Dưới đây là những ngôi sao vô duyên với chức vô địch World Cup.
Johan Cruyff (Hà Lan)
Trước World cup 1974, Hà Lan chỉ là một đội tuyển bóng đá tầm trung, không thắng nổi Iceland hoặc Luxembourg trong các trận đấu quan trọng. Tuy nhiên, chỉ cần một kỳ đại hội với chức Á quân, “cơn lốc màu da cam” đã trở thành cường quốc bóng đá cho tới tận bây giờ.
Hà Lan tại World Cup 1974 với các tên tuổi như Wim Rijsbergen, Ruud Krol, Wim Suurbier, Rob Rensenbrink, Johan Cruyff… đã giành ngôi đầu bảng trước các đối thủ Bulgaria, Uruguay, Thụy Điển. Với lối đá tổng lực, “cơn lốc màu da cam” tiếp tục cuốn phăng Argentina 4-0, Đông Đức 2-0, ĐKVĐ Brazil 2-0 tại các vòng sau và lần đầu vào chung kết.
Trong trận chung kết, dù Hà Lan thi đấu tốt hơn và có bàn thắng mở tỷ số trên chấm phạt đền của Johan Neeskens ngay phút thứ 2 nhưng với việc ngôi sao Johan Cruyff bị Berti Vogts (Tây Đức) vô hiệu hóa hoàn toàn và tin thần bản lĩnh vững vàng, Tây Đức đã lội ngược dòng để dành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 2-1.
Tiền đạo: Leo Messi (Argentina)
Siêu tiền đạo của Barcelona, vẫn kém duyên với các giải đấu lớn trong màu áo đội tuyển. Bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ của cầu thủ 30 tuổi chỉ thiếu duy nhất chức vô địch World Cup để trở nên hoàn hảo.
Messi vẫn là cái bóng của Maradona trong mắt cổ động viên nhà, khi anh thất bại trong việc dẫn dắt Albicelestes đến với chiếc cúp vàng danh giá.
Thành công duy nhất mà siêu sao Lionel Messi giành được cùng La Albicelestes là ở kì Olympic tại Trung Quốc năm 2008 song ai cũng rõ Thế vận hội mùa hè được dành cho lứa U23 chứ không phải đội 1.
Ngôi sao người Argentina từng giành 4 danh hiệu Quả bóng Vàng đã đạt được tất cả những thành công mà một cầu thủ mơ ước ở cấp độ CLB. Thế nhưng, những danh hiệu lớn của Leo ở cấp độ đội tuyển vẫn lảng tránh anh. Sự vô duyên được thể hiện rất rõ ràng khi Messi dù cố gắng đến mấy cũng chẳng thể đem về chiến thắng cho đội bóng xứ Tango ở những trận chung kết.
Tại World Cup 2014, Argentina của Messi và đồng đội cũng gục ngã ngay trước cửa thiên đường, trước ĐT Đức. Nếu Messi chơi dở ở giải đấu tại Brazil năm đó, sẽ chẳng có gì đáng nói. Thế nhưng, trong hành trình Argentina vào chung kết, Messi đóng góp công sức rất lớn. Anh trực tiếp ghi 4 bàn thắng và có pha kiến tạo quan trọng cho Di Maria lập công trong chiến thắng 1-0 trước Thụy Sỹ ở vòng 16 đội. Nhưng rồi, số phận một lần nữa ngoảnh mặt với Messi, để anh chỉ có thể liếc nhìn chiếc cúp vô địch thế giới chứ không thể chạm tay vào nó.
Zico ( Brazil)
Zico luôn được ghi nhớ như một trong những tài năng lớn nhất mà bóng đá Brazil từng sản sinh. Tuy nhiên khác với tiền bối Pele hay hậu bối Ronaldo, sự nghiệp của Zico vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn khi thiếu đi chức vô địch thế giới.
Zico đã từng thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ World Cup năm 1978, 1982 và 1986, ghi được 52 bàn thắng trong tổng số 72 trận đấu của đội tuyển Brazil.
Đội tuyển Brazil năm 1982 gồm Zico, Sócrates, Falcão, Eder,... được xem là thế hệ vàng. Dù thắng Liên Xô 2-1 nhưng họ lại bị loại ngay ở vòng 2 bởi Italia khi chỉ cần một trận hòa là sẽ vào bán kết. Nhưng dù Socrates và Falcao ghi bàn, hat-trick của Rossi vẫn Brazil họ phải khăn gói về nước.
Thành tích tốt nhất của Zico trong màu áo tuyển Brazil là cán đích thứ 3 tại World Cup 1978
Roberto Baggio (Italia)
Đối với những CĐV bóng đá lâu năm, cái tên Roberto Baggio chắc hẳn sẽ rất quen thuộc bởi ông là một tài năng tuyệt vời mà bóng đá Italia đã từng sản sinh. Cựu tiền đạo này từng thi đấu 489 trận ở cấp độ CLB và ghi được 223 bàn thắng. Trong màu áo đội tuyển Thiên thanh, Baggio ra sân 57 trận và lập công 26 lần, xếp thứ 4 trong danh sách những chân sút vĩ đại nhất của tuyển Italia.
