Những ruộng lúa nước trên Tây Nguyên

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 6, 29/11/2024 07:00

Chúng ta đều biết, về canh tác nói riêng, đời sống xã hội nói chung, Tây Nguyên và đồng bằng khác nhau rất nhiều.

Tây Nguyên gắn với nền văn minh nương rẫy, với thói quen canh tác phát đốt chọc tỉa, đồng bằng là văn minh lúa nước, gắn với nó là nền văn hóa sông nước, châu thổ, với những cánh đồng lúa nước mà có thời được ví như "thẳng cánh cò bay".

Hồi tôi mới lên Tây Nguyên, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, được biết và thấy nhà nước đầu tư rất lớn cho làng S’tơ, xã Nam, tức cái làng Kông Hoa trong tác phẩm "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc, là quê ông Núp, nhân vật chính của tác phẩm, thời ấy là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai Kon Tum.

Một trong những sự đầu tư ấy là làm ruộng nước. Tôi chứng kiến cờ giong trống mở, trâu sắt (máy cày) xuống đồng, rồi giăng hàng cấy lúa...

Và hình như hồi ấy không thành công lắm, vì đa phần chúng ta (tức nhà nước) làm thay, chứ bà con người dân tộc Bahnar bản địa vùng này vẫn chưa quen món này, từ bắt con bò đi cày tới cấy rồi gặt vân vân.

Họ quen đốt rẫy trên những sườn đồi, rồi đợi mưa, người cầm gậy chọc lỗ, người đi sau thả hạt xuống lỗ, kệ nó lên, có hạt hoặc quả nếu không phải lúa, ngô chẳng hạn, rồi kệ đấy. Tới mùa thì đeo gùi đi tuốt lúa hoặc bẻ ngô về. Có làm lễ cúng, có làm kho lúa, và mỗi ngày giã một ít đủ ăn trong ngày.

Và cứ thế sống. Và họ đã sống cả ngàn năm như thế.

Để chuyển sang lúa nước là cả một cuộc đổi thay vĩ đại, bởi nó khác, rất khác những gì lâu nay người dân Tây Nguyên, nhất là những vùng bà con ở trong núi sâu và xa, chứ những vùng gần đồng bằng hoặc giống đồng bằng như đồng bằng Ayun Hạ (Gia Lai) thì đơn giản, kể cả cái quê ông Núp dạo nào trống giong cờ mở, giờ không trống giong cờ mở thì vẫn có những ruộng nước vừa phải.

Vùng biên giới, núi cao, rừng sâu nó khác, vì khó khăn hơn rất nhiều.

Thế nhưng chuyến đi biên giới vừa rồi, tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa nước, chưa tới mức mênh mông thẳng cánh cò bay, nhưng cũng đủ để nhớ đồng bằng khi nhìn những cánh đồng vừa gặt, những cánh cò chấp chới trắng trời chiều.

Những ruộng lúa nước trên Tây Nguyên- Ảnh 1.

Cánh đồng ruộng nước lúa ST25 ở Ngọc Hồi vừa gặt.

Ở công ty 732 (binh đoàn 15) thuộc huyện Ngọc Hồi, cái huyện có ngã ba biên giới "một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe", tức là rất cao và rất xa ấy, bà con còn trồng được cả giống ST25 với sản lượng tới 10 tấn trên 1 héc ta. Lại nhớ, ngày xưa tỉnh Thái Bình phấn đấu mãi cái chỉ tiêu 5 tấn/ héc ta mà trầy trật, có hẳn danh hiệu "chị Hai năm tấn" được một nhạc sĩ phong, và Thái Bình hồi ấy được coi là vựa lúa của miền Bắc. Nơi ấy (Thái Bình) giờ cũng có một anh hùng lao động về giống lúa là anh Trần Mạnh Báo, Chủ tịch ThaiBinh Seed, một tập đoàn giống rất nổi tiếng.

Công ty quân đội đứng chân ở đây làm đập thủy lợi, đào kênh mương, hình thành các ruộng nước rồi giao cho dân sản xuất.

Và ở huyện mới Ia Hdrai thuộc tỉnh Kon Tum, cái huyện được tách ra từ... 1 xã, và giờ cả huyện mới có... 3 xã, dân bản địa rất ít, hầu như không có, phải tuyển dân là người dân tộc thiểu số từ các huyện vùng cao các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa... nước nhiễm phèn nặng, mật độ dân cư 212 người trên một cây số vuông, chắc là thưa nhất nước. Tôi từng có một so sánh, một thời phố cổ Hà Nội có mật độ dân cao nhất, sau thì xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa hình như cạnh tranh. Nhưng hiện giờ, có vẻ cái xã Đăk Bla của thành phố Kon Tum nó quán quân mất rồi, ấy là khi tôi tới cả 3 nơi và trực quan thấy thế chứ cũng chả đo đạc thống kê gì. Nên giờ thấy cái mật độ dân cư ở đây mà... thèm. Thế mà cái xã xa xôi và hết sức khó khăn, khắc nghiệt về địa thế ấy cũng có ruộng lúa nước.

