Mới đây, Tòa Lao động TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm, hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận 2 (TP.HCM) để xét xử sơ thẩm lại vụ ông Phạm Thế Hùng kiện Công ty BP Exploration Operating Co., Ltd. (gọi tắt là Công ty BP).
Bác yêu cầu sai
Theo hồ sơ, năm 2004, ông Hùng và Công ty BP ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Công việc của ông Hùng là kỹ sư vô tuyến điện, làm việc tại giàn khai thác khí Lan Tây, hưởng mức lương cơ bản 9,8 triệu đồng/tháng.
Từ khi làm việc tại công ty, ông Hùng luôn được đánh giá là nhân viên có trình độ chuyên môn vững, có trách nhiệm, từng 11 lần được tặng thưởng vì có sáng kiến vượt trội. Tuy nhiên, từ cuối năm 2007, ông Hùng khiếu nại về điều kiện vật chất, tinh thần và sự an toàn của nhân viên tại giàn khoan Lan Tây, Công ty BP đã không xem xét, giải quyết khiếu nại của ông Hùng mà cho ông nghỉ việc từ ngày 21-12-2007 đến 20-1-2008. Sau đó công ty khiển trách ông Hùng, đánh giá công việc của ông trong năm 2007 không đạt yêu cầu.
Sau khi được công ty thông báo chỉ cho hưởng mức tăng lương mới năm 2008 là 4,9% (thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp), ông Hùng đã tuyệt thực phản đối. Công ty BP đã thuê máy bay ra giàn khoan Lan Tây chở ông về đất liền. Ngày 23-7-2008, Công ty BP tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật, kết luận ông Hùng “vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn của công ty, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng”. Cùng ngày, Công ty BP ra quyết định sa thải ông Hùng.
ông Hùng đã khởi kiện Công ty BP ra TAND quận 2. Xử sơ thẩm, tòa này chấp nhận một phần yêu cầu của ông Hùng là hủy quyết định kỷ luật sa thải, buộc Công ty BP phải nhận ông trở lại làm việc, buộc công ty phải bồi thường cho ông tổng cộng gần 289 triệu đồng.
Sau đó, cả Công ty BP lẫn ông Hùng đều kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, bác toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của ông Hùng.
Theo Tòa Lao động, nội quy lao động của Công ty BP và Điều 85 Bộ luật Lao động không quy định hành vi tuyệt thực của người lao động là vi phạm kỷ luật lao động, là căn cứ để sa thải. Nội quy lao động của Công ty BP chỉ quy định người lao động có hành vi: “Không tuân thủ các quy định an toàn của BP gây nguy hiểm mức độ nặng đến sức khỏe hoặc sự an toàn cho người khác” (“mức độ nặng” được định nghĩa là những thương tổn phải nghỉ việc và cần sự chăm sóc của y tế) thì mới bị coi là vi phạm quy định về an toàn của công ty. Trong khi đó, dù tuyệt thực nhưng ông Hùng vẫn làm việc bình thường, chưa làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự an toàn của người khác.
Mặt khác, việc Công ty BP trả khoản chi phí 10.000 USD để thuê máy bay đưa ông Hùng về đất liền là do công ty tự nguyện, thể hiện tính nhân đạo của công ty. Do đó, việc Công ty BP áp dụng hình thức sa thải đối với ông Hùng là không có căn cứ.
Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào cho thấy công ty có trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở về việc sa thải ông Hùng. Tại cuộc họp xử lý kỷ luật ông Hùng, đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở không đồng ý với việc công ty áp dụng hình thức sa thải. Tuy nhiên, sau đó Ban chấp hành Công đoàn cơ sở lại không báo cáo với Công đoàn cấp trên, đồng thời Công ty BP cũng không báo cáo với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM mà ra ngay quyết định sa thải ông Hùng là trái quy định.
Từ đó, Tòa Lao động kết luận việc TAND TP.HCM bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hùng là không đúng.
Đánh giá chứng cứ chưa toàn diện
Ngoài ra, cũng có những tranh chấp lao động mà nội dung, chứng cứ đều đã rõ ràng nhưng các tòa lại không xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ nên nhận định sai dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng. Điển hình là vụ 61 người lao động khởi kiện Công ty Cổ phần Mía đường Hiệp Hòa mà Tòa Lao động vừa hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Long An xét xử lại.
Theo hồ sơ, Công ty Cổ phần Mía đường Hiệp Hòa trước đây là Công ty Đường Hiệp Hòa (doanh nghiệp nhà nước), đến năm 2006 thì tiến hành cổ phần hóa và đổi tên. Năm 2009, công ty này giải thể nhà máy ván ép thuộc công ty và quyết định cho 61 người lao động tại nhà máy nghỉ việc. Công ty giải quyết quyền lợi của những người này như sau: Thời gian làm việc trong khu vực nhà nước từ ngày 30-6-2006 trở về trước thì hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương. Thời gian làm việc tại công ty cổ phần từ ngày 1-7-2006 đến ngày 31-12-2008 thì hưởng trợ cấp mất việc làm, mỗi năm làm việc bằng một tháng lương.
61 người lao động khiếu nại. Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Hòa hòa giải nhưng không thành. Sau đó phía người lao động đã khởi kiện. Họ yêu cầu được trả thêm khoản trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc tại khu vực nhà nước; mỗi người được hỗ trợ thêm một tháng lương và phụ cấp lương cho mỗi năm làm việc, sáu tháng lương và phụ cấp lương để tìm việc làm, tổng cộng hơn 7,1 tỉ đồng...
Xử sơ thẩm, TAND huyện Đức Hòa đã bác các yêu cầu khởi kiện. Người lao động kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía người lao động đã rút yêu cầu đòi công ty trả sáu tháng tiền lương tìm việc, chỉ yêu cầu thanh toán trợ cấp mất việc cho toàn bộ thời gian làm việc và trả lãi đối với khoản tiền trợ cấp mất việc. TAND tỉnh Long An đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc Công ty Mía đường Hiệp Hòa trả thêm phụ cấp mất việc với tổng số tiền là hơn 1,8 tỉ đồng.
Theo Tòa Lao động, trong vụ án này, các tình tiết, chứng cứ để giải quyết đã được cấp sơ thẩm làm rõ. Việc Công ty Mía đường Hiệp Hòa cho người lao động thôi việc khi giải thể nhà máy thuộc trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo luật định. Cấp phúc thẩm cho rằng phải áp dụng Nghị định 109/2007 của Chính phủ (về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần) là không đúng bởi lẽ công ty này đã chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2006. Ngoài ra, việc giải quyết quyền lợi người lao động theo bản án phúc thẩm cũng không chính xác...
Ba kiến nghị của Tòa Lao động TAND Tối cao - Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLTTDS sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lao động. - TAND Tối cao sớm phối hợp với các ngành hữu quan để xây dựng văn bản liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp lao động, trong đó có những vấn đề mới phát sinh như người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, quyền khởi kiện vụ án vì lợi ích lao động chung… - Tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán, chú trọng công tác bồi dưỡng tại chỗ để vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt về giải quyết án lao động, vừa đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ khác tại đơn vị. |
Theo Pháp luật TP HCM