Theo thông tin từ cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế), hiện tại, thời tiết giao mùa là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch. Đặc biệt, cả nước đã bước vào mùa tựu trường.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang chăm con hơn 18 tháng tuổi bị tay chân miệng, thường xuyên than phiền về việc con hay bị sốt rồi quấy khóc kêu đau, không ăn uống được gì, cân nặng giảm trông thấy.
Chị cho biết, trước đó con chị bị nổi ban đỏ ở tay, chân, miệng nhưng gia đình không hề nghĩ cháu bị bệnh này mà tưởng do côn trùng đốt, dị ứng da, thủy đậu... Bởi lẽ, bình thường, mỗi khi thời tiết thay đổi, con của chị cũng hay bị dị ứng. Vì thế, gia đình chị Hạnh để con ở nhà, không đưa đi khám.
Đến khi thấy con sốt cao quá cho uống thuốc cũng không hạ, miệng lại xuất hiện vài nốt chấm đỏ nên chị Hạnh vội đưa con vào viện. Lúc này, bác sĩ bảo cháu bị tay chân miệng độ 2A giờ đã chuyển sang độ 3, huyết áp tăng, nhịp thở nhanh… Việc điều trị của cháu khó khăn hơn.
Trong quá trình "đồng hành" cùng con chống lại căn bệnh này, điều khiến chị xót xa và cực nhất là mỗi lần bôi thuốc cho con. Vì con còn bé nên chỉ bôi thuốc được một nốt là con lại khóc thét lên.
Chia sẻ về căn bệnh này, phía cục Y tế Dự phòng cho hay, tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Năm và tháng Chín đến tháng Mười.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu dưới dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho hay, trẻ bị tay chân miệng sẽ có biểu hiện sốt (đa phần là sốt vừa phải, không cao lắm), sau đó nổi ban. Vị trí các nốt ban xuất hiện là ở lòng bàn tay, bàn chân, một số xuất hiện thêm ở gối hoặc vùng mông, khuỷu tay. Đặc biệt phần lớn đều xuất hiện ban trong miệng, khiến trẻ rất đau, quấy khóc nhiều, khó nuốt, không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng dẫn đến nguy cơ bị bội nhiễm viêm nha chu, nấm miệng...
Với những diễn biến như thế, bệnh thường tự khỏi sau 3-5 ngày nếu cha mẹ biết cách chăm sóc như dùng thuốc paracetamol theo cân nặng để hạ sốt, giảm đau; không ép trẻ ăn, cho trẻ ăn đồ ăn loãng, uống nhiều nước; rửa sạch vùng có nốt ở tay chân bằng xà phòng; không cần lau miệng cho trẻ vì có thể làm vết loét thêm nặng, gây bội nhiễm vi khuẩn.
Cũng theo ông Dũng, vệ sinh khoang miệng không đúng cách, bố mẹ có thể làm trợt vỡ các nốt phỏng, làm vết loét thêm nặng tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
"Nhiều bố mẹ đã dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ, tăng nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng, làm vết loét thêm nặng. Bên cạnh đó, việc lau miệng cho trẻ bằng khăn sữa, gạc còn đưa nấm ở bên ngoài vào miệng trẻ", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, cách vệ sinh miệng tốt nhất là sử dụng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. Miệng trẻ có cơ chế tự làm sạch, cố gắng khuyến khích trẻ uống nhiều nước, súc miệng nước muối... là có thể làm sạch răng miệng mà không gây nguy hiểm.
Còn nếu thấy không yên tâm hay biểu hiện ở trẻ nặng hơn như sốt cao đến 39 độ, mệt mỏi, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt… thì nên đưa bé tới viện sớm.
Trẻ nhỏ khi bị mắc bệnh tay chân miệng cần phải cách ly ít nhất 10 ngày, khi trẻ khỏi dứt điểm mới cho tới lớp.
Nguyễn Huệ