Tất nhiên để làm lúa nước thì phải có... nước. Các đơn vị quân đội trên địa bàn đã khảo sát, nghiên cứu rồi khai hoang, chặn dòng ở những nơi có thể làm lúa nước. Rồi tổ chức gắn kết hộ. Cái mô hình gắn kết hộ rất thú vị, tôi được dự vài cuộc bà con các hộ gắn kết gặp nhau. Hồi mới lên Tây Nguyên, về các làng vùng sâu vùng xa, tôi thường gặp một gia đình người Kinh làm cái lán nhỏ ở đầu làng để buôn bán. Thời ấy bị coi là tư thương, bị cấm đoán, nhưng họ vẫn tồn tại dù hết sức khó khăn. Nhưng cá nhân tôi lại đánh giá rất cao những gia đình người Kinh này, họ gửi con cái ở nhà, vào làng buôn bán, thực chất là đổi, hàng đổi hàng, xong họ mang hàng nông sản của bà con về đồng bằng bán lại. Ngoài việc họ giúp lưu thông hàng hóa, thì việc rất quan trọng mà ít người nhận ra, là họ mang văn minh cho bà con. Từ những việc rất nhỏ, như vệ sinh, nhất là vệ sinh phụ nữ, như tránh thai, như ăn chín uống sôi, như chăm sóc trẻ em, dạy con học, như cách chi tiêu, cách tiết kiệm, tới cách nấu ăn... vân vân, tới những việc lớn, bà con cứ nhìn cách sinh hoạt của vợ chồng "tư thương" ấy mà làm theo, dù các "tư thương" ấy cũng chưa hẳn đã đúng, nhưng chí ít cũng giúp bà con vùng sâu vùng xa tiếp cận văn minh.

Và bây giờ thì, các đơn vị quân đội đóng quân ở đây tổ chức cho họ gắn kết hộ, kết nghĩa với nhau là một cách tương tự như thế, học hỏi lẫn nhau. Lại nhớ xưa các cụ có câu "học thầy không tày học bạn".

Những ruộng lúa nước trên Tây Nguyên- Ảnh 2.

Ruộng lúa nước ở công ty 716 huyện Ia Hdrai.

Cái công ty 716 của binh đoàn 15 đứng chân trên huyện Ia Hdrai ấy, công nhân của công ty có tới gần hai mươi dân tộc gồm Kinh, Mường, Nùng, Thái, Khơ Mú, Tày, Giẻ, Triêng, Ê Đê, Jrai, Vân Kiều, Ơ Đu, Sê Đăng, Thổ, Mạ... mà chỉ với 569 hộ gia đình. Nên cái việc gắn kết, kết nghĩa để sản xuất, trong đó có làm ruộng nước là cách làm hết sức ý nghĩa.

Tất nhiên không phải nơi nào, chỗ nào trên Tây Nguyên cũng có thể làm ruộng nước. Bản thân lúa rẫy cũng là một bản sắc, ví dụ như hệ thống ruộng bậc thang ở một số tỉnh phía Bắc bây giờ trở thành những điểm thu hút du lịch rất hot, người nườm nượp tới thăm và check in ở thời công nghệ mạng bây giờ. Nhưng quả là, nếu có thể, thì việc làm ruộng nước trên Tây Nguyên bây giờ cũng mang lại nhiều lợi ích. Một mặt nó giải quyết vấn đề an ninh lương thực, vì rõ ràng lúa nước năng suất cao hơn nhiều so với lúa rẫy. Nữa là, nó không ảnh hưởng tới rừng, những rẫy cũ có thể để tái sinh rừng. Thực ra, việc đốt rẫy làm ruộng không phải là bà con phá và đốt tràn lan, mà quay vòng, thu hoạch xong vài vụ thì bỏ, nhưng thời gian sau lại quay lại, đốt đúng cái rẫy cũ ấy, để tiếp tục trồng tỉa chứ không phải cứ đốt tràn lan. Nhưng những rẫy ấy không đốt nữa để thành rừng vẫn tốt hơn. Thêm nữa, có thêm một sự giao thoa văn minh lúa nước và nương rẫy, nó sẽ tạo nên sự đa dạng văn hóa trên vùng đất Tây Nguyên đang ngày càng đa dạng về tộc người. Tất nhiên, không dễ để làm ruộng nước nếu không có sự giúp đỡ của nhà nước, của các đơn vị quân đội đứng chân, bởi chi phí cả sức người và của cải để đầu tư ban đầu khá lớn. Và thêm nữa, cũng không thể làm ruộng nước trên Tây Nguyên bằng mọi giá, mà nghĩ cho cùng, cái gì cũng phải thuận tự nhiên...

Hôm ở công ty 732, chúng tôi được đãi cơm nấu bằng gạo ST25, thấy ngon y như đang ăn tại Sóc Trăng. Khi về lại được biếu một bao, tất nhiên chúng tôi từ chối, bởi hiểu, để làm được hạt lúa nước ở đây nó khó khăn vất vả biết bao nhiêu?...

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.