1. Đề nổ máy và đi ngay
Nhiều người có thói quen vặn chìa vào ổ rồi đề nổ máy đi ngay, cách sử dụng này khá tai hại bởi lẽ xe đang trong tình trạng nghỉ, chưa được khởi động đầy đủ sẽ khiến việc vận hành mỏi hơn. Sau khi mở khóa, hãy chờ đèn tín hiệu phun xăng FI tắt rồi hãy khởi động.
Khi đề để nổ máy, bạn cũng nên đợi thêm một vài giây nữa để động cơ được khởi động ổn định rồi hãy cho xe chạy.
Lưu ý, các loại xe tay ga thì vòng tua máy luôn cao hơn so với xe số, nếu không khởi động đúng cách, supap sẽ phát ra những tiếng nổ không êm. Lâu dần, bạn sẽ phải mất thêm tiền để sửa chữa nó mơi giúp chiếc xe bớt phần “tã”.
2. Lạm dụng phanh trước
Với xe tay ga, nhiều người có thói quen lạm dụng phanh trước. Điều này rất nguy hiểm trong những tình huống đột ngột, đang đi với vận tốc cao, bánh xe tay ga thường nhỏ hơn bánh xe số, hành trình giảm sóc ngắn,… có thể sẽ khiến bạn không làm chủ được tay lái. Để an toàn cho bản thân, lời khuyên tốt nhất vẫn là dùng đồng thời hai phanh trước và sau.
3. Phanh gấp
Nhiều thói quen trên xe số sẽ rất có hại cho xe tay ga như việc bạn đang đi với vận tốc cao rồi phanh gấp. Điều này sẽ khiến cụm côn ly hợp và dây cu roa truyền động nhanh bị hỏng hơn. Đồng thời, việc phanh gấp cũng sẽ khiến bạn phải nạp một lượng xăng tương ứng để có thể đi tiếp. Nên nhớ, dù ở xe số hay xe ga thì việc đi với vận tốc ổn định sẽ đem lại độ bền cho bộ ly hợp, dây cu roa và tiết kiệm xăng.
4. Không vệ sinh phao xăng thường xuyên
Với nhiều người, thậm chí khi dùng xe ga cả chục năm nhưng vẫn không biết vị trí của phao xăng ở đâu. Đây là một thiếu sót lớn đối với người dùng loại xe này. Đa phần các phao xăng trên xe tay ga đời mới đều được thiết kế kèm một lưới lọc hình chiếc lá bao bọc lấy ống hút xăng. Cụm phao xăng ngâm trong bình chứa nhiên liệu. Việc không vệ sinh thường xuyên sẽ khiến cho tấm lưới lọc lâu ngày sử dụng sẽ diễn ra hiện tượng mạt sắt và chất bẩm bám chặt vào lọc xăng. Từ đó dẫn tới hiện tượng tắc ống hút xăng, hỏng bơm xăng hoặc việc bơm xăng lên không đảm bảo làm giảm công suất và tốc độ của xe.
Việc vệ sinh phao xăng có thể sẽ khó khăn với một số người, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giải quyết nhờ… thợ. Mỗi lần đi bảo dưỡng xe, hãy nhắc thợ kiểm tra và vệ sinh giúp.
5. Đi xe quá chậm
Vận tốc trung bình đi trong phố được khuyến khích với các loại xe máy là 30-40km/h.
Nếu đi quá chậm, bạn sẽ khiến nhiệt độ động cơ tăng cao, tốn nhiên liệu. Nếu đi với vận tốc nhanh vừa phải, gió sẽ làm két nước được làm mát nhiều hơn, xe vận hành êm hơn.
Bạn cũng không nên điều chỉnh cảm biến nhiệt độ, kích hoạt hệ thống làm mát muộn hơn hoặc sớm hơn so với nguyên bản vì động cơ khi quá nguội hoặc quá nóng đều làm việc không tốt. Nhiều trường hợp thợ sửa xe điều chỉnh quạt mát khởi động sớm nhằm tiết kiệm nhiên liệu nhưng vô tình làm động cơ nóng hơn, nước sôi ở nhiệt độ cao và tăng khả năng sinh cặn tại két nước. Nên thường xuyên vệ sinh két nước và thay mới nước làm mát trong quy trình bảo dưỡng xe.
6. Dễ dãi chọn dầu xe
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại dầu được bán với các công dụng và tính năng khác nhau, phù hợp cho từng loại xe nhất định. Nếu lựa chọn không đúng loại dầu tiêu chuẩn cho xe của mình, bạn có thể phải thay dầu thường xuyên hơn mà lại khiến xe chạy không đảm bảo. Tốt nhất, hãy dùng loại dầu trong quyển hướng dẫn sử dụng của xe. Lưu ý, tối kỵ dùng dầu cho xe số để thay cho xe ga, cho dù dầu xe số có rẻ tiền hơn.
7. Dùng xe vô tội vạ
Thực tế, xe ga thường có giá trị lớn hơn xe số nên nhiều người nghĩ nó sẽ mặc nhiên bền hơn, có sức chịu đựng tốt hơn các loại xe khác. Tuy nhiên thực tế thì lại khác, nếu bạn thường xuyên đi vào đường xấu, đường nhiều ổ gà thì xe ga cũng không thể "nồi đồng cối đá" được. Bên cạnh đó, việc bạn hay đi mưa, để xe ngâm nước thì xe cũng nhanh hỏng như thường. Lưu ý, với những lỗi này, số tiền sửa chữa của xe ga còn đắt hơn nhiều so với xe số.
8. Lười bảo dưỡng
Đây là bệnh thường xuyên cố hữu của nhiều người dùng xe, không chỉ riêng xe tay ga hay xe số. Việc bảo dưỡng định kỳ thường xuyên không đơn thuần chỉ là thay dầu, nhớt mà còn giúp chiếc xe của bạn sớm phát hiện “bệnh” để kịp thời sửa chữa. Bạn càng chăm sóc nó tốt bao nhiêu, nó sẽ không phụ bạn chừng ấy.
Đ.Huệ (t/hợp)