Sáng đi bộ thể dục quanh quảng trường Pleiku, thấy một cô gái tóc dài, tết thành bím, chỉ một bím, dài tới dưới thắt lưng, chạy lúc lỉu phía trước (kể rõ một bím vì các cô hay tết hai bím. Có cô công phu thì mần (PV-làm) cả chục bím..., thời 1 bím nó xửa xưa lắm rồi).
Lâu lắm mới thấy một hình ảnh như thế. Phải nói là của hiếm. Cô gái trẻ nhưng chắc là từ tỉnh nào đấy phía Bắc vào, chắc là đi du lịch Pleiku. Phía Bắc nhiều cô gái để tóc dài và hay tết bím hơn phía Nam, càng ở nông thôn càng để tóc dài.
Nhớ hồi nhỏ, thi thoảng có anh trai làng yêu gái phố, dẫn về quê là cả làng sẽ kéo đến... xem, chỉ vì cô gái phố phi dê, tức tóc ngắn và uốn. Gái làng chỉ để tóc tự nhiên, có chị gội đầu xong phải đứng lên ghế để quay tóc và chải cho nhanh khô.
Vụt nhớ câu thơ của bác Trần Mạnh Hảo: “Đám mây bay trong thau nước gội đầu”, câu thơ cực hay trong bài thơ rất hay "Gửi Lai Châu" của bác ấy thuở nào.
Xưa, nhà tôi ở khu tập thể, nhà tranh tre nứa lá, chủ nhật mà nắng là ngày các cô công nhân gội đầu. Tóc ngắn rất ít, tóc càng dài càng đẹp, càng sang, càng kiêu kỳ sang cả.
Chuẩn bị gội đầu công phu lắm. Đầu tiên là í ới gọi nhau, hẹn nhau. Rồi hì hụi chuẩn bị. Ai giấu đâu đó được nắm lá bưởi hoặc chanh thì cứ gọi là được quyền vênh mặt (thường là hái về rồi dắt dưới mái tranh). Rồi gánh nước, nấu nước, nướng bồ kết.
Thấy có người thả bồ kết đã nướng vào nấu luôn, có người thì nướng xong, bẻ bồ kết ra chậu rồi dội nước sôi vào. Rồi... phơi nước. Mỗi người một cái chậu để trên cái ghế, "phơi" nước dưới nắng. Các cửa phòng tập thể chậu xếp hàng như thế, nhìn chậu là biết có bao nhiêu cô sắp sửa gội đầu.
Nước nguội, tức là âm ấm, và bồ kết ngấm, tức ra hết chất bồ kết, thì ra gội. Trời ơi là tóc. Các cô mặc áo dệt kim Đông xuân ngắn tay, ngực nhọn hoắt (áo ngực tự may bằng vải ka ki, chần nhọn và cứng ngắc) cúi đầu gội.
Tóc xổ đầy chậu, đen nhánh. Mỗi cô có một cái ca và một xô nước sạch bên cạnh. Vừa gội vừa hít hà vừa nói chuyện ầm ĩ, buổi trưa náo động tới cây cũng im mà chim cũng ngẩn ngơ. Xong đứng lên, túm tóc và... quay. Quay để tóc kiệt nước và nhanh khô.
Có cô tóc dài quá thì phải đứng lên ghế. Tóc ướt thấm vào áo, áo bó vào người, người tròn lẳn uyển chuyển theo nhịp quay của tóc. Đoạn nước ngấm nhiều nhất là lưng...
Chưa hết, cái quần lụa đen cũng xoay... Lưng xoay, quần lụa xoay, mông xoay... xoay xoay và xoay.
Mùi lá chanh lá bưởi, mùi bồ kết sực lên.
Tôi khi ấy chừng... 5, 7 tuổi nhưng ấn tượng vẫn nhớ tới giờ...
Khi ấy chắc bác Trần Mạnh Hảo cũng chưa có câu thơ như: “Tóc em đó như mùa màng gặt hái/ Mỗi cái nhìn ẩn chứa một bình minh” cũng trong bài “Gửi Lai Châu” tôi nhắc ở trên.
Lại nhắc tóc thắt bím. Lên cấp hai, cấp ba là con gái thời ấy bắt đầu diện. Một trong những thứ diện mà có thể không tốn kém là... tóc. Muốn thơm thì gội đầu có lá bưởi, hoặc lấy hoa nhài, quả thị chín... kín đáo dắt vào tóc (thị thì có cái lưới, chọn quả nhỏ, gói cả tóc và thị vào), và thắt bím.
Thường là một hoặc hai bím, dài tới tận mông, rất ít người thắt nhiều bím như sau này. Nếu hai bím thì thường một bím sau lưng một bím trước ngực. Kiếm được sợi len đỏ thắt phía đuôi tóc nữa là đủ vị.
