gần 300 năm tuổi đã dần biến mất. Những cây chè cổ thụ đang bị mối gặm đến tiều tụy, xác xơ. Thân cây rỗng, trống hoác.
Thấy chúng tôi đến thăm nhà, anh Vàng A Dê rót nước pha chè mời khách. Anh bảo: "Đây là chè Shan tuyết - đặc sản của vùng này đấy!". Nâng chén chè nóng hổi, sóng sánh màu xanh vàng nhạt, thoang thoảng mùi hương quyến rũ, đưa lên miệng nhúp từng ngụm nhỏ mới cảm nhận được hết cái dư vị của chè cổ nơi đây.
Được biết, chè cổ thụ Suối Giàng có nhiều ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp... với diện tích gần 300 ha. Giá chè búp tươi ở đây cao hơn giá chè ở các nơi khác, khoảng 30.000 đồng/kg, chè khô loại thấp nhất cũng khoảng 350.000 đồng/kg, thậm chí có loại trên 1 triệu đồng/kg. "Ngày trước, những cây chè cổ thụ này có thể cho sản lượng khoảng trên 25kg búp tươi/năm. Do đó, hàng năm, sản lượng chè cả xã đạt khoảng 300 tấn búp tươi, làm ra được hơn 60 tấn chè búp khô. Nhưng hiện nay, sản lượng và chất lượng đã bị suy giảm đáng kể", anh Vàng A Dê thở dài ngao ngán.
Người dân lo lắng khi mối cứ đục chết dần chết mòn những đồi chè của họ
Anh Vàng A Dê dẫn chúng tôi đi khảo sát đồi chè nhà mình. Theo quan sát của chúng tôi, cây chè nào cũng có hiện tượng mối đục, có cây bị đục nát cả thân, có cây bị khoét mòn đến tận lõi gỗ, rất nhiều cây đã bị mối đốn hạ, dân làng đành vác về làm củi. "Mấy năm nay, chè chết nhiều vô kể. Chè bị chết là do mối ăn mòn, lũ mối ăn rỗng lõi cây chè, ăn cả cành, ăn mục cả lá. Sau khi cây chè chết hẳn, chúng lại chuyển ăn cây khác", anh Dê cho biết. Những đồi chè của tất cả bà con nơi đây cũng chịu chung thảm cảnh đó!
Chè chết, dân lấy gì sống ?
Mấy năm trước, những rừng chè cổ xanh mơn mởn, búp chè mập mạp, mướt mát. Nhưng thời gian gần đây, những rừng chè cổ thụ bỗng dưng mục gốc, lá ngả màu vàng lốm đốm rồi chết dần. Mới đầu, chè của một vài hộ gia đình chết, dân làng cứ tưởng do thời tiết hoặc do cây đang thiếu chất dinh dưỡng nên đi mua phân về đổ vào, nhưng cây vẫn cứ cằn cỗi và dần dần khô héo, càng ngày số cây chết càng tăng. Khi chặt những cây chè này về làm củi, người dân mới phát hiện bị mối đục rỗng cả thân cây.
Anh Giàng Bá Chư, một người dân ở xã Suối Giàng than thở: "Chè chết, mình lo lắm. Rừng chè đã sống qua mấy đời người và nuôi sống nhiều thế hệ người Mông ở đất miền núi này. Ngày trước, các cụ vẫn thường bảo chè cổng trời sẽ không bao giờ chết. Nhưng mấy năm nay, chè chết nhiều, ai cũng lo lắng. Năm ngoái, đồi chè nhà mình có hơn 200 gốc chè Shan tuyết cổ thụ, mỗi ngày gia đình thu hơn 1 tạ chè búp, bán được khoảng 2 triệu đồng. Hồi đó, mình còn phải thuê thêm người hái chè để bán. Nhưng mấy năm nay, chè chết quá nửa. Năm trước đã chết hơn trăm cây, không biết năm nay sẽ chết thêm bao nhiêu cây nữa? Khi chè chết hết, chúng tôi cũng chẳng biết làm gì để kiếm sống?"…
Trước những lo lắng của người dân về rừng chèâ Shan tuyết cổ thụ đang chết dần chết mòn, ông Sổng A Nủ (Chủ tịch UBND xã Suối Giàng) ngao ngán: "Chúng tôi cũng được biết, rừng chè cổ thụ ở Suối Giàng gần như bị mối mọt ăn khuyết gốc. Mấy năm nay, chè chết thê thảm nhưng vẫn chưa có cách nào giải quyết triệt để. Trên huyện và tỉnh đã nhiều lần đến kiểm tra nhưng vẫn chưa đề ra được giải pháp hữu hiệu để khắc phục". Ông Nủ cho hay, sản lượng chè Suối Giàng năm trước khoảng 500 tấn, tổng thu là trên 7 tỉ đồng. Nhưng năm nay, chưa thể đưa ra dự đoán trước về năng xuất chè Shan tuyết, vì số lượng cây chè cổ bị mối mọt khá nhiều, chắc chắn sản lượng sẽ bị sụt giảm đáng kể.
Chính quyền xã Suối Giàng đã thử dùng thuốc diệt mối bơm vào gốc chè mong cứu diện tích chè còn lại. Sau vài tháng thử nghiệm, ở những gốc cây bị mục nát, hiện tượng mối ăn đã thuyên giảm đáng kể. Do đó, xã tiếp tục tiến hành diệt mối lần thứ hai để diệt tận gốc các ổ mối có trong đất, hy vọng sẽ bảo vệ chè khỏi tình trạng chết hàng loạt như hiện nay.
Trước tình hình đó, HTX chè Suối Giàng cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên. "Đầu năm 2012, HTX đã đề xuất lên huyện và tỉnh để tìm cách khắc phục... Tuy nhiên, mọi phương án nhằm cứu vãn chè cổ hiện vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, và vẫn chưa biết đến lúc nào thì tỉnh, huyện có phương án cụ thể. Do vậy, HTX sẽ cho trồng vá chè hạt ở những khoảng đất có cây vừa bị đục ngã. Việc tìm ra cách để cứu những cây chè cổ thụ đang rất cấp bách, nếu không thì vài năm nữa chè Shan tuyết cổ sẽ biến mất nơi cổng trời Suối Giàng", bàâ Lâm Thị Kim Thoa (Chủ nhiệm HTX chè Suối Giàng) cho biết.
Thạc sĩ Lê Viết Bảo (trưởng khoa Trồng trọt, trường trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Yên Bái) cũng đã tổ chức đoàn cán bộ lên khảo sát tình hình và nghiên cứu biện pháp phòng trừ bằng cách đào hố, rồi cho thức ăn có chế phẩm sinh học để diệt mối. Khi mối ăn chế phẩm sinh học sẽ tha về tổ để mối chúa ăn và diệt tận gốc. Tuy nhiên, trước mắt người dân cần trồng dặm những cây chè mới vào vùng đất có gốc cây chè đã chết, không chăn thả gia súc, phát quang bụi dậm để tránh ảnh hưởng đến cây chè.
Theo một người dân, mấy đợt chè chết, có nhiều đoàn cán bộ đến khảo sát, dân hỏi có được phun thuốc không thì họ lại bảo là không được. Nếu phun thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chè. Cuối năm ngoái, chè chết thảm quá, nhiều gia đình phải chặt hạ hết số chè chết, vàng vọt để trồng cây mới. Nhưng trồng mới thì cũng phải năm bảy năm mới cho thu hoạch, trong khi đó, chất lượng chắc chắn sẽ không ngon được bằng những cây chè cổ đã hấp thụ dưỡng khí cả mấy trăm năm. Đã có nhiều thương lái đến mua nhưng họ không thu chè mới trồng mà chỉ tìm mua những búp chè được hái từ những cây chè cổ thụ.
Năm nay, người dân tộc Mông ở Suối Giàng vẫn làm lễ cúng chè tổ - một phong tục truyền thống hàng năm. Họ cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ cây chè tươi tốt, búp to như bàn tay trẻ con, lá to như lá chuối rừng, hái quanh năm không hết. Lễ cúng năm nay đặc biệt hơn, vì những người dân nơi đây còn cầu mong cho những "cụ" chè cổ thụ đừng chết để người dân có thể bám vào đó mà mưu sinh.
Chè đặc sản đang dần biến mất Đã từ lâu chè Shan tuyết Suối Giàng được coi là đặc sản của vùng cao này. Cây chè mọc ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Chè Shan tuyết Suối Giàng có lá to, dày, màu xanh đậm, búp to hơn những búp của những loại chè nơi khác. Trên các lá phủ một lớp lông tơ như tuyết phủ. Bởi vậy, người ta mới gọi là chè Shan tuyết. Nước chè Suối Giàng có màu vàng óng như màu mật ong, khi rót ra trên mặt chén lan tỏa một làn hơi nước tựa như sương khói. Uống xong có vị đặc trưng riêng khó lẫn với các loại chè khác. |
Thế Hoàng