Tuy vậy, cựu cầu thủ của Juve và Milan lại không một lần được nâng cao chiếc cúp vô địch cùng đội tuyển quốc gia. World Cup năm 1994, trong trận đấu ở vòng 16 đội, Italy đã cận kề miệng vực bị loại khi để Nigeria dẫn 1-0 đến tận phút 87. Nhưng Baggio lập cú đúp, lần lượt gỡ hòa ở phút 88 và ấn định thắng lợi 2-1 cho Italy ở hiệp phụ. Vào tứ kết, gặp Tây Ban Nha, Baggio lại lên tiếng muộn màng với bàn chốt hạ kết quả 2-1, cũng ở phút 88.
Gặp hiện tượng Bulgaria - đội gây sốc khi hạ Đức ở tứ kết, Baggio lại một tay đưa Italy cập bến bờ chiến thắng. Tiền đạo có biệt danh "Đuôi ngựa Thần thánh" - nhờ mái tóc dài được tết túm và lối chơi giàu chất lãng mạn - lập cú đúp giúp "Binh đoàn Thiên thanh" dẫn 2-0 chỉ sau 25 phút thi đấu. Hristo Stoichkov, rút ngắn tỷ số còn 1-2 với quả phạt đền ở phút 44 - bàn thứ sáu của anh từ đầu giải, nhưng không đủ cứu Bulgaria khỏi kết cục thất bại.
Trận chung kết giữa Italy với Brazil trên sân Pasadena năm ấy là trận chung kết nhàm chán nhất lịch sử World Cup khi hai đội đều chơi thực dụng và không ghi nổi bàn nào suốt 4 hiệp chính - phụ. Trong loạt đá luân lưu phân định thắng thua, Baggio được giao đá quả quyết định ở lượt thứ năm khi Brazil đang dẫn 3-2 rồi đá vọt lên trời, và nhường chức vô địch cho Brazil.
Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha)
Ronaldo đã giành mọi danh hiệu có thể ở cấp CLB, thậm chí là rất nhiều, như 5 chức vô địch Champions League, nhưng tại World Cup, giải đấu lớn nhất thế giới, anh vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Ronaldo ra mắt World Cup năm 2006 ở tuổi 21 và là một phần quan trọng của tuyển Bồ Đào Nha bên cạnh Luis Figo, Simao, Deco và Pauleta. Dù Bồ Đào Nha vào tới bán kết giải đấu này, nhưng Ronaldo chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn ở vòng bảng vào lưới Iran trên chấm 11m.
Bốn năm sau trên đất Nam Phi, Ronaldo thậm chí còn đá tệ hơn dù anh tới World Cup 2010 với tư cách là cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử, đương kim Quả bóng Vàng và đội trưởng của Bồ Đào Nha.
Bồ Đào Nha đã vượt qua vòng bảng với thành tích bất bại trong bảng đấu có Brazil, Bờ Biển Ngà và CHDCND Triều Tiên, nhưng họ chỉ ghi được bàn trong đúng 1 trận đấu với đại diện châu Á. Đó cũng là trận đấu duy nhất Ronaldo ghi bàn tại World Cup 2010 khi anh góp 1 bàn vào chiến thắng 7-0 của BĐN. Ở vòng 1/8, BĐN của Ronaldo đã không thể vượt qua hàng xóm Tây Ban Nha và phải sớm xách vali về nước.
Bốn năm sau, giải đấu trên đất Brazil còn tệ hơn với Bồ Đào Nha và Ronaldo khi họ bị loại ngay từ vòng bảng, còn Ronaldo cũng ghi được đúng 1 bàn.
Hậu vệ: Paolo Maldini (Italy)
Cầu thủ của AC Milan nổi tiếng là một trong những hậu vệ trái xuất sắc nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, anh cũng có khả năng đá tốt ở vị trí trung vệ.
Trong suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình, Maldini chưa bao giờ rời khỏi màu áo sọc đỏ-đen. Sau 25 mùa giải, huyền thoại người Ý giành tổng cộng 23 danh hiệu lớn nhỏ khác nhau cùng Rossoneri.
Có một sự thật tàn nhẫn với hậu vệ trứ danh này, anh chưa bao giờ được chạm tay vào chiếc Cúp vàng thế giới. World Cup 1990, 1994 Paolo Maldini cùng Azzurri chỉ về đích ở vị trí thứ 3 và 2 chung cuộc.
Sau 126 trận thi đấu quốc tế, hậu vệ của AC Milan tuyên bố giải nghệ ở tuổi 34 sau Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2002. Sự thật trêu người, 4 năm sau trên đất Đức, người Ý lên ngôi vô địch thế giới lần thứ 4 trong lịch sử.