Nhẹ nhàng nhất, không có thời gian thì kẹp ba lá. Giờ thấy rất hiếm món này. Hồi chiến tranh, vì cái kẹp ba lá sáng quá, các chị phải lấy sợi len cuốn lại che bớt ánh sáng. Có được hào nào, các chị kẹp luôn vào cái kẹp ba lá ấy, công năng của nó lúc này như cái... ví. Hồi ấy tiền ở đâu mà nhiều.
Thành phố sở dĩ chơi tóc ngắn chắc là cho tiện, chứ tóc dài, vừa gội vất vả mà làm việc vướng víu. Nhưng các cô gái Huế, thong dong thế, chậm rãi thế, “một chiếc lá rơi cũng làm em sợ” thế, lại không để tóc dài, chính xác là ít, mà toàn để tóc thề. Tức tóc ngang lưng hoặc vai, thả xõa.
Ban đầu nghe nói gái Huế cũng để tóc dài, nhưng rồi gặp biến cố gì đó, xa nhau chẳng hạn, thề thốt chẳng hạn, bèn cắt tóc để thề, nên gọi tóc thề, nhưng sau nó thành cái mốt, hợp với dáng người con gái Huế, nên tóc thề mất đi ý nghĩa thề.
Hồi học đại học Tổng hợp Huế ở Morin, giờ là khách sạn Morin Sài Gòn ngay đường Lê Lợi nổi tiếng, chúng tôi hay đứng ở ban công ngắm nữ sinh Đồng Khánh, Quốc học tới trường, áo trắng tóc thề rợp đường Lê Lợi, trôi trên cầu Trường Tiền.
Mưa nắng cũng kệ, trễ giờ cũng kệ, các cô cứ chậm rãi thướt tha bước, áo dài bay tóc bay khiến cả con đường đẹp nhất thành phố Huế như cũng bay lên, và lũ sinh viên văn khoa chúng tôi thì... bồng bềnh...
Các cụ xưa nói “Cái răng cái tóc là góc con người”, mà quan niệm tóc răng ngày xưa rất khắt khe. Tôi lên cấp ba rồi nhưng đi cắt tóc là ba vẫn dẫn ra tận nơi, yêu cầu thợ cắt đầu 3 phân. Hồi ấy mốt con trai là đầu đít vịt, cái gáy để tóc như cái đuôi vịt và cắt tóc là chỉ hớt nhẹ, chấn mang tai, cắt ba phân là... nhà quê. Nhưng sau đấy một thời gian thì ba phân, đầu đinh lại là mốt.
Bây giờ thì tùy, ai thấy thế nào đẹp thì để, cán bộ, kể cả có chức, có thể cắt trọc. Hồi có mấy cô ca sĩ cũng cắt trọc lốc, nhìn vẫn hợp mắt.
Nhưng những bệnh nhân ung thư thì không? Nhiều người mặc cảm vì cái đầu trọc lốc của họ. Và thế là có một phong trào hiến, tặng tóc cho các bệnh nhân ung thư.
Tôi đã rất xúc động khi xem facebook của một dược sĩ ở bệnh viên ung bướu Cần Thơ. Cô bé này là dược sĩ lâm sàng, gốc Huế, nhưng đã cắt mái tóc của mình tặng các bệnh nhân của mình.
Và không chỉ mình cháu, cả khoa cháu, cả bệnh viện, và nhiều người ở ngoài nữa. Ví dụ đây là một phong trào đẹp “Từ năm 2015, Thư viện tóc giả do Mạng lưới ung thư vú Việt Nam khởi xướng được xây dựng trên nhu cầu có thực, giúp người bệnh thêm tự tin và can đảm chiến đấu với ung thư.
Đây là chương trình tóc giả thực hiện từ nguồn tóc thật do cộng đồng đóng góp, cung cấp miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo bị mất đi mái tóc do hóa trị”.
Và nghĩ, giá tôi cũng có thể tặng tóc.
Tôi có trao đổi với cháu dược sĩ, và cháu đồng ý cho đăng ảnh cháu cắt tóc kèm lời nhắn: “ok ạ, lan toả càng nhiều càng tốt ạ, người bệnh cần lắm ạ”.
Giữa bao nhiêu tham nhũng, tiêu cực, giữa bộn bề đời sống, cái hành động hiến tóc kia nó ngời lên bao nhiêu, ấm áp bao nhiêu, nhân văn bao nhiêu, dù nó nhỏ, và âm thầm lặng lẽ...
Lại nhớ cái cặp ba lá ngày nào, lóe sáng lên trong làn tóc